8. Bố cục của luận án
3.1.6. Hát âm nảy (staccato)
Trong opera Việt Nam, các tiết mục viết cho giọng nữ cao thường thấy xuất hiện kỹ thuật hát nảy, đôi khi có kết hợp với các kỹ thuật hát khác như rung láy, non legato...
Ví dụ 3.12: trích số 4, vai Sao trong opera Cô Sao là kỹ thuật hát âm nảy (staccato) và kỹ thuật rung láy (trillo).
Có thể nói, kỹ thuật hát âm nảy đối với giọng nữ cao là một lợi thế. Bởi giọng nữ cao luôn có âm vực khá rộng, dễ dàng thể hiện những nốt cao với tốc độ nhanh, màu sắc âm thanh sáng, đẹp, thánh thót, lảnh lót... thường dùng diễn tả tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng chuông ngân... hoặc những đoạn phô diễn kỹ thuật, kỹ xảo của giọng hát (candenza), ở phần cuối tác phẩm. Trong opera Lá đỏ, kỹ thuật hát âm nảy thể hiện những phút giây trở lại với bản ngã, với sắc đẹp, tuổi trẻ và tính cách hồn nhiên sôi nổi, yêu đời, yêu cuộc sống, cũng như nét ngây thơ quyến rũ của các cô gái đang độ thanh xuân (số17, 30, vở Lá đỏ).
Thể hiện kỹ thuật hát âm nảy ở những nhân vật: Sao (Cô Sao); H’Lim (Bên bờ K'rông Pa) hay Hương (Lá đỏ)... không nên quá nhún nhẩy, không quá rộn rã nhưng cũng đầy đủ tính cách tươi trẻ, hồn nhiên, như những giây phút tạm quên chiến tranh, bởi nhân vật hiểu rõ, tình yêu, cuộc sống của họ đang còn trong lòng cuộc chiến tranh.
Kỹ thuật hát âm nảy, kỹ thuật rung láy và hát nói đối đáp, nói đếm trong trio Sao - Sái - Nộ, số 4, vở Cô Sao là một điển hình (ví dụ 3.12). Trong tiết mục này, kỹ thuật hát âm nảy của Sao ở ô nhịp 13 - 18; kỹ thuật rung láy của Sao ở ô nhịp 18, kết hợp cùng phần hát nói đối đáp, nói đếm, với tính chất khôi hài của hai nhân vật: Sái, Nộ (bọn người xấu). Giai điệu hát âm nảy của Sao làm chúng ta liên tưởng đến tiếng chim hót. Tình huống kịch là Sao vui đùa, hót theo con chim sáo ở trước sân nhà với mục đích gây sự chú ý, lôi kéo Sái và Nộ về hướng mình, để chúng quên đi ý đồ vào nhà lùng sục, làm hại chị Vân (người đang trốn ở trong nhà Sao). Ở tiết mục này, người hát phải làm chủ được hơi thở và vị trí âm thanh, bởi có rất nhiều nốt cao ở a2 phải hát âm nảy với tốc độ rất nhanh và gãy gọn.
Từ một số ví dụ điển hình trên, một điều nhận thấy rõ là các kỹ thuật hát như: hát liền giọng, hát âm nảy, hát láy, hát nói, hát lướt nhanh, hát với sắc thái to nhỏ… đã được các nhạc sĩ sử dụng trong các tiết mục đơn ca và trong các tiết mục có giọng nữ cao tham gia. Các kỹ thuật hát này được đưa vào ngôn ngữ tiếng Việt với mục đích thể hiện nội dung, miêu tả từng tình huống kịch, đặc điểm nhân vật cụ thể một cách hợp lý, nhuần nhuyễn, phù hợp… chúng tôi đưa ra những bài tập gợi ý cho từng tiết mục từng yêu cầu cụ thể nhằm giúp người học, người biểu diễn giải quyết những vấn đề nan giải, những điểm khó, không thuận lợi… khi kết hợp kỹ thuật hát phương Tây, ngôn ngữ Việt Nam trước khi vào tác phẩm.