7. Bố cục của đề tài
2.1.1. Nguyên tắc đảm bảo đặc trưng của phân môn Làm văn
“Mục đích cuối cùng của dạy học Làm văn là giúp cho HS rèn luyện được kỹ năng xây dựng văn bản vừa đúng với yêu cầu chính xác về nội dung, chặt chẽ về lập luận, trong sáng về chữ nghĩa, vừa phải nhanh, phù hợp với điều kiện giao tiếp” [1; tr.201]. Muốn thực hiện được yêu cầu này, cần phải chú ý đặc biệt đến các giờ dạy lý thuyết và thực hành Làm văn.
Vận dụng tri thức LLVH trong bài nghị luận văn học cũng phải đạt được những yêu cầu này. Điều đó đòi hỏi GV phải chú ý tới quy trình rèn luyện kỹ năng vận dụng tri thức LLVH: từ thực hành để rút ra lý thuyết, khẳng định lý thuyết, mỗi kiến thức lý thuyết phải được HS minh họa bằng một mẫu thực hành.
Những tri thức LLVH tiếp thu được không thể biến thành kĩ năng nếu không qua quá trình luyện tập nhiều lần. Quá trình ấy liên quan đến việc dẫn mẫu, phân tích mẫu. Theo hướng phát huy tính tích cực của chủ thể, việc phân tích mẫu là cơ sở đầu tiên để rút ra những kết luận cần thiết cho việc
thực hành - luyện tập. Mục đích của Làm văn là học theo mẫu, làm theo mẫu một cách sáng tạo.
Vì vậy, để rèn luyện kỹ năng vận dụng tri thức LLVH trong bài văn nghị luận văn học nói chung và bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ nói riêng cho HS lớp 12, cần phải đảm bảo nguyên tắc này. GV phải cung cấp cho HS những mẫu sinh động về sự vận dụng tri thức LLVH qua những bài văn khá, giỏi; qua những bài viết của các nhà nghiên cứu để HS học hỏi cách diễn đạt, cách sắp xếp tri thức LLVH. Từ đó, học theo mẫu một cách sáng tạo. Điều đó cũng đòi hỏi việc chọn mẫu, dẫn mẫu phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: tiêu biểu; đảm bảo tính tư tưởng; tính tích hợp…
Bên cạnh đó, để hình thành và rèn luyện cho HS lớp 12 kĩ năng vận dụng tri thức LLVH trong bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, GV cần phải lựa chọn được hệ thống bài tập phong phú, đa dạng. Hệ thống bài tập này vừa đảm bảo tính tích hợp giữa Làm văn - Đọc hiểu văn bản và tiếng Việt, vừa phát huy được khả năng sáng tạo của từng HS, đồng thời phải phù hợp với nội dung CT Ngữ văn.