Hiện nay, các chính sách được đánh giá trên những tiêu chí phổ biến như tính phù hợp, tính hiệu quả, tính công bằng, tính bền vững, tính khả thi, tính hiệu lực... Trong phạm vi nghiên cứu, khóa luận tập trung vào 3 tiêu chí là tính hiệu lực, tính hiệu quả và tính phù hợp của chính sách để đánh giá chính sách phát triển KTNT của một địa phương cấp huyện.
Tính phù hợp của chính sách
Tính phù hợp chính sách phát triển KTNT của một địa phương cấp huyện có vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu của chính sách đã xác định trước đó. Tính phù hợp của chính sách phản ánh tính hợp lý, tính khả thi của chính sách mà trong đó hàm ý mục tiêu và biện pháp của chính sách đạt được sự đồng thuận cao trong nhận thức cũng như cam kết thực hiện từ các bên liên quan. Do vậy, đánh giá tính phù hợp của chính sách trước hết là đánh giá tính phù hợp giữa mục tiêu và biện pháp của chính sách. Tiếp đến là đánh giá tính phù hợp của chính sách với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương cấp huyện, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương cấp tỉnh và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong từng giai đoạn cụ thể; cũng như các chính sách khác có liên quan. Tính phù hợp của chính sách phát triển KTNT phản ánh mức độ vấn đề chính sách đã được giải quyết đến đâu. Chính sách phát triển KTNT có đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng của chính sách ở thời điểm hiện tại và trong tương lai hay không? Chính sách phát triển KTNT sẽ là phù hợp nếu chính sách đảm bảo được sự cân đối, hài hòa giữa mục tiêu của chính sách với nguyện vọng người dân nông thôn, các DN, HTX đang hoạt động ở địa bản nông thôn hiện nay. Nói cách khác, chính sách phát triển KTNT phải xuất phát từ những bất cập trong CCKT nông thôn thực tế đặt ra để rồi từ đó giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân nông thôn, DN, HTX... trên địa bàn nông thôn.
Tính hiệu lực của chính sách
Tính hiệu lực của chính sách phát triển KTNT của một địa phương cấp huyện phản ánh mức độ tác động, ảnh hưởng của chính sách đó trên thực tế, làm biến đổi hoặc duy trì thực tế theo mong muốn của nhà quản lý địa phương cấp huyện hay không. Đánh giá hiệu lực của chính sách phát triển KTNT là việc trả lời cho các câu hỏi: Chính sách phát triển KTNT có được các cán bộ quản lý triển khai thực hiện kịp thời không? Chính sách có được phổ biến, tuyên truyền đến đối tượng thụ hưởng của chính sách hay không? Các thông tin, nội dung và những điểm mới về chính sách phát triển KTNT có thường xuyên cập nhật và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng không? Chính sách phát triển KTNT có được sự ủng hộ của người dân nông thôn hay không?
Nói tóm lại, chính sách phát triển KTNT có hiệu lực phải thể hiện chính sách được triển khai kịp thời cũng như được sự ủng hộ đồng thời của đối tượng quản lý và đối tượng thụ hưởng của chính sách. Ngoài ra, tính hiệu lực của chính sách phát triển KTNT còn
được đánh giá thông qua các chỉ tiêu như: Mức độ kết quả thực hiện của chính sách so với mục tiêu mà chính sách đã xây dựng trước đó. Mức độ hài lòng của đối tượng thụ hưởng chính sách đối với quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Tính hiệu quả của chính sách
Tính hiệu quả của chính sách phát triển KTNT của một địa phương cấp huyện là sự so sánh giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra để có được kết quả đó. Hay nói cách khác, việc đánh giá tình hiệu quả của chính sách phát triển KTNT là trả lời câu hỏi: Cần bao nhiêu chi phí và công sức để có được kết quả đó? Khi đánh giá hiệu quả của một chính sách, về nguyên tắc người ta phải xác định hiệu quả tổng hợp của chính sách. Đó là kết quả tổng hợp cả về kinh tế - xã hội của chính sách đó. Hiệu quả tổng hợp phản ánh mức độ đạt được các kết quả về kinh tế và về tác động xã hội theo mục tiêu đã đề ra với một chi phí và công sức nhất định. Tuy nhiên, việc đo lường các chỉ tiêu trên là rất khó, nhất là các chi phí nguồn lực. Do vậy, để đánh giá tính hiệu quả của chính sách phát triển KTNT của một địa phương cấp huyện, khóa luận chỉ tập trung đánh giá trên cơ sở so sánh giữa mục tiêu của chính sách đã đặt ra với giá trị kết quả đạt được của chính sách. Theo đó, nếu giá trị kết quả đạt được của chính sách cao hơn hoặc bằng với mục tiêu đề ra trước đó của chính sách thì có nghĩa chính sách đạt được tính hiệu quả; và ngược lại.
1.3. Các yếu tố ảnh hƣởng đến chính sách phát triển kinh tế nông thôn