Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, có địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho phát triển KTNT. Đây là nơi hội tụ của cư dân từ nhiều nơi về lập nghiệp, tạo nên một vùng nông thôn rộng lớn. Người nông dân Thái Bình đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong phát triển nông thôn, thâm canh nông nghiệp, làm nên vựa lúa của đồng bằng sông Hồng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại SXNN gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa ở toàn bộ các xã, thị trấn, khắc phục một phần tình trạng nhỏ lẻ, phân tán trên các thửa ruộng của mỗi gia đình. Đến tháng 7/2016 Thái Bình có tới 142 cánh đồng liên kết với 11.134 ha đất và 42.657 hộ tham gia sản xuất, trong đó có 73.71% diện tích được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất. Tỷ lệ này chỉ đứng sau Hưng Yên (87,80%) và cao hơn hắn một số tỉnh khác trong vùng.
Hiện nay phát triển KTNT là một trong 5 hướng đột phá kinh tế trong nông nghiệp được tỉnh Thái Bình hết sức chú trọng. Đây là động lực thu hút sự tham gia đầu tư của các DN. Lợi thế của DN là vốn lớn, công nghệ cao, phương thức sản xuất hiện đại và thuận lợi hơn trong tìm kiếm đầu ra thị trường nông sản. Tỉnh đang đẩy mạnh tích tụ đất đai theo hình thức vận động người dân ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với DN thuê đất để đầu tư SXNN với thời hạn tử 20 năm trở lên, giá thuê tương ứng với địa tô chênh lệch ở mỗi vùng sinh thái; sau 5 năm điều chỉnh giá thuê một lần, mỗi lần chênh lệch không quá 5% đơn giá hiện hành (năm 2017 mỗi huyện chủ động quy hoạch quỹ đất với diện tích từ 500 - 1.000 ha để thu hút DN đầu tư). Bằng cơ chế này, đến nay toàn tỉnh đã vận động tích tụ được hơn 5.000 ha đất nông nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận các DN vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.