Vị trí địa lý, khí hậu: Mỗi địa phương sẽ có đặc điểm riêng để phát triển kinh tế nông thôn khác nhau, tùy thuộc vào vị trí địa lý, khí hậu của địa phương đó. Chính vì vậy, việc xây dựng, triển khai các chính sách phát triển KTNT, trước tiên chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố địa lý, khí hậu của địa phương. Chính sách phát triển kinh tế nông thôn của địa phương phải được xây dựng trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, bảo đảm tính liên kết vùng giữa địa phương với các vùng kinh tế khác.
Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương: Kinh tế tăng trưởng cao sẽ có nhiều nguồn tài chính để thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn; Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện các giải pháp, tác động mạnh hơn để giải quyết các vấn đề chính sách. Xã hội càng văn minh, hiện đại, nhận thức của con người càng tiến bộ, trình độ dân trí càng cao thì càng thuận tiện trong việc thực hiện chính sách và pháp luật nói chung, thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn nói riêng.
Mối liên kết vùng giữa địa phương với các địa phương khác: Liên kết là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Liên kết kinh tế vùng là liên kết các ngành kinh tế mang tính hợp tác, bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương có những nét tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phân bố dân cư, nguồn lực… nhằm mục đích tăng cường sức hút đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng, phương thức liên kết đa dạng; trong đó có thể tập trung phát triển một hạt nhân trung tâm, xung quanh là các vệ tinh, hoặc là một thành phẩm được đưa qua nhiều giai đoạn mà mỗi địa phương đảm nhận một vai trò trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Chính sách phát triển kinh tế nông thôn trong liên kết vùng sẽ thúc đẩy sự gia tăng về quy mô, số lượng, chất lượng của các phân ngành kinh tế tế nông thôn trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các ngành kinh tế khác của vùng để thiết lập các quan hệ liên kết kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, tận dụng tối đa các nguồn lực, phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.