Từ các nội dung được nêu trong Đại hội Đảng bộ thành phố Điện Biên Phủ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Quy hoạch phát triển kinh tế thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có thể xác định quan điểm của thành phố Điện Biên Phủ đối với phát triển KTNT như sau:
Quy hoạch phát triển kinh tế nông thôn thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Điện Biên Phủ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch sử dụng đất của thành phố và các xã, phường.
Phát triển KTNT của thành phố Điện Biên Phủ phải đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương (xã/bản); đồng thời tạo điều kiện phát triển hợp lý, hài hòa giữa cơ cấu ngành, vùng (lãnh thổ) và các thành phần kinh tế ở KVNT.
Phát triển KTNT của thành phố cần phải gắn quá trình tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao, hiện đại, để phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng của từng địa phương tạo ra bước chuyển dịch về chất trong cơ cấu kinh tế, đảm bảo tăng trưởng cao và bền vững. Có thể khẳng định, KHCN là “chiếc chìa khóa” giúp quá trình phát triển KTNT không chỉ diễn ra thuận tiện dễ dàng mà còn giúp đạt được thành công nhanh hơn. Do vậy, kinh tế nông thôn của thành phố cần phải ưu tiên, chú trọng trong việc ứng dụng KHCN cao, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nông thôn.
Phát triển KTNT của thành phố Điện Biên Phủ cần phải đảm bảo tính hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong quá trình thực hiện phát triển KTNT, các yếu tố như đất đai, vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên..tất yếu sẽ được huy động một cách tối đa vào sản xuất để đảm bảo đạt được những kết quả đã được xác định trước đó. Vấn đề đặt ra là trong quá trình khai thác và sử dụng các yếu tố sản xuất cần phải thực hiện trên nguyên tắc tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái của người dân, để nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho họ bởi vì trong quá trình phát triển KTNT sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường như:
thuốc bảo vệ thực vật, chất thải công nghiệp, chất thải chăn nuôi...Do vậy, phát triển KTNT của thành phố cần phải hướng đến việc sản xuất ra các sản phẩm sạch, sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đồng thời các các biện pháp xử lý môi trường tốt, nâng cao ý thức của người dân nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động kỹ thuật và quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của thành phố, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ hướng vào những lĩnh vực có lợi thế của vùng..