2.4.2.1. Những tồn tại
> về cơ cấu kinh tế
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Mặc dù đã có chuyển biến như giảm tỷ trọng nông nghiệp và giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp nhưng vẫn còn khá là chậm chạp. Nguồn vốn cho nông nghiệp vẫn còn chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa phát triển. Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp mặc dù tăng lên về số tuyệt đối nhưng không có nhiều thay đổi về tỷ trọng và còn có xu hướng giảm.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ: Vấn đề quy hoạch, kế hoạch đối với phát triển bền vững còn hạn chế, gây thất thoát vốn lớn và còn lãng phí, chưa hiệu quả, đặc biệt là các công trình công cộng.
> về hoạt động tín dụng ngân hàng
+ Chất lượng tín dụng chưa cao, nợ xấu lớn và có xu hướng gia tăng trở lại sau một giai đoạn giảm mạnh. Nợ xấu gia tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2015, Sau khi giảm về mức 3,25% vào cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu gia tăng trở lại và ở mức 3,81% vào cuối tháng 3/2015. Về tình hình xử lý nợ đã mua, tổng số nợ được xử lý đến hết tháng 3/2015 ở mức 7.000 tỷ đồng, chỉ bằng 4,6% tổng nợ đã mua.
+ Chưa sử dụng có hiệu quả nguồn lực hiện có, thất thoát vốn lớn, tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế bị lãng phí thể hiện ở hệ số ICOR cao.
+ Sản phẩm tín dụng chưa đa dạng, đặc biệt là đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn.
+ Nhu cầu vốn cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ của kinh tế dân doanh là rất lớn, nguồn tín dụng ngân hàng chưa đáp ứng hết được. Đặc biệt là đối với các chương trình tín dụng chính sách, ngân hàng Chính sách không đủ nguồn lực để có thể hỗ trợ và đáp ứng kịp thời vốn cho các ngành nghề và lĩnh vực chính sách không những nhiều về số lượng mà còn phân bố lớn về mặt địa lí.
+ Đầu tư vốn tín dụng cho các khu vực phi sản xuất còn lớn và chiếm tỷ trọng càng tăng trong tổng vốn đầu tư tín dụng gây rủi ro cao. Tín dụng cho khu vực nông thôn còn rất hạn chế. Đặc biệt là tín dụng cho nông nghiệp xanh và ứng dụng công nghệ cao.
2.4.2.2. Nguyên nhân của tồn tại
Trước hết, bản thân nội tại nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều bất cập, cơ cấu kinh tế chưa bền vững.
Thứ hai là việc xác định được một mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp là khá khó khăn và thực tế là mô hình tăng trưởng hiện tại chưa phát huy tác dụng khiến cho các ngân hàng chưa có cơ sở xác định đúng định hướng đầu tư.
Thứ ba là tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát, giá dầu giảm mạnh, nông sản xuất khẩu rớt giá và gây nhiều thiệt hại.
Thứ tư, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đặc biệt là nông nghiệp chưa đem
lại hiệu quả cao cho các ngân hàng bằng các lĩnh vực khác. Trong khi các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản vẫn đem lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư vốn trong đó có các ngân hàng. Đồng thời, nhu cầu về nhà ở trong dân cư còn rất cao khi các
Chính sách hỗ trợ và xây dựng nhà ở phù hợp cho dân cư của Nhà nước còn nhiều bất cập.
Thứ năm đó là do nhu cầu vốn cho các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH theo chỉ đạo của Chính phủ lớn, vượt quá nguồn lực vì vậy gia tăng áp lực đối với chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Đồng thời chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư đúng mức của các khối các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước cho các chương trình tín dụng Chính sách.
Thứ sáu là chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp như hệ số ICOR ngày càng cao và chủ yếu tăng trưởng dựa trên gia tăng nguồn vốn đầu tư. Đây cũng một phần là do quy hoạch và quản lí nguồn vốn đầu tư chưa sát sao và hiệu quả của các Cơ quan quản lí Nhà nước. Vụ án Vinashin là một minh chứng.
Thứ bảy là đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tăng giảm bất thường và giảm so với giai đoạn trước làm giảm tổng cầu, không kích thích được tăng trưởng kinh tế.
Thứ tám là thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam so với các nước là chưa phát triển và chưa có mối quan hệ chặt chẽ giữa các thị trường.
Thứ chín là gia tăng nợ vay nước ngoài trong đó tình hình nợ công cao trong khi việc sử dụng vốn không hiệu quả làm tăng áp lực trả nợ của Quốc gia.
Thứ mười là chất lượng tín dụng sau thời gian cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ cao, tiềm ẩn nợ xấu phát sinh tăng, năng lực quản trị của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn non kém.
Cuối cùng là do cơ chế chính sách và công tác quản lí Nhà nước về hoạt động tài chính, đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa làm phát huy hiệu quả các văn bản pháp lí về tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội bền vững.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Trong chương 2, tác giả đã đi sâu phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu tín dụng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Qua đó, tác giả đã đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và tìm ra nguyên nhân trong công tác điều hành và thực hiện các chính sách về tín dụng để phát triển kinh tế xã hội của hệ thống các ngân hàng Việt Nam và các chủ thể kinh tế. Đây là cơ sở đưa ra các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu tín dụng một cách hợp lí. Điều này sẽ được trình bày ở chương 3: ”Giải pháp chuyển dịch cơ cấu tín dụng của hệ thống ngân hàng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020”.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU TÍN DỤNG CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG PHÙ HỢP VỚI MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
KINH TẾ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2016-2020