X ây dựng V ận hành thử
chế đấu thầu
3.1.2 Mục tiêu mua điện với chi phí thấp
Cơ chế biểu giá điện FIT đôi khi bị chỉ trích vì đắt. Ấn tượng này chủ yếu là do giá điện FIT là cơ chế hỗ trợ chính được sử dụng trong những năm 2000 - khi năng lượng tái tạo vẫn còn đắt hơn nhiều so với hiện nay. Ví dụ, Pháp đã trả hơn 50 €cent/kWh cho điện mặt trời trên mái vào năm 2006 (Jacobs 2012). Tuy nhiên, mức giá điện FIT hiện nay đã xuống thấp hơn nhiều so với thời kỳ đó. Chẳng hạn như trong năm 2016, Trung Quốc chỉ phải trả giá điện FIT là 5 €cent/kWh (0,42 Nhân Dân tệ) cho nguồn điện mặt trời phân tán9.
Bên cạnh đó, một số báo cáo gần đây đã gợi ý rằng việc lựa chọn cơ chế thu mua (tức là chuyển từ giá điện FIT sang đấu thầu) đang là yếu tố dẫn đến giảm giá năng lượng tái tạo (IRENA and CEM 2015). Điều này thực sự không đúng. Trên thực tế, các yếu tố liên quan đến công nghệ, thị trường, quy định và thiết kế hợp đồng quan trọng hơn nhiều so với cơ chế thu mua (Agora 2018). Việc chuyển từ giá điện FIT sang đấu thầu không nhất thiết sẽ dẫn đến giá điện thấp hơn.
Trong phạm vi nào đó, việc chuyển từ biểu giá điện FIT sang cơ chế đấu thầu thậm chí còn có thể dẫn đến giá thành cao hơn. Tại Đức vào năm 2015 và 2016, các vòng đấu thầu ban đầu cho điện mặt trời mang lại giá bỏ thầu cao hơn mức giá điện FIT được quy định theo chính sách dài hạn của quốc gia. Sự không chắc chắn về quy định xung quanh việc chuyển đổi từ giá điện FIT sang đấu thầu, kết hợp với việc nhiều nhà thầu không quen với quy trình đặt giá thầu mới đã dẫn đến kết quả là giá thầu cao hơn trong các vòng đấu thầu đầu tiên. Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới (ví dụ, trong trường hợp các dự án thủy điện ở Ecuador). Tuy nhiên, những trường hợp này thường không được công bố (và đôi khi thậm chí công chúng không hề biết đến) do các phiên đấu thầu này thường bị chính quyền hủy bỏ.
Tuy vậy, cơ chế giá điện FIT lại có một điểm yếu đáng kể liên quan đến sự chênh lệch về thông tin giữa cơ quan quản lý có trách nhiệm tính toán giá FIT với cộng đồng các đơn vị phát triển dự án là đối tượng biết rõ về chi phí “thực tế” của thị trường. Sự chênh lệch về thông tin càng là một vấn đề lớn đối với các công nghệ có tiềm năng giảm mạnh chi phí, cụ thể như điện mặt trời.
Trong khi đó, cơ chế đấu thầu có lợi thế đáng kể liên quan đến vấn đề thông tin này. Bằng cách yêu cầu các đơn vị phát triển gửi giá thầu cho các dự án, các vòng đấu thầu thực sự có thể tạo đượcđộ tin cậy dựa vào các thông tin được cung cấp bởi khu vực tư nhân. Ngoài ra, bằng việc triển khai nhiều vòng đấu thầu liên tiếp (vài lần mỗi năm), đấu thầu là cách thức hiệu quả hơn để theo dõi tiến triển thực tế của chi phí công nghệ.
Cân nhắc cho Việt Nam:
Giá điện FIT quá cao không phải là vấn đề tồn tại trong trường hợp điện gió ở Việt Nam. Ngược lại, hầu hết những đơn vị phát triển dự án được phỏng vấn đều nhấn mạnh rằng giá điện FIT cho điện gió hiện tại không đủ cao để tạo ra lợi nhuận. Do đó, hiện tại Việt Nam không có áp lực phải chuyển từ giá điện FIT sang đấu giá nhằm giảm chi phí thu mua.