X ây dựng V ận hành thử
vay vốn của Hợp đồng mua bán điện
Nhóm hành động “Mức tín nhiệm của bên mua và khả năng xin vay vốn của Hợp đồng mua bán điện” nhằm giải quyết hai thách thức đã được xác định trong bối cảnh Việt Nam sau:
5.4.1 Xác định các thách thức & Đề xuất hành động xử lý
5.1.1.1 Mức tín nhiệm của bên mua
Hợp đồng mua bán điện (PPA) nói chung là một hợp đồng giữa hai bên, một là đơn vị sản xuất điện (bên bán) và một là đơn vị tìm mua điện (bên mua). Hợp đồng mua bán điện xác định tất cả các thỏa thuận thương mại để tiến hành mua bán điện giữa hai bên, bao gồm các điều khoản về thời điểm dự án bắt đầu hoạt động thương mại, lịch trình giao điện, phạt khi giao thiếu điện, điều khoản thanh toán và chấm dứt. Hợp đồng mua bán điện là thỏa thuận chính giúp xác định doanh thu và khả năng tín dụng của một dự án sản xuất điện và do đó được coi là cơ sở chính cho tài chính dự án.
Trong bất kỳ hợp đồng dài hạn nào, người bán sản phẩm sẽ gặp rủi ro là người mua không thể thanh toán cho hàng hóa. Rủi ro còn gọi là rủi ro đối tác này cũng có thể xảy ra đối với các đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo trong bất kỳ thỏa thuận mua bán điện dài hạn nào. Do đó, điều tối quan trọng là bên mua điện tái tạo có cơ sở tài chính vững chắc.
Công nghệ năng lượng tái tạo có đặc trưng là chi phí cố định cao và cần phải được đầu tư trước từ đầu. Điều này làm cho các dự án điện NLTT như gió và mặt trời rất nhạy cảm với những thay đổi trong chi phí vốn. Tùy thuộc vào quy mô của dự án và mức độ tin cậy của bên mua và tình hình phát triển của ngành năng lượng ở từng quốc gia cụ thể, các công cụ thanh khoản ngắn hạn (ví dụ: thiết lập tài khoản tín chấp), cơ sở thanh khoản và/ hoặc bảo lãnh có chủ quyền ( từ chính phủ hoặc nhà tài trợ quốc tế) sẽ được yêu cầu bổ sung trong nghĩa vụ thanh toán của bên mua. Trong bối cảnh sản xuất điện gió ở Việt Nam, Hợp đồng mua bán điện được ký kết giữa đơn vị phát triển/ vận hành dự án và EVN, với tư cách là người mua. Các đơn vị phát triển dự án quốc tế nhấn mạnh rằng trong bối cảnh mà EVN có xếp hạng tín dụng thấp, sẽ dẫn đến tình trạng là Hợp đồng mua bán điện của EVN không có khả năng xin vay vốn từ các nguồn quốc tế.
Có một số giải pháp giúp nâng cao mức tín nhiệm của EVN và độ tin cậy của Hợp đồng mua bán điện. Các biện pháp ngắn hạn có thể bao gồm một quy trình kiểm toán minh bạch hơn (để các đơn vị phát triển dự án quốc tế và người cho vay có thể đánh giá đầy đủ tình hình tài chính của EVN) hoặc thành lập một tài khoản tín chấp ECROW (nghĩa là EVN thanh toán vào tài khoản này trước 6 hoặc 12 tháng khoản thanh toán cho IPP để giảm rủi ro thanh toán hợp đồng).
Đồng thời, cần có nhiều can thiệp về cơ chế để cải thiện tình hình tài chính của EVN trong dài hạn. Các giải pháp bao gồm việc giảm trợ cấp trong ngành điện và thiết lập các mức thuế phản ánh đúng chi phí sản xuất điện hơn cho tất cả người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp chéo trong hệ thống điện của Việt Nam cũng cần được giảm bớt.
Các đơn vị phát triển dự án quốc tế tại Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, bảo lãnh nhà nước của chính phủ Việt Nam sẽ giúp khắc phục tình trạng hiện tại, đảm bảo rằng đơn vị phát triển dự án sẽ nhận được tất cả các khoản thanh toán như thỏa thuận cho lượng điện sản xuất trong toàn bộ thời gian được xác định theo hợp đồng. Ngoài ra, bảo lãnh cũng có thể được cung cấp từ các nhà tài trợ quốc tế (ví dụ: World Bank). Các đơn vị phát triển dự án quốc tế giải thích rằng trong một số cơ chế nhất định, việc xin vay vốn cho các dự án điện gió từ các tổ chức tài chính quốc tế là rất khó. Họ chỉ ra rằng hiện trạng điện gió Việt Nam hiện nay có mức công suất lắp đặt thấp là hệ quả của vấn đề này trong khi điều kiện tự nhiên lại rất thuận lợi.
Các đơn vị phát triển dự án quốc gia không hoàn toàn chia sẻ quan điểm này. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng họ chủ yếu tìm kiếm nguồn tài chính từ các tổ chức tài chính trong nước, những đơn vị mà không mấy quan ngại về tính tin cậy của Hợp đồng mua bán điện cũng như mức tín nhiệm của EVN.
Hành động đề xuất:
Mức tín nhiệm của người mua là điều kiện tiên quyết cho tính hấp dẫn của một thị trường năng lượng tái tạo, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư nước ngoài. Nếu tính tới các mục tiêu phát triển NLTT của chính phủ Việt Nam và khả năng đầu tư hạn chế của các ngân hàng trong nước (xem phụ lục mục 8.2.4), thì Việt Nam sẽ rất cần các khoản đầu tư từ nước ngoài. Mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thấp của EVN có thể được giải quyết thông qua nhiều giải pháp khác nhau (bao gồm các biện pháp ngắn hạn, thay đổi cơ cấu và bảo lãnh).
Cần phải thực hiện phân tích kỹ lưỡng với sự phối hợp giữa các ngân hàng quốc tế lớn để xác định các yếu tố đặc biệt ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng thấp của EVN, từ đó chỉ ra và giải quyết những hạn chế này.
5.4.1.2 Khả năng xin vay vốn của hợp đồng mua bán điện
Bên cạnh mức tín nhiệm của bên mua, khả năng xin vay vốn của các dự án điện gió ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi 6 điểm chính sau đây. Xử lý các yếu tố này có thể góp phần làm giảm rủi ro cho đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió (theo GIZ, Hướng dẫn Đầu tư Điện gió ở Việt Nam; các khuyến nghị về cải thiện chính sách và quy định, tháng 6/2016):