5. Kết cấu khóa luận
2.3.1. Những kết quả đạt được từ hoạt động đánh giá
Có được cái nhìn tổng quát về kết quả hoạt động kinh doanh của VIB, nhìn nhận được những mặt tích cực và những hạn chế còn tồn tại:
❖ Thành tựu:
- Độ an toàn vốn:
Với giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ quy mô tài sản Có, Ngân hàng luôn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo mức quy định (>9%). Tỷ lệ này luôn ở mức khá cao so với trung bình ngành, đồng thời toàn ngân hàng không ngừng nỗ lực để đạt tiêu chuẩn theo Basel II.
Hệ số đòn bẩy tài chính hợp lý và các tỷ lệ này khá cao so với các ngân hàng có cùng quy mô.
Hệ số tăng trưởng bền vững (SCR) tăng mạnh trong giai đoạn 2015 - 2018 cho thấy khả năng tăng trưởng của vốn chủ sở hữu thông qua tích lũy lợi nhuận ngày một cải thiện.
- Kết cấu tài sản có:
Tăng trưởng tín dụng có những bước tiến đột phá. Tổng dư nợ tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục tài sản và ngân hàng có xu hướng chuyển sang cho vay nhiều hơn trên thị trường 2 là dấu hiệu tốt để phòng tránh rủi ro khi các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cơ cấu danh mục đầu tư được đa dang hóa và phân tán rủi ro hợp lý khi đa phần là đầu tư vào các loại giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao.
- Năng lực quản lý:
Bộ máy lãnh đạo của VIB đều là những người có chuyên môn, trình độ cao, có những chiến lược kinh doanh đúng đắn để tạo nên những thành tựu đáng kể. Ngoài ra, VIB còn có chính sách lương, thưởng, đãi ngộ hợp lý, các chương trình làm tăng độ kết nối của cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, công tác quản trị rủi ro cũng luôn được đề cao và ưu tiên để tăng sức “đề kháng” cho ngân hàng trong trường hợp thị trường bất lợi.
- Khả năng sinh lời:
Tổng thu nhập tăng trưởng đều đặn, khả năng quản lý tốt chi phí. Vượt qua những giai đoạn biến động trong nền kinh tế, tổng thu nhập của ngân hàng vẫn không ngừng tăng qua các năm. Dù vậy, nhờ việc triển khai nhiều biện pháp quản lý chi phí, tốc độ tăng chi phí luôn thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập.
Lợi nhuận của VIB liên tục tăng trong những năm gần đây, thu nhập lãi thuần luôn lớn hơn mức trung bình ngành, các chỉ tiêu sinh lời như ROA, ROE, ... cũng tăng cao và lớn hơn mức trung bình ngành
❖ Hạn chế:
- Mức độ an toàn vốn
Mặc dù mức độ an toàn vốn của VIB được đánh giá cao, tuy nhiên vẫn cần phải chú ý đến hệ số đòn bẩy tài chính, bởi VIB sử dụng hệ số này để tạo lợi nhuận. Nếu không kiểm soát tốt thì có thể gây ra rủi ro thanh khoản do nhu cầu rút tiền của khách hàng trong tương lai.
Tỷ lệ nợ tiềm ẩn cũng có xu hướng tăng nhẹ, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ gây ra các rủi ro từ hoạt động ngoại bảng.
- Chất lượng tài sản có
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng huy động luôn vượt quá 100%, vượt ngưỡng cho phép của NHNN là 80%. VIB vì mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận nên cũng tự đặt mình vào thế rủi ro.
Tỷ lệ nợ xấu mặc dù chưa vượt quá 3% theo quy định nhưng cũng có chiều hướng tăng đến 2,9%. Việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng dẫn đến nợ xấu của VIB tăng khá cao so với trung bình ngành mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục.
VIB không duy trì khoản mục chứng khoán kinh doanh để bổ sung nguồn thanh khoản cho ngân hàng. Điều này tạo áp lực không hề nhỏ về mặt thanh khoản của ngân hàng.
- Khả năng thanh khoản
Tỷ lệ dự trữ thanh khoản, chỉ số trạng thái tiền mặt, chỉ số chứng khoán thanh khoản cũng giảm nhẹ và không tương xứng với đà phát triển của VIB. Với quy mô huy động lớn, việc duy trì một tỷ lệ thấp như vậy có thể gây nguy hiểm cho thanh khoản của ngân hàng dù có tối đa được hiệu quả sử dụng tài sản.
- Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường
Hoạt động kinh doanh ngoại hối chưa thật sự tốt, điển hình là năm 2017 lỗ đến 62,8 tỷ đồng. Tuy đã có dấu hiệu khả quan hơn vào năm 2018 nhưng trước những biến động của thị trường ngoại hối, VIB cần có những chiến lược đầu tư đúng đắn và có những biện pháp để đối phó kịp thời.
Việc áp dụng mô hình CAMELS trong đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh được đánh giá là phù hợp với tốc độ phát triển của VIB hiện nay. Khi NHNN ban hành thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định về đánh giá xếp loại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã đưa việc xếp loại các tổ chức tín dụng Việt Nam tương đối gần với cách phân loại đánh giá theo tiêu chí CAMES với các tiêu chí: vốn tự có, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh toán. Việc áp dụng mô hình CAMELS sẽ có sự đổi mới và phát triển cao hơn so với phương pháp mà NHNN đang thực hiện, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính kế thừa những nội dung, tổ chức, thói quen giám sát của NHNN Việt Nam.