CHỦ THỂ THAM GIA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính tiền tệ: Phần 1 (Trang 55 - 58)

Các chủ thể tham gia vào thị trường tài chính có thể chia thành 4 nhóm chủ yếu sau:

2.4.1 Các nhà phát hành

Các nhà phát hành là những người đi vay trên thị trường tài chính. Các nhà phát hành thông qua phát hành chứng khoán để huy động vốn tài trợ cho các hoạt động của mình.

Những phân tích về các công cụ lưu thông vốn trên thị trường tài chính ở trên cho thấy không phải mọi chủ thể trong nền kinh tế đều có thể trở thành nhà phát hành để huy động vốn trên thị trường tài chính. Chỉ những chủ thể kinh tế có tiềm lực tài chính lớn, uy tín cao thì mới có thể tham gia vào thị trường tài chính. Những chủ thể đó bao gồm Chính phủ, các doanh nghiệp lớn. Chính phủ nhờ nắm được quyền thu thuế nên thường được coi là nguy cơ mất khả năng trả nợ rất thấp. Chính vì vậy chính phủ gặp rất nhiều thuận lợi trong việc huy động vốn. Chi phí huy động vốn của chính phủ luôn thấp nhất trên thị trường. Tiếp theo chính phủ là những doanh nghiệp lớn. Đây là những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trên thị trường, tình hình tài chính tốt. Thông tin về những doanh nghiệp này có thể dễ dàng tiếp cận nên những người cho vay có cơ hội tìm hiểu rõ và yên tâm khi quyết định cho vay. Doanh nghiệp càng có tiềm lực tài chính lớn, uy tín cao thì càng có cơ hội có thể huy động vốn với chi phí rẻ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình không thể thông qua hoạt động phát hành để vay trên thị trường tài chính vì uy tín và tiềm lực tài chính quá nhỏ, không đủ làm cho những người cho vay tin tưởng. Hơn nữa, quy mô mỗi đợt phát hành trên thị trường tài chính thường rất lớn, vì nếu quy mô nhỏ thì sẽ kém hiệu quả, đây cũng chính là rào cản đối với các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu huy động vốn trung bình.

2.4.2 Các nhà đầu tư

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính là những người đi vay. Bằng cách đầu tư (mua) vào các chứng khoán, các nhà đầu tư đã nhường cho nhà phát hành quyền sử dụng khoản vốn của mình theo những điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng phát hành chứng khoán.

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính rất đa dạng, từ chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính đến các cá nhân. Các chủ thể đầu tư được chia làm hai nhóm là các nhà đầu tư có tổ chức và các nhà đầu tư riêng lẻ. Các nhà đầu tư có tổ chức hoạt động đầu tư rất chuyên nghiệp, với quy mô lớn, và có ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu của thị trường. Các nhà đầu tư riêng lẻ thường có vốn nhỏ, tính chuyên nghiệp không cao, nhiều khi lại là nhân tố làm nhiễu các tín hiệu thị trường do các hành động đầu tư không cân nhắc, theo phong trào.

Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 56 2.4.3 Các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ

Đây là các công ty cung cấp các dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường tài chính.

Trước tiên phải kể đến các Sở giao dịch. Các sở giao dịch thường được tổ chức theo mô hình công ty. Các Sở giao dịch cung cấp các dịch vụ mua bán, thanh toán cho các nhà phát hành và nhà đầu tư. Cung cấp các dịch vụ tương tự là các công ty cung cấp các dịch vụ mua bán chứng khoán trực tuyến. Nổi tiếng và thành công nhất hiện nay là hệ thống NASDAQ (National Association of Securities Dealers Automated Quotations) do công ty Nasdaq Stock Market, Inc thành lập năm 1971.

Nhóm các công ty cung cấp các dịch vụ tiếp theo là các công ty cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán, lưu giữ, quản lý các chứng khoán hộ cho các nhà đầu tư. Thường các ngân hàng thương mại sẽ cung cấp các dịch vụ này.

Cuối cùng là các công ty cung cấp thông tin như các công ty định mức tín nhiệm (cung cấp các dịch vụ đánh giá về khả năng trả nợ của các nhà phát hành trên thị trường tài chính), công ty cung cấp thông tin tài chính (thông tin về giá các chứng khoán, các chỉ số tài chính….). Các công ty cung cấp dịch vụ thông tin tên tuổi trên thế giới là Moody’s, Standard & Poor’s (cung cấp dịch vụ định mức tín nhiệm cho ngành chứng khoán), Bet’s (cho ngành bảo hiểm), Bloomberg, Reuters cung cấp các thông tin tài chính v.v…

2.4.4 Các nhà quản lý

Đây là các cơ quan nhà nước hoặc được nhà nước ủy thác để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường tài chính nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động được an toàn và phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội của nhà nước.

Cơ quan quản lý đầu tiên phải đề cập đến là Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng trung ương với quyền phát hành tiền có khả năng tác động tới các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng đối với thị trường tài chính như lạm phát, lãi suất, vốn khả dụng của các ngân hàng, qua đó ảnh hưởng lớn tới tình hình hoạt động trên thị trường tài chính.

Tiếp theo là Bộ Tài chính, cơ quan có nhiệm vụ hoạch định và thực thi chính sách tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của nhà nước. Hoạt động của Bộ Tài chính có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính.

Ủy ban chứng khoán quốc gia, Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là các tổ chức được nhà nước thành lập để giám sát hoạt động hoặc ngăn ngừa khủng hoảng cho thị trường tài chính.

Trên tầm quốc tế, các tổ chức như Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cũng là những tổ chức có khả năng ảnh hưởng lớn tới các hoạt động tài chính quốc tế, thậm chí cả hoạt động tài chính của các quốc gia thành viên.

TÓM TẮT CHƯƠNG 2

1. Thị trường tài chính, được định nghĩa là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng các khoản vốn ngắn hạn và dài hạn, có vai trò hết sức quan

Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 57

trọng tới nền kinh tế. Bốn vai trò quan trọng nhất của thị trường tài chính là: thúc đẩy việc tích lũy và tập trung tiền vốn trong nền kinh tế, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng vốn, cung cấp thông tin hỗ trợ cho hoạt động giám đốc tài chính, và tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động điều tiết vĩ mô của nhà nước.

2. Cách thức hoạt động của thị trường tài chính thể hiện thông qua cấu trúc hoạt động của nó. Thị trường tài chính được tổ chức thành thị trường tiền tệ chuyên lưu chuyển các khoản vốn ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và thị trường vốn chuyên lưu chuyển các khoản vốn trung và dài hạn đáp ứng nhu cầu đầu tư của các chủ thể kinh tế. Hoạt động phát hành chứng khoán diễn ra trên các thị trường sơ cấp trong khi thị trường sơ cấp đem lại tính thanh khoản cho các chứng khoán đó thông qua các hoạt động mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Hai mô hình tổ chức thị trường tài chính phổ biến nhất là thị trường tập trung dưới dạng các Sở giao dịch và thị trường phi tập trung dưới dạng thị trường OTC.

3. Vốn lưu chuyển trên thị trường tài chính thông qua các công cụ tài chính. Các công cụ này được chia thành hai nhóm tương ứng với hai thị trường là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Các công cụ trên thị trường tiền tệ có đặc điểm chung là thời hạn ngắn, tính thanh khoản cao trong khi các công cụ lưu thông trên thị trường vốn thường có thời hạn dài nhưng đem lại khả năng sinh lời cao hơn cho các nhà đầu tư. Các công cụ tài chính phổ biến trên thị trường tiền tệ là tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng, thương phiếu và chấp phiếu ngân hàng. Các công cụ tài chính thường được sử dụng trên thị trường vốn là cổ phiếu và trái phiếu.

4. Có bốn nhóm chủ thể chính tham gia vào thị trường tài chính. Đó là các nhà phát hành hay người đi vay, nhà đầu tư hay người cho vay, các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ và các nhà quản lý thị trường.

CÂU HỎI CHƯƠNG 2

1. So sánh ảnh hưởng của thị trường sơ cấp và thứ cấp tới khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

2. Chỉ ra những điểm khác biệt giữa thị trường giao dịch tập trung và phi tập trung.

3. Để có thể huy động vốn trên các thị trường tài chính, các chủ thể kinh tế phải đáp ứng những điều kiện gì?

4. Doanh nghiệp muốn niêm yết trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì? Hỏi tương tự với trường hợp niêm yết trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà nội.

5. Những yếu tố gì làm cho cổ phiếu có độ rủi ro cao hơn so với trái phiếu? 6. So sánh giữa cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.

Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 58

CHƯƠNG 3. CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH TRUNG GIAN

Những số liệu thống kê về các nguồn tài trợ từ bên ngoài công ty tại các nước phát triển cho thấy việc phát hành chứng khoán trên thực tế không phải là cách thức chủ yếu để huy động vốn từ bên ngoài nhằm tài trợ cho hoạt động kinh doanh của các công ty, bất chấp việc các phương tiện truyền thông tại các nước này tập trung đưa tin về tình hình các thị trường tài chính, tạo ra một ấn tượng về tầm quan trọng của các nguồn vốn huy động từ các thị trường này. Ngay tại Mỹ, một trong những quốc gia có thị trường tài chính phát triển nhất trên thế giới, cổ phiếu và trái phiếu cũng chỉ cung cấp được không quá 50% tổng số vốn hoạt động của các công ty. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các nước Anh, Pháp, Đức, Nhật. Điều này chứng tỏ kênh tài chính còn lại, kênh tài chính gián tiếp có vai trò quan trọng như thế nào trong hoạt động lưu chuyển vốn của nền kinh tế. Để hiểu được tại sao kênh tài chính gián tiếp lại có vai trò quan trọng như vậy, chương 3 sẽ tìm hiểu về hoạt động của các trung gian tài chính bởi kênh tài chính gián tiếp được thực hiện thông qua hoạt động của các tổ chức này. Chương 3 cũng nhấn mạnh nghiên cứu hoạt động của các ngân hàng thương mại- trung gian tài chính quan trọng nhất.

Sau khi học xong chương này, yêu cầu sinh viên:

Phân tích được những rào cản trong kênh tài chính trực tiếp và vai trò của các tổ chức tài chính trung gian trong việc khắc phục chúng

Nêu được khái niệm về các tổ chức trung gian, hoạt động cơ bản của nó

Liệt kê và phân biệt được các tổ chức nhận tiền gửi, các công ty tài chính, các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng và các trung gian đầu tư

Nắm được khái niệm, chức năng và các nghiệp vụ chính của ngân hàng thương mại.

3.1 KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH TRUNG GIAN 3.1.1 Khái niệm

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính tiền tệ: Phần 1 (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)