Vai trò của lãi suất

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính tiền tệ: Phần 1 (Trang 98 - 99)

Lãi suất là công cụ kích thích lợi ích vật chất để thu hút các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội tập trung vào quỹ tín dụng. Lãi suất là công cụ để đo lường "sức khỏe" của nền kinh tế. Ở các nước kinh tế phát triển, giá trái khoán và lãi suất được yết giá hàng ngày trên các tờ báo của cơ quan chính phủ. Người ta có thể căn cứ vào sự biến động của lãi suất để dự báo các yếu tố khác của nền kinh tế như: tính sinh lời của các cơ hội đầu tư, mức lạm phát dự tính, mức thiếu hụt ngân sách. Các yếu tố này hợp thành chỉ tiêu trừu tượng "sức khỏe" của nền kinh tế. Người ta có thể dựa vào lãi suất trong một thời kỳ để dự báo tình hình kinh tế trong tương lai. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp lập kế hoạch chi tiêu trong tương lai của họ, trong khi đó ngân hàng và các nhà đầu tư cần dự báo lãi suất để quyết định xem chọn mua tài sản nào. Vai trò của lãi suất thể hiện trên cả tầm vĩ mô và vi mô.

a. Xét trên tầm vĩ mô, lãi suất tín dụng là công cụ thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Ý nghĩa này của lãi suất tín dụng được thể hiện trên nhiều mặt.

Thứ nhất, nhà nước có thể thông qua lãi suất tín dụng để thực hiện điều chỉnh lượng cung ứng tiền, từ đó tác động đến sự tăng giảm sản lượng để thực hiện điều tiết nền kinh tế (ổn định lạm phát, công ăn việc làm và phát triển sản xuất).

Thứ hai, lãi suất tín dụng tác động tới tổng cung và tổng cầu thông qua tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đến tiêu dùng và tiết kiệm của dân cư. Khi lãi suất tín dụng tăng cao, người dân sẽ hạn chế tiêu dùng, gửi tiết kiệm nhiều hơn và doanh nghiệp sẽ thận trọng trong các hoạt động đầu tư vì vậy tổng cầu và tổng cung đều có xu hướng giảm. Ngược lại, lãi suất tín dụng hạ thấp khuyến khích tiêu dùng, các khoản gửi tiết kiệm sẽ hạn chế hơn trong khi đó doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tổng cung và tổng cầu đều có xu hướng tăng cao.

Thứ ba, lãi suất tín dụng được sử dụng làm công cụ điều hòa cung cầu ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Nâng cao lãi suất tín dụng sẽ hút ngoại tệ vào trong nước làm tăng cung ngoại tệ. Hạ thấp lãi suất tín dụng sẽ đẩy ngoại tệ ra ngoài nước, làm giảm cung và tăng cầu ngoại tệ.

Thứ tư, trong chừng mực nhất định, người ta có thể sử dụng lãi suất để thực hiện điều chỉnh cơ cấu ngành, cơ cấu khu vực nhằm đảm bảo sự thích ứng của nền kinh tế với nhu cầu

Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 99

của thị trường trong nước và quốc tế. Nhà nước có thể thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi cho những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề, khu vực kinh tế được khuyến khích nhờ vậy có thể kích thích sự phát triển của những ngành nghề và những khu vực này nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

b. Xét trên góc độ vi mô, sự ảnh hưởng của thay đổi lãi suất tín dụng thể hiện ở hai góc độ:

Một là, lãi suất tín dụng là công cụ thực hiện các hoạt động của các trung gian tài chính trong điều kiện cạnh tranh lành mạnh để đảm bảo tính tự chủ tài chính của các tổ chức này, tạo ra nguồn lực tài chính để các tổ chức này tồn tại và phát triển.

Hai là, lãi suất tín dụng tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và đời sống của dân cư.

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính tiền tệ: Phần 1 (Trang 98 - 99)