Khái niệm về tài chính

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính tiền tệ: Phần 1 (Trang 26 - 27)

Những phân tích về sự ra đời và phát triển của tài chính trong phần trước đã cho thấy: hoạt động tài chính bao gồm các hoạt động phân phối lần đầu và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị. Tổng sản phẩm xã hội được hiểu là toàn bộ các sản phẩm do một nền kinh tế sản xuất ra và được thị trường chấp nhận (tức là có thể tiêu thụ trên thị trường). Hoạt động phân phối giá trị các sản phẩm xã hội được thực hiện dưới hình thái tiền tệ, nói một cách rõ ràng hơn, hoạt động phân phối trong tài chính là phân phối bằng tiền chứ không phải phân phối bằng hiện vật. Hoạt động tài chính không chỉ liên quan đến việc hình thành các quỹ tiền tệ mà cả việc sử dụng các quỹ tiền tệ đó một khi việc sử dụng đó lại dẫn đến việc hình thành một quỹ tiền tệ khác. Ví dụ: Hoạt động trả lương cho người lao động là một hoạt

Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 27

động tài chính vì nó liên quan đến việc phân phối một phần giá trị các sản phẩm mà người lao động đã tạo ra. Hoạt động trả lương làm hình thành nên quỹ tiền tệ cho người lao động. Nếu người lao động sử dụng toàn bộ quỹ tiền tệ này để tiêu dùng bằng cách mua các hàng hoá hay dịch vụ mình cần thì hoạt động sử dụng quỹ tiền tệ đó không được coi là hoạt động tài chính. Nhưng nếu người lao động trích một phần quỹ tiền tệ đó để tích lũy hoặc để trả nợ thì hành động này làm hình thành nên một quỹ tiền tệ mới (quỹ tiền tệ để tích lũy hay quỹ tiền tệ để trả nợ) và do vậy là một hoạt động tài chính. Ở đây, người lao động đã thực hiện việc “phân phối lại” quỹ tiền tệ của mình và qua đó đã tạo ra một quỹ tiền tệ mới. Qua những phân tích như vậy, có thể thấy: sự vận động của các luồng giá trị dưới hình thái tiền tệ giữa các quỹ tiền tệ

do kết quả của việc tạo lập và sử dụng các quỹ này nhằm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hoặc tích lũy của các chủ thể kinh tế là biểu hiện bề ngoài của phạm trù tài chính.

Các quỹ tiền tệ nói trên còn được gọi là các nguồn tài chính vì chúng là cơ sở hình thành và là đối tượng của các hoạt động tài chính. Trong thực tế, nguồn tài chính có thể được gọi với các tên như vốn tiền tệ, vốn bằng tiền, tiền vốn hay trong từng trường cụ thể thì bằng các tên gọi riêng như vốn trong dân, vốn tín dụng, vốn ngân sách… Nguồn tài chính không chỉ hình thành từ các quỹ tiền tệ mà còn từ những tài sản hiện vật có khả năng chuyển hóa thành tiền tệ. Những tài sản này khi cần có thể chuyển hóa thành tiền tệ để trở thành các nguồn tài chính. Ví dụ: nguồn tài chính của một hộ gia đình không chỉ hình thành từ những quỹ tiền tệ mà hộ gia đình này nắm giữ mà còn có thể hình thành từ các động sản và bất động sản của họ, những tài sản mà khi cần họ có thể đem bán để làm tăng quỹ tiền tệ của mình. Xét trên phạm vi quốc gia, nguồn tài chính hình thành không chỉ từ các quỹ tiền tệ trong nước mà còn từ các quỹ tiền tệ huy động từ nước ngoài vào. Đặc biệt, nguồn tài chính cũng không chỉ được hiểu là bao gồm các giá trị hiện tại mà cả những giá trị có khả năng nhận được trong tương lai. Đây là sự mở rộng rất quan trọng trong quan niệm về nguồn tài chính vì nó mở rộng giới hạn về nguồn tài chính mà mỗi chủ thể kinh tế nắm giữ. Một chủ thể kinh tế khi đưa ra các quyết định sử dụng các quỹ tiền tệ hiện tại không chỉ dựa trên nguồn tài chính mà họ hiện nắm giữ mà cả những nguồn tài chính mà họ kỳ vọng sẽ có trong tương lai.

Trên cơ sở những phân tích trên, có thể rút ra định nghĩa về tài chính như sau:

Tài chính là quá trình phân phối các nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu của các chủ

thể kinh tế. Hoạt động tài chính luôn gắn liền với sự vận động độc lập tương đối của các luồng giá trị dưới hình thái tiền tệ thông qua việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính tiền tệ: Phần 1 (Trang 26 - 27)