6. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Cảm hứng sử thi
Chiến tranh vừa mới đi qua, âm hưởng của “ngày hội chiến thắng” vẫn còn vang vọng trong trái tim mỗi người, đặc biệt là nhà thơ. Trong không khí ấy, mỗi người đều chỉ muốn hát ca về chiến thắng, về chiến công, kỳ tích mà lịch sử dân tộc đã làm nên. “Nhìn lại lịch sử từ một khoảng cách ngắn của thời gian, khi những cảm nhận của cá nhân và không khí chung của một xã
hội, một dân tộc còn chưa nguôi chưa lặng, đó là thời điểm xuất hiện của những anh hùng ca, những trường ca” [58, tr82]. Thơ ca sau 1975 chủ yếu lấy trữ tình làm yếu tố chính để mở ra không gian cho những lời tự bạch, cho những bức chân dung tự họa tinh thần của một thế hệ cầm súng.
Cả một thế hệ cầm súng nhận thức được vai trò lịch sử trước vận mệnh đất nước, xác định được con đường đi cho mình:
Ta không nô lệ cho đời Ta sinh ra để làm người tự do
Cùm gông trả lại quân thù
Mênh mông tiếng hát trả cho con người Con đường chỉ một đường thôi Trăm lời cũng chỉ một lời thủy chung
(Tiếng hát những xà lim-Sóng Côn Đảo) Qua những lời tuyên thệ đó, chúng ta thấy được quan niệm nhận thức của người lính trước mọi vấn đề của cuộc sống đang đặt ra. Mỗi người chiến sỹ cách mạng đều mang theo mình một lời thề cao cả vì lý tưởng, vì non sông tổ quốc, vì núi sông hùng vĩ, tự do của nhân loại. Họ nhận thức được, chỉ có độc lập tự do mới đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân, mới đem lại “tiếng hát cho con người”. Ánh sáng của lý tưởng cách mạng đã soi chiếu, dẫn dắt họ đi theo con đường của Đảng để dành độc lập, tự do cho dân tộc. Với vùng đất Côn Đảo, bằng trường ca Sóng Côn Đảo, Anh Ngọc muốn cho nhân loại biết, không thể khuất phục nổi ý chí của một dân tộc:
Chỉ một lời: “Thà chết không ly khai” Một tư thế: Trước kẻ thù đứng thẳng Anh là đất để gieo mầm của Đảng Anh là cây cho đồng đội nương cành
Những người lính hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập tự do. Họ đã đưa ra lời tuyên ngôn cho thế hệ mình: thà chết không ly khai, trước kẻ thù đứng thẳng.Tư thế người lính hiện lên thật kiêu hãnh. Họ bước vào trận hồn nhiên hơn, đơn giản hơn, dường như không chút day dứt về số phận cá nhân. Họ khẳng định mình như một thành viên của cuộc trường chinh giải phóng, là một chiếc lá của rừng cây, một giọt nước của dòng sông, một ngọn sóng của biển cả, một ngọn cỏ trong rừng già, một chiếc áo trong điệp trùng áo lính, một hạt cát của đất đai để gieo mầm của Đảng, cho đồng đội nương cành. Nhưng thành viên ấy không hòa tan vào cộng đồng mênh mông nhờ ý thức về chính mình, về số phận thế hệ mình.
Cảm hứng anh hùng và lãng mạn khiến con đường ra trận luôn là con đường đẹp nhất. Những người lính khẳng định trách nhiệm, vị trí của thế hệ mình trước lịch sử và coi đó là thời sống đẹp nhất, say mê nhất, quên mình nhất, lý tưởng nhất:
Giờ họ nằm sát cạnh bên nhau thảnh thơi và yên lặng
…
vừa xô đẩy, dóng hàng
khúc khích cười, ghé tai nhau chọc ghẹo ném mũ, ba lô ngổn ngang thành gò đống họ nằm lăn trên đất ngủ quên về
(Ngọn tháp xanh - Sông Mê Kông Bốn Mặt)
Trong bom đạn họ vẫn hồn nhiên yêu đời, trong gian khổ họ vẫn hạnh phúc. Bởi vì họ ra trận nhân danh tình yêu quê hương và người bảo vệ thành quả nhân dân, nên ở đâu họ cũng tìm được hơi ấm. Họ không có nỗi cô đơn tách ra khỏi cộng đồng mà là những tập thể đông đảo:
Đòn tù em chịu đã quen
Vào đây có chị có anh
Dạy em sống, dạy đấu tranh, làm người Trong đau thương lại nghe cười
Trong đêm đen lại sáng ngời tin yêu
(Vá áo - Sóng Côn Đảo)
Ngọn lửa hơi ấm cộng đồng luôn bao bọc họ. Nên dù sống ở trong tù, trong “đêm đen” nhưng lúc nào tâm hồn họ cũng “sáng ngời tin yêu”. Sự sống dù có trải trên nền đạn bom hủy diệt vẫn đượm màu hồng, màu xanh tươi mát, sinh sôi nảy nở, biểu hiện sự bất diệt của tinh thần.
Thơ và đặc biệt là Trường ca Anh Ngọc phác họa được bức chân dung tinh thần của thế hệ cầm súng. Họ xem cái chết không phải là sự mất đi, tan biến đi mà là sự thăng hoa, bay lên, tan vào đất nước, quê hương, hồi sinh trong lòng thiên nhiên, tổ quốc, được đặt trong vĩnh hằng của đất nước nên vừa có cái nhẹ nhàng thanh thản, vừa có dấu ấn của sự bất tử:
Em đã gieo mình xuống dòng nước xiết Lòng thanh thản nhận về mình cái chết Như tình yêu trong giây phút hiến dâng Thân thể em thành một khối trong ngần Linh hồn em đã nhập vào ngọn lửa Cháy một lần không bao giờ tắt nữa Em trở về trong lửa ấy
Hoa ơi!
(Sợi chỉ - Sông núi trên vai)
Họ đi ra bãi bắn mà giọng điệu nghe vẫn lạc quan, yêu đời: Chào anh em ở lại, tôi đi hàng dương
(Cát trắng dương xanh – Sóng Côn Đảo)
Có được điều này bởi vì họ đi vào cuộc chiến bằng một vóc dáng vững vàng, sôi nổi, bằng nội lực tiềm ẩn, bằng lòng yêu nước, lòng dũng cảm của một chiến sĩ cách mạng.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Bao nhiêu thế lực ngoại xâm đã đến Việt Nam thì có bấy nhiêu thế hệ đã đứng lên nhận lấy trách nhiệm cao cả đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Những người lính ở đây không chỉ là các chàng trai mà còn là các cô gái với:
Đôi bờ vai nho nhỏ Đong đầy ngàn cân
(Tạo hình – Sông núi trên vai)
Họ là những cô gái “Chưa một lần yêu cho lồng ngực rung lên/ Thắt đáy lưng ong em chưa một lần làm mẹ/ Trăm trận sốt mặt người vàng mặt lá” nhưng vẫn có thể gùi những gùi hàng như trái núi trên vai:
Con gái cao một mét năm nhăm Quả đạn DK vượt quá đầu nửa mét Gùi trên lưng sự sống và cái chết Như Nữ Oa xưa đội đá vá trời Những người đi cùng thế hệ với tôi Gùi lịch sử trên đôi vai bé nhỏ Tầm vóc họ lớn hơn chính họ
(Tạo hình – Sông núi trên vai)
Ở đây, Anh Ngọc đã đối lập vóc dáng của người con gái với khả năng chịu đựng của họ. Điều này càng khẳng định cho chúng ta thấy rằng: nhờ có sức mạnh của ý chí thì không có gì chúng ta không làm được, không có khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua. Kẻ thù dù có được trang bị đến từng chân tơ kẽ tóc, chúng ta dù “chân không áo vải” nhưng với lòng quyết tâm của mình, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, nhất định chúng ta sẽ đánh đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi nước nhà.
Sự anh dũng, ý chí quyết tâm của anh, của em, của đoàn quân trùng điệp được trả giá bằng bản tin chiến thắng:
Qua Lô, Thao xác thù vùi dưới sóng Đồn giặc cháy đỏ trời Cao – Bắc – Lạng Những chiến khu Việt Bắc, Bưng Biền Những ngọn cờ băng qua ngàn lửa khói Kịp sáng bừng trên thung lũng Điện Biên
(Vô danh – Điệp khúc vô danh)
Trong trường ca Anh Ngọc, hình ảnh vị Chủ tịch kính yêu với “dịu dàng khuôn mặt, vầng trán nhân từ, chòm râu phơ phất, nụ cười ánh mắt cảm thông” được khắc sâu trong trái tim của người dân nói chung và thế hệ cầm súng nói riêng như là một chỗ dựa tinh thần vững chãi:
Người gần gũi đến trở thành thân thuộc Giữa nhân dân không mượn đến nhiều lời Tiếng Người nói từ đáy lòng chân thực Lại hồi âm trong triệu triệu trái tim người
là động lực, là sức mạnh, là niềm tin để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đi đến đích cuối cùng đó là: độc lập tự do.
Tóm lại, trong trường ca Anh Ngọc, con người luôn đặt trong những thử thách khốc liệt của hoàn cảnh và ở họ đã bộc lộ sự hy sinh cao cả. Hướng về tổ quốc, nhân dân và lẽ sống của cả một thế hệ, trường ca luôn hướng tới cái cao cả, anh hùng. Đó là phẩm chất cơ bản của cái tôi sử thi trong trường ca Anh Ngọc.