6. Kết cấu của luận văn
3.1.3. Ngôn ngữ trong thơ AnhNgọc như những mệnh đề triết lý
Nói về thơ Anh Ngọc, tác giả Tuyết Nga đã đưa ra một nhận định xác đáng: Thơ Anh Ngọc “không phải loại thơ thường được đọc to trên các diễn đàn mà thường là những lời độc thoại nội tâm sâu lắng”, đó là những lời độc thoại đến từ một “trái tim không bao giờ yên tĩnh của nhà thơ” [35] .Đọc thơ Anh Ngọc, chúng ta gặp những câu thơ có tính chất như những mệnh đề triết luận được phát biểu một cách độc đáo, súc tích. Những mệnh đề đó thường được hình thành, đúc kết từ chính những trải nghiệm của bản thân tác giả. Chính cảm xúc thơ được diễn đạt bằng tư duy triết học ấy đã khiến cho những câu thơ có khả năng đi sâu vào những vấn đề phổ quát, muôn thuở của đời sống nhân sinh. Tác giả Khánh Lê nhận xét: “anh cấu tứ khai triển tình huống thơ từ những sự kiện hằng ngày” [33], đọc thơ Anh Ngọc chúng ta có thể thấy, trước những vấn đề, sự việc của cuộc sống, ông thường có xu hướng đẩy lên thành những nhận định mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc. Những khái quát tư tưởng ấy được thể hiện qua giọng thơ trầm lắng, nhiều suy nghĩ. Thơ Anh Ngọc là tiếng nói vô cùng sâu lắng từ nội tâm cất lên. Đây là cảm nhận của một con người thấu hiểu được định mệnh của kiếp người là nhỏ bé trước “thời gian vô thủy vô chung” và “không gian vô tận vô cùng”, nhà thơ ý thức được qui luật nghiệt ngã của đời sống: Không có gì trong đời này là vĩnh cửu, tất cả rồi sẽ bị dòng thời gian cuốn trôi vào cõi hư vô:
Đào phai, mai nhạt, tàn sen cúc Chẳng còn xuân hạ, hết thu đông Tháng ngày như lá rơi về đất Mưa nắng vần xoay trọn một vòng
(Tạ lỗi cùng mưa bụi)
Nỗi niềm suy tư của Anh Ngọc còn được thể hiện ở cái nhìn về người lính. Cũng giống như các nhà thơ cùng thời, Anh Ngọc nhìn người lính như là những người anh hùng cách mạng, họ là những chàng trai đôi mươi vô tư hào sảng: “xẻ dọc trường sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ coi sự hy sinh trong chiến đấu là sự hy sinh trong sáng, là “Cái chết hóa thành bất tử”- ( Tố Hữu ) trong lòng nhân dân, trong lòng đất nước: “Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun như lửa đạn cầu vồng”( Dáng đứng
Việt Nam – Lê Anh Xuân) bởi vậy mà mỗi giờ phút chiến đấu đối với họ là những: “Giờ chiến đấu là giờ đẹp nhất/ Đạn vạch đường bay như vạn ánh cầu vồng” (Cao điểm).
Trong văn học hậu chiến, người lính được miêu tả, lý giải chủ yếu từ phương diện đời thường, đời tư, suồng sã, thân mật,… tức từ cái nhìn tiểu thuyết. Với cái nhìn mới, người lính hiện ra sinh động hơn, chân thật hơn, có chiều sâu tâm lý hơn. Người lính trong văn học hậu chiến là “người lính khác”. Cũng như chiến tranh, văn học sau chiến tranh được tái diễn giải với rất nhiều sự thật khác. Sau khi đi qua cuộc chiến, Anh Ngọc đã trưởng thành hơn, những trải nghiệm và hiện thực cuộc sống đã cho ông cái nhìn đa chiều đa dạng hơn về cuộc sống, cuộc chiến và con người vì thế những suy tư, những chiêm nghiệm của ông cũng thay đổi theo thời gian. Cuộc sống hậu chiến khiến ông chất chứa nhiều nỗi xót xa hơn. Những tổn thất, đau thương của một thời khói lửa chưa dễ xóa đi trong cuộc sống thời bình. Thời hậu chiến, người lính càng cảm thấy cô đơn hơn, hoang mang hơn với những nỗi đau như giằng xé. Tiếng thơ ẩn chứa nỗi niềm day dứt khôn nguôi:
Trời Điện Biên mây trắng Màu mộ chí hàng hàng Màu bạc đầu bạn cũ
Tìm nhau trong nghĩa trang
(Trời Điện Biên mây trắng)
Vẫn màu mây trắng Điện Biên ám gợi, nhưng lại đưa cảm xúc của Anh Ngọc liên tưởng đến bao nỗi đau thương của chiến tranh ly loạn, bao cảnh tang thương trên chính mảnh đất đầy thơ mộng này. Mây trắng hay đó là màu khói na pan, khói của đạn bom đến giờ còn đọng lại trên đất đai và trú ngụ trong cả ký ức con người. Rồi nữa, sự thất bại ê chề lũ lượt ra hàng của giặc Pháp với màu cờ trắng như vẫn còn phả vào màu mây trắng hôm nay. Những màu khăn tang trên đầu người chinh phụ khóc chồng, người mẹ khóc con, mái đầu bạc của người đồng đội cũ giữa nghĩa trang dằng dặc mộ phần như vẫn còn ám ảnh nhà thơ không nguôi. Sự thay đổi về thời gian là một sáng tạo trong tư duy thơ Anh Ngọc. Những suy tư cũng gắn nhiều với những trải nghiệm về nhân sinh, thế sự. Thơ Anh Ngọc thường chiêm nghiệm về sự hữu hạn của kiếp người.Cảm xúc đó rải rác trong nhiều tập thơ của ông, nhưng tập trung nhiều nhất ở tập Mạnh hơn tuyệt vọng. Cũng chính vì thế mà cả tập thơ là một âm vọng buồn triền miên, da diết. Đây là sự cảm nhận của nhà thơ về một “vị tướng già” trong thời bình. Nồng độ cảm xúc càng tăng, suy tư triết lí lại càng thêm thấm thía:
Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên Cõi nhân thế mây bay và gió thổi Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi Đi về miền cát bụi phía trời xa.
(Vị tướng già)
Đọc những câu thơ đó ta như thấy thoáng một nét ngậm ngùi trước bước đi không ngoái lại của thời gian, cái hữu hạn trước cái vô cùng. Những
câu thơ như một viên sỏi ném trên mặt nước để lan tỏa nhiều vòng sóng, những suy tưởng thâm trầm ấy đã để lại nhiều sức gợi trong lòng người đọc. Day dứt trước những biểu hiện muôn màu của đời sống, thơ Anh Ngọc dội vào tâm khảm chúng ta những câu hỏi xoáy xiết:
Em hãy hỏi
Vì sao vì sao con người già trước tuổi Người lại giết người lỗi ấy vì sao… Vì sao máu Campuchia lại đổ
Bảy triệu con người như bầy chim vỡ tổ Ăngco buồn đầu bạc ngủ trong mây
(Trường ca Sông Mê kông bốn mặt)
Ngôn ngữ thơ buồn da diết về những nghịch lý đang diễn ra giữa đời thường. Những nguy cơ, tai ương, vẫn rình rập, lơ lửng đâu đó, vừa xa, vừa gần, vừa hiện hình, vừa giấu mặt trong cuộc sống. Trong những sáng tác của Anh Ngọc, ta thấy có những bài thơ thấp thoáng chuyện đời thường mà cũng chất chứa nỗi buồn thế sự. Đây là cảm nhận của nhà thơ trong một trận ốm. Những suy nghĩ gắn liền với những trăn trở, buồn vui của chính bản thân ông nên có sức lay động riêng:
Nếu chỉ bia với bọt Chiến hữu quả rất nhiều Lúc nằm viện mới biết Bạn thật chẳng bao nhiêu.
(Tứ bình cho tuổi tứ tuần)
Những câu thơ ngỡ rất giản đơn mà sự khơi gợi lại tầng tầng, bậc bậc. Những chuyện riêng tư mà lời thơ Anh Ngọc vẫn khiến chúng ta phải day dứt. Con người thi nhân trong Anh Ngọc vốn nhiều nhạy cảm với cuộc sống. Ông thường quan sát những sự vật, những con người xung quanh để từ đó hướng về cái phổ quát của cuộc đời. Xuất hiện nhiều trong thơ ông là những câu thơ triết lí về cuộc đời thật sâu sắc, thấm thía:
Thức lâu chẳng biết đêm dài Nào ai dạy được cho ai chữ ngờ
(Tạ ơn)
Chấp nhận cô đơn là cao hơn cô đơn Dám tuyệt vọng là mạnh hơn tuyệt vọng
(Nhạc Trịnh)
Yêu và đau, trái tim dường nức nở Đẹp và buồn, thế gian còn nặng nợ
(Người hát rong của thế kỉ XX)
Hay những triết lý mang dáng dấp khẩu ngữ: mộc mạc, giản dị mà sâu lắng khi nói về cái hữu hạn của kiếp người trong cái vô hạn của trời đất:
Trời cho ta sống thì ta sống Bắt chết thì ta phải chết thôi
(Mùa xuân nghĩ về cái chết)
Điều độc đáo của những câu thơ triết luận này là ở chỗ nếu tách riêng ra, nó có thể đứng độc lập với tất cả ý nghĩa hoàn chỉnh, thâm thúy của nó, nhưng khi đặt vào một bài thơ, hay cả tập thơ, thì nó lại như những mắt xích tự nhiên không gồ ghề, gượng ép, nó là điểm sáng của bài thơ, ánh sáng của nó tỏa chiếu ra khắp bài thơ. Những mệnh đề triết luận được Anh Ngọc sử dụng nhiều khi nói về tình yêu, một thế giới đầy hương sắc và có sức hút đặc biệt với nhà thơ: Sau tất cả chỉ tình yêu không mất. Ý nghĩa triết học ở đây là khẳng định: Tình yêu mãi mãi là bài ca bất tận, bất diệt. Có câu thơ triết luận được dùng để diễn tả sự bình tâm, vững vàng của một người đã trải qua mọi may, rủi, được, mất trong tình yêu:
Trên đời này không ai yêu cũng khổ
Được quá nhiều người yêu chắc đã sướng gì hơn
(Khúc tưởng niệm muộn màng cho John Lennon)
Phải luôn luôn có một người yêu mình Để yên tâm mà sống
Phải luôn luôn có một người yêu mình Để yên tâm mà chết
Phải luôn luôn có một người yêu mình Để yên tâm mà dở sống dở chết
Anh Ngọc luôn khao khát tình yêu, lại càng khao khát hơn thứ tình yêu tuyệt đích, vẹn tròn. Nhưng đó quả thực là một món quà quí mà thượng đế không dễ ban phát xuống nhân gian:
Phải, em đã trao anh rất nhiều, rất nhiều Nhưng rất nhiều vẫn không phải tình yêu
(Em đã trao anh không phải tình yêu)
Vì thế, con người thất tình trong thơ ông đã hóa thành triết nhân để đúc kết những nỗi niềm thất bại của mình. Ẩn sau câu thơ triết luận là sự bình thản hay nỗi xót xa, cay đắng?
Trên đời này thủy chung là một điều chẳng mới Nhưng phản bội thực tình cũng chẳng mới gì hơn
(Chạy trốn dưới gầm trời)
Chất suy tư ở con người này đã ngấm cả vào thơ, như men rượu ngấm dần vào máu. Chúng ta đọc thơ ông - chàng thi sĩ của trần gian để thấu hiểu với cõi lòng ông, cảm nhận được những trăn trở và khát vọng của ông về tình yêu, nghệ thuật cũng như cuộc sống. Qua đó có thể thấy nét suy tư đăm chiêu thấm nỗi buồn diệu vợi mà còn thể hiện qua ngôn ngữ thơ chắt lọc từ cuộc sống, đầy dự cảm, suy tư và ngẫm ngợi cũng như trái tim ông đã chai sạn với nỗi, đau nỗi mất mát trong cuộc đời.