Sự vận động từ cái ta trở về cái tôi

Một phần của tài liệu 40967 (Trang 64 - 68)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.Sự vận động từ cái ta trở về cái tôi

Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực, những thời kì lịch sử lại mang đến cho văn học những đề tài khác nhau, những thời kì văn học lại đề ra cho các văn nghệ sĩ những lối tư duy văn học, nghệ thuật khác nhau…..Trước năm 1975 tiếng nói trữ tình bộc lộ chủ yếu trên các vấn đề dân tộc, lịch sử. Tinh thần công dân là tinh thần chủ yếu. Xuất hiện kiểu nhà thơ cách mạng luôn đứng trong những sự kiện lớn lao của đất nước với tư thế dân tộc, thời đại, giai cấp. Các nhà thơ hiện diện trong trách nhiệm với cuộc đời hiện tại và niềm tin vào tương lai. Vị trí chủ yếu của con người trữ tình là vị trí của cái tôi xã hội, cái tôi công dân nên mang một sinh khí mới mẻ, mạnh mẽ và kiêu hãnh. Đây là giai đoạn các nhà thơ tuyên bố rời bỏ cái tôi cá nhân, để cái riêng tư hòa lẫn trong cái chung. Trong bối cảnh ấy, cái tôi cá nhân quả là nhỏ bé, yếu đuối và vô nghĩa nếu như nó không theo sát đời sống của dân tộc. Chất liệu thơ được cấu trúc dưới vẻ đẹp của lí tưởng chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc. Nhân vật xuất hiện trong các vai trò chính trị: em giao liên, mẹ chiến sĩ, chị dân công, anh vệ quốc, phụ nữ hậu phương, anh bộ đội... Trong con người có sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực-lí tưởng, riêng-chung, bình thường-vĩ đại, cảm xúc-lí trí, trữ tình-anh hùng ca. Tư thế tối ưu nhất là đứng trong hàng ngũ dân tộc, cách mạng. Một cảm hứng lớn về dân tộc và thời đại bao trùm với những tình cảm lớn lao bộc lộ qua những suy tư về các chủ đề

lớn, các hình tượng đẹp đẽ, kì vĩ thể hiện bằng những âm điệu hùng tráng. Kiểu nhà thơ chiến sĩ là kết quả khi chất công dân đi vào thơ mạnh mẽ nhất. Dường như không có nhà thơ nào đứng ngoài lề lịch sử mà đều hòa chung vào dòng thác lịch sử luôn lao về một hướng: độc lập, tự do, gạt bỏ những dòng chảy riêng tư, lạc điệu. Những toan tính cá nhân trở nên tầm thường, nhỏ bé trước cuộc sống vĩ đại và lớn lao của dân tộc. Hình tượng thơ đầy ắp hơi thở của đời sống hiện thực cách mạng với một vẻ đẹp thẩm mĩ mới: vầng trăng mọc qua quầng lửa, đầu súng trăng treo, nấm mộ và cây trầm, tiếng nhạc la, tiếng gà trưa, cây xấu hổ, hố bom và khoảng trời...

Sau năm 1975, ngày hoà bình, đất nước đi ra từ trong máu lửa chiến tranh đứng trước bao khó khăn thử thách về mọi mặt kinh tế, xã hội, chính trị, những con người vừa chiến thắng quân xâm lược có tầm cỡ thế giới giờ phải đối mặt với gánh nặng cơm áo hàng ngày. Bao giá trị đã đổi thay. Chính cuộc sống mới ngổn ngang bề bộn, những mối quan hệ giữa con người đổi thay và trở nên trần tục hơn khiến cho nhà thơ cũng phải thay đổi tư duy của mình. Thơ trở về với cái hàng ngày, bớt đi chất giọng ngọt ngào ru vỗ ngày nào, mà thay vào đó là giọng thô ráp hơn, thơ theo kịp nhịp đi của đời sống. Tư duy thơ Anh Ngọc lúc này là lối tư duy thơ phản tỉnh, nhìn thẳng vào nhiều vấn đề có phần gai góc trong xã hội như lối ứng xử ích kỷ của con người, sự mất cân bằng xã hội, sự xa cách của thang bậc giàu nghèo, cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh của những người lính thắng trận trở về với đời thường,... được nhà thơ thực tả với cái nhìn hiểu đời, cái nhìn trăn trở. Thể tài thế sự, đời tư vì thế nở rộ trong thơ Anh Ngọc và rất nhiều nhà thơ khác, đặc biệt là những nhà thơ đã từng mặc áo lính. Lối tư duy này thể hiện bước phát triển của tinh thần dân chủ trong thời đại mới-thời đại mà người ta dám nhìn lại chính mình, dám nhìn thẳng vào bản chất và hiện thực cuộc sống, đánh dấu giai đoạn đất nước chuyển mình một cách độc lập, tự do trước cộng đồng quốc tế. Nguy cơ về sự suy giảm các giá trị đạo đức xã hội cũng được Anh Ngọc nhận định rõ ràng

trong những vần thơ ra đời những năm đầu đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Cách nhà thơ nhìn thẳng vào hiện thực, bóc trần bản chất đời sống như vậy đã không ít lần khiến cho người đọc phải chạnh lòng. Tư duy thơ phản tỉnh là lối tư duy thơ vừa hướng ngoại nhưng lại vừa hướng nội, hướng ngoại để bày tỏ những trăn trở, day dứt của mình, hiện thực cuộc sống đã mang lại cho nhà thơ những suy tư đầy nhân bản về cuộc đời, giúp cho nhà thơ có cơ hội bày tỏ những quan niệm về con người, nói không né tránh những vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội. Tư duy thơ thay đổi khiến cho cái tôi trữ tình trong thơ Anh Ngọc trở nên đời hơn với những tâm tình thực, đẹp hơn trong cái nhìn muôn mặt đời thường.

Sự vận động trong tư duy nghệ thuật thơ Anh Ngọc là hành trình đi từ hiện thực đến bản chất, từ đời sống thực đến tâm tình thực, có thể nói đó là hành trình đi từ cái tôi trải nghiệm, từng trải đến với cái tôi nhập cuộc, hoá thân, từ cái tôi trải nghiệm đến cái tôi chiêm nghiệm về đời sống và hiện thực chiến tranh, từ cái tôi nói tiếng nói của nhiều người đến cái tôi bộc lộ những cảm nhận của cá nhân. Hành trình ấy cho thấy hướng của tư duy thơ Anh Ngọc nói riêng và thơ ca thời hậu chiến nói chung là đi từ hướng ngoại vào hướng nội, xu hướng trở về cái tôi cá nhân, cái tôi gắn liền với cảm hứng nói thật, nói không né tránh về những cảm nhận chủ quan của người viết.

Tiểu kết

Tóm lại, với tình yêu và nhiệt huyết cháy bỏng, bằng chính sự trải nghiệm về cuộc đời, Anh Ngọc đã hướng về người lính, về đất nước nhân dân … với cảm hứng sử thi ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tuy nhiên khi cuộc chiến tranh kết thúc, Anh Ngọc trở về cuộc sống đời thường với những nỗi niềm trăn trở riêng. Với tài năng và trách nhiệm cao của người nghệ sỹ, Anh Ngọc luôn luôn thể hiện sự tìm tòi và sáng tạo để đưa tác phẩm của mình vươn tới đỉnh cao của cả phong trào thơ. Trong thơ của mình, Anh Ngọc đã tạo nên cái tôi trữ tình đầy ấn tượng. Cái tôi ấy vừa tiêu biểu cho cái tôi

lãng mạn thời thơ mới, cái tôi sử thi trong thời kỳ chiến tranh cách mạng và cái tôi đời tư thế sự sau 1975. Đồng thời cái tôi trữ tình rất độc đáo, góp phần căn bản tạo nên phong cách Anh Ngọc. Cái tôi trữ tình trong thơ Anh Ngọc không ngừng vận động và có những bước biến chuyển rõ nét giữa các thời kỳ sáng tác, nhưng vẫn có những cái gốc căn bản: Thơ ông giàu chất triết lý, giàu màu sắc nhận thức luận. Hình tượng cái tôi trữ tình, hình tượng người lính, hình tượng đất nước … là những hình tượng cơ bản, xuyên suốt trong các bài thơ, trường ca Anh Ngọc. Những hình tượng này không chỉ được khám phá ở khía cạnh kỳ vĩ lớn lao, cao cả mà còn được khám phá ở sự gần gũi, giản dị, đời thường, khám phá trong chiều sâu nhân bản. Cái tôi trữ tình với những dạng thức cái tôi đời tư, cái tôi thế sự, cái tôi bản thể đã nới rộng khả năng phản ánh hiện thực cho trường ca Anh Ngọc. Hình tượng cái tôi trữ tình tạo nên dấu ấn riêng của Anh Ngọc trong trường ca. Hơi thở của cuộc sống đương đại ngày càng đậm nét, bộc lộ một tâm hồn nhiều suy tư, trăn trở về cuộc sống và con người. Những cảm nhận và lý giải của nhà thơ về từng hình tượng, từng vấn đề của hiện thực ở những mức độ khác nhau đã cho thấy quan niệm nghệ thuật của nhà thơ về cuộc sống và con người.

Sự vận động của cái tôi trữ tình trong tư duy thơ của Anh Ngọc là sự vận động theo quy luật chung của thơ ca. Tìm hiểu cái tôi trữ tình trong thơ Anh Ngọc chính là tìm hiểu hành trình tư duy thơ của ông. Đó là hành trình tư duy đi từ hướng ngoại hướng đến cuộc sống của dân tộc trong kháng chiến dần thu hẹp vào phạm vi của một cái tôi nội cảm với tư duy hướng nội.

CHƢƠNG 3: NGÔN NGỮ, BIỂU TƢỢNG VÀ THỂ LOẠI THƠ TRONG THƠ ANH NGỌC

Một phần của tài liệu 40967 (Trang 64 - 68)