6. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Các nhân vật trữ tình trong thơ AnhNgọc
- Hình tượng người lính là sự hóa thân của cái tôi thế hệ
Trong thơ ca thời chống Mỹ, hình tượng người lính là một trong những hình tượng bao trùm, được tập trung khám phá với nhiều vẻ đẹp mới, được thể hiện bằng một giọng điệu mới. Trên cuộc hành trình để giành lại tự do, người lính đã trải qua biết bao cảnh ngộ. Thơ Anh Ngọc đã cho chúng ta thấy nhiều mặt của cuộc đời người lính.
Trong thơ Anh Ngọc, người lính là những chàng trai, cô gái trẻ vừa rời ghế nhà trường, lần đầu tiên xa quê: “Bút nghiên xếp lại học nghề súng gươm/ Mười năm bạn với cây rừng/ Tuổi xuân thì lấy chiến trường làm quê”.Đó là thế hệ mười tám, đôi mươi đã xuất hiện đúng vào lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào hồi khốc liệt nhất. Họ đã đi vào cuộc chiến với một tâm thế vững vàng, một quyết tâm sắt đá, thể hiện được bản lĩnh, sức vóc của những người trẻ tuổi trước thử thách khắc nghiệt của chiến tranh: “Con gái hai mươi lưng hóa thép/ Em gùi cả dãy Trường Sơn”, “Đã hành quân qua đây/ Những bàn chân chiến sĩ/ Đi suốt tuổi thanh xuân chưa nghỉ”. Họ đi vào cuộc chiến tranh không chỉ thấy cái chết mà cái đói, bệnh sốt rét rừng đang chờ phía trước, tuy nhiên tâm hồn họ vẫn phơi phới lý tưởng xả thân: “Dù phải nổ tung trong cuộc chiến đấu này/ Em không thể bỏ con đường quay trở lại”. Trái tim họ vẫn hát lên bài ca chiến thắng “Không thể nào đi qua cuộc đời này/ Mà trong tim không có tiếng hát”. Vì tổ quốc, họ tuyên thệ: “Ta không nô lệ cho
đời/ Ta sinh ra để làm người tự do/ …/ Con đường chỉ một đường thôi/ Trăm lời cũng chỉ một lời thủy chung”. Họ đã để lại những gì đẹp nhất để đến với chiến trường, đến với cuộc chiến sinh tử của dân tộc. Bản chất của cuộc đời người lính nay đây mai đó là “cuộc đời di động”, những khu rừng nối tiếp những khu rừng: “Trận đánh nào không trận đánh đầu tiên/ Đường ra trận có bao giờ lặp lại”(Điệp khúc vô danh) nhưng có một điều bất động trong tâm hồn người lính là tình yêu thương da diết với mẹ, với người yêu. Nỗi nhớ mẹ, nhớ người yêu đã biến thành nguồn sức mạnh tinh thần để các anh chiến đấu đến cùng cho tổ quốc. Những tình cảm riêng tư ấy được Anh Ngọc trải bày một cách thấm thía mà chân thành.
Đọc thơ Anh Ngọc, chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều cụm từ “thế hệ chúng tôi”, “đồng đội tôi” … Như thế, chúng ta thấy, từ hình tượng người lính, Anh Ngọc đã xây dựng được một hình tượng mới phù hợp với tinh thần thời đại: “hình tượng thế hệ”. Đây là những người cùng chí hướng, cùng vượt qua gian khổ, là cái nhìn của người trong cuộc, thường là cái nhìn ở phía chính diện. Cả thế hệ nói về lòng yêu nước và tinh thần đồng đội bằng những hành động cụ thể chứ không phải bằng những lý thuyết suông khô cứng. Anh Ngọc đã xử lý rất độc đáo mối quan hệ giữa đời tư cá nhân và cộng đồng. Cả một thế hệ đã chiến đấu vì lý tưởng, họ trở thành người lính nhân dân, thế hệ của nhân dân. Họ đã gạt tình riêng sang một bên để “Gùi lịch sử trên đôi vai bé nhỏ”.
Có những người lính trong giây phút căng go giữa sự sống và cái chết đã tự nguyện hy sinh mình cho đồng đội được sống. Những tấm chân dung ấy trong trường ca Anh Ngọc làm chúng ta vô cùng cảm động:
Cái chết cầm tay không kịp nói nên lời Trong đầu em thoáng một điều thơ dại Xin hãy lấy mái tóc em con gái
Kết làm cầu
Cho bạn bè em đang bước tiếp phía sau (Sông núi trên vai)
Hình ảnh “Em và bạn em rơi như chiếc lá giữa rừng già bao la”, giữa những làn đạn kẻ thù khiến người đọc nao lòng “Nửa tạ hàng trên lưng/ Đè em ngã sấp/ Em rung lên trong một cơn động đất/ Tiếng kêu dài tắt lặng ở đầu môi” (Sông núi trên vai). Có lẽ trong những giây phút sống còn, những phút giây mong manh giữa sự sống và cái chết, những người lính “thế hệ chúng tôi” cảm nhận rằng, họ sẽ từ bỏ thế giới này, ngày mai họ sẽ không nhìn thấy bóng hình quê hương, thấy mẹ, thấy người yêu, sẽ hóa thành đất bồi đắp cho quê hương. Họ ra đi khi mà “Họ trẻ lắm những người nằm dưới đó”. Hãy tưởng tượng xem, nghĩ rằng mình chết ở tuổi hai mươi, khi bao ước mơ, khát vọng, tuổi trẻ đang còn dang dở, khi người yêu, mẹ già đang chờ đợi ở quê hương, thì cảm giác ấy làm sao mà chịu được. Vậy mà đã có biết bao người đã gạt tình riêng để “Hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời” (Nguyễn Khoa Điềm).Đọc trường ca Sông Mê Công bốn mặt, chúng ta
thấy những người lính Việt Nam đã hy sinh xương máu để giành lại cho nhân dân CămPuChia quyền được sống, được làm người.Các anh đã để lại trên mảnh đất CămPuChia cả cuộc đời mình, cho những vòm thốt nốt mãi xanh tươi, cho điệu múa Apsara không bị giam cầm trong bóng tối. Cũng vì thế mà tác giả của trường ca Sông Mê Công bốn mặt đã dành cho người lính tình
nguyện những câu thơ xúc động, những tình cảm mến thương trân trọng nhất: Tháng giêng này bạn có tới Phnôm Pênh
xin hãy ghé thăm nghĩa trang quân tình nguyện
…
Họ trẻ lắm những người nằm dưới đó áo binh nhì xanh suốt tuổi đôi mươi viết dòng thư cho mẹ dưới sao trời chắp nối bao điều chợt quên chợt nhớ
Anh Ngọc viết trường ca trong tâm thế của một người lính từng nếm trải hiện thực chiến trường khốc liệt. Cũng như các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ,
ông viết nhiều, viết hay và chân thực về đề tài này. Ông thấu hiểu những tâm tư, tình cảm cũng như sự lựa chọn, hy sinh của “thế hệ chúng tôi”. Ở cuộc chiến sinh tử này, có những người nông dân tay cuốc, tay cày chiến đấu với giặc, có những người phụ nữ ở hậu phương cầm đòn ghánh đánh giặc, nhưng không ai khác, chỉ ở hình tượng người lính mới tập trung thể hiện đầy đủ nhất tinh thần dân tộc, tinh thần xả thân, tinh thần vị nghĩa. Anh Ngọc đã chọn hình tượng cái tôi thế hệ để chuyển tải bức thông điệp tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm. Cả một thế hệ chiến đấu vì lý tưởng và họ đã trở thành người lính nhân dân, thế hệ của nhân dân. Hình tượng người lính trong trường ca Anh ngọc chính là sự hóa thân của cái tôi thế hệ.
- Hình tượng người lính với chân dung tinh thần chân thực, phong phú
Viết về chiến tranh không chỉ là cái nhìn đơn thuần ở độ lùi thời gian để tụng ca về chiến thắng hoặc than vãn về những tổn thất mà quan trọng hơn là cái nhìn ở tầm cao tư tưởng nhân văn. Tư tưởng ấy sẽ xóa bỏ những định kiến thông thường về con người để nhìn nhận con người trong chiến tranh với chiều sâu nhân tính.
Nhìn hiện thực chiến tranh bằng quan điểm nhân bản, Anh Ngọc đặt giá trị người ở tinh thần nhân văn chân thực và cao cả trong thái độ với cuộc chiến, trong cách nhìn nhận vượt lên trên lẽ chính trị thông thường về sự thắng – bại, được – thua, còn – mất của cuộc chiến. Người lính trong trường ca Anh Ngọc là con người nhân bản, con người với chiều sâu nhân tính, với những tâm tư, tình cảm rất người. Trung tâm trong trường ca Anh Ngọc là hình tượng người lính. Họ chủ yếu được khai thác ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, sẵn sàng hy sinh tính mệnh cá nhân cho sự sống dân tộc. Họ nghĩ đơn giản và sống cao đẹp. Họ là những người đại diện cho lý tưởng, phẩm giá, lương tri cao đẹp nhất của dân tộc trong thời đại cách mạng. Không chỉ thế, Anh Ngọc còn phản ánh một cách trung thực tâm trạng, suy nghĩ của người lính trong chiến tranh. Tác giả đã không ngần ngại khi
viết về sự yếu đuối, nỗi sợ hãi của người lính trong chiến đấu. Khi trực tiếp đối diện với cái chết, sự sống, tuy họ vẫn trầm tĩnh chấp nhận sự hy sinh lớn nhất nhưng vẫn hiện lên sự căng thẳng thường xuyên về mặt tâm lý. Thời gian có lúc bị dồn nén, ức chế, họ lo sợ trước giờ nổ súng. Anh Ngọc đã khắc họa rõ nét thời gian tâm lý trong trường ca của ông.Trong đó, những khoảnh khắc chiến tranh dường như vô tận. Thời gian chờ đợi ấy không chỉ là thời gian hiện thực nữa mà còn là thời gian bên trong mỗi con người, thời gian tâm lý:
Trận đánh kéo dài ngỡ lâu hàng thế kỷ Bao cuộc đời chớp mắt hóa cơn mơ Thời gian với thời gian dồn nén Lại vỡ ra trong tiếng sét bất ngờ (Điệp khúc vô danh)
Không chỉ thời gian chờ đợi mà trong chính trận chiến, trong những phút gay cấn, người lính cũng cảm nhận hết sự dồn nén của thời gian, sức nặng tâm lý và sự khốc liệt của chiến tranh đè nặng lên vai họ. Anh Ngọc đã đối lập giữa thời gian đời người và thời gian họ cảm nhận cuộc chiến. Điều này không những không làm giảm vẻ đẹp của người lính mà ngược lại, đã làm cho hình tượng của họ sáng ngời hơn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện một cách hùng hồn hơn.
Đối với người lính, điều thôi thúc họ chiến đấu không chỉ là tinh thần cách mạng mà còn là khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc. Chưa bao giờ con người lại mơ ước hòa bình một cách da diết, cháy bỏng như thế. Chiến tranh đã dập tắt những ước mơ và cướp đi những nhu cầu bình dị nhất. Cuộc sống nhân bản, cuộc sống đời thường bị phá vỡ. Trong những trận chiến liên tiếp, ngày nào cũng thấy người chết, thấy máu lửa, tiếng gầm rú của máy bay, bất cứ lúc nào cũng có thể ngã xuống thì người lính trẻ luôn mơ ước đến một vầng trăng, đến ngôi sao chiều của quê hương. Họ mong ước chiến tranh chấm dứt để được trở về với quê hương yêu dấu, với nơi chôn rau cắt rốn mà sao thật khó thực hiện:
Hãy nghe chiều nhẹ xuống trong lòng ta Với xao xác bầy chim bay về tổ
Trong đáy mắt những người chờ vượt lộ Ngôi sao chiều đã mọc phía quê hương (Sông núi trên vai)
Những mong muốn rất người ấy không làm người lính bi lụy, nhụt ý chí, ngược lại càng thúc đẩy họ chiến đấu. Bởi vì mơ ước của họ dù nhỏ bé hay lớn lao cũng luôn gắn liền với hạnh phúc của tổ quốc, quê hương.
Anh Ngọc rất quan tâm đến nội tâm chân thực có chiều sâu trong tâm hồn của những người lính. Và đó cũng là chân dung tinh thần sâu lắng của cả thế hệ trẻ thời chống Mỹ. Với những tình cảm chân thành, sâu lắng nhất, Anh Ngọc đã khám phá ra trong hành trang tinh thần của người lính không chỉ có niềm tin vào lý tưởng, khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc mà còn da diết một nỗi nhớ thương mẹ và người yêu. Dù đi đâu, làm gì thì trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn trở đi trở lại hình bóng mẹ và người yêu, họ luôn thấy “Mắt em mắt mẹ dõi theo tháng ngày”.
Trong muôn vàn nỗi nhớ về những người thân yêu, nỗi nhớ mẹ có lẽ là nỗi nhớ sâu lắng, dễ làm xúc động lòng người nhất. Với những hình ảnh chân thực, những vần thơ của Anh Ngọc đã làm lay động lòng người:
Đêm đầu tiên mắc võng giữa rừng khuya Không ngủ được nằm rưng rưng nhớ mẹ (Điệp khúc vô danh)
Đối với người lính, mẹ chính là chỗ dựa tin cậy nhất để các anh tâm sự, là vòng tay ấm áp nhất để các anh ngã vào mỗi lúc buồn vui. Trong cuộc trường chinh đầy gian lao vất vả và cả những giây phút vui vẻ cùng đồng đội, người lính luôn mang trọn trong mình hình ảnh mẹ với tất cả nhớ thương da diết. Cũng như tác giả Trần Mạnh Hảo, khi tác giả này viết:
Áo vá vai như ruộng vá chân đồi Con thương mẹ, con thương lưỡi cuốc Suốt một đời không được ngẩng đầu lên Những lưỡi cuốc như mỏ gà bới đất Cánh đồng sâu chân mẹ quánh phèn (Trần Mạnh Hảo)
Trong thơ Anh Ngọc, hình tượng mẹ bao giờ cũng gần gũi và giản dị. Hình bóng mẹ luôn thường trực trong từng mạch máu chính là niềm tin, là sức mạnh để người lính chiến đấu:
Tôi mang sông núi trên vai nhọc nhằn Như mang bóng mẹ yêu thương
Bóng cha với bóng quê hương đói nghèo Tôi qua bao núi bao đèo
Đôi vai gánh nặng bấy nhiêu ân tình (Điệp khúc vô danh)
Và bởi chính luôn đem bên mình “ân tình” của người cha, người mẹ mà những người lính thêm động lực chiến đấu để đem lại cuộc sống bình yên cho mẹ, cho tổ quốc. Chung – riêng trong hành trang tinh thần của họ đã hòa làm một.
Bên cạnh nỗi nhớ mẹ, người lính còn có một nỗi nhớ cháy bỏng: nhớ người yêu. Được yêu, được gần người yêu là một mong muốn chính đáng nhưng trong hoàn cảnh này không thể thực hiện được.Chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ, cướp đi những giá trị tinh thần của con người. Từ những ngày đầu đến với chiến trường, tình yêu đã theo bước chân các anh, là ngọn lửa soi sáng mọi nẻo đường hành quân: “Nỗi nhớ của những mùa xa cách/ Trong bước đi chiến dịch/ Anh lắng nghe cuộc hò hẹn đến gần” (Sông núi trên vai). Trong Tĩnh mịch rừng đêm, anh lính trẻ “không thấy núi, không thấy rừng,
không thấy mây, không thấy suối, chỉ thấy đôi mắt em vời vợi, mêng mông che hết nửa vòm trời”. Hình ảnh em choáng ngợp, che lấn hết mọi thứ xung
quanh. Đôi mắt ấy cứ “thăm thẳm như đêm, mềm mại như đêm, cứ mở cửa chân trời, lặng lẽ theo anh trong suốt cuộc hành quân”. Đôi mắt em luôn hiện về trong nỗi nhớ da diết, nồng nàn, cả lúc thức, lúc ngủ, khi hành quân cũng như khi được nghỉ ngơi. Thực sự phải có một tình yêu mãnh liệt, một nỗi nhớ cháy bỏng thì Anh Ngọc mới viết được những dòng thơ như thế. Người đọc như nghe được nhịp của những trái tim đang dội lên tha thiết gửi nhớ thương về người yêu nơi hậu phương xa xôi. “Em là vũ khí của anh, lương thực của anh, hành trang của anh, em đầy ắp chiếc ba lô trí nhớ”. Từ “của anh” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như muốn khẳng định rằng: em đã thuộc về anh, ta đã thuộc về nhau, hai là một. Trái tim người lính như muốn vỡ ra vì nỗi nhớ em đã chất chứa nhiều quá. Bất cứ lúc nào có một phút rảnh rỗi là “anh hăm hở vùi đầu lục lọi tìm em”.
Hình ảnh người yêu nơi phương xa trong trường ca Anh Ngọc được hiện lên với đủ các dáng điệu, đủ các sắc thái:
Em duyên dáng, trẻ trung, đôn hậu và kiêu kỳ, dịu dàng mà quyết liệt, em ngã xuống vai anh cái tuổi đời mười tám.
Náo nức với say sưa, em là ngày nắng đẹp ở trong rừng, da thịt tỏa hương thơm, chim ríu rít, bướm vờn, nắng chảy dài suối tóc
Em mải miết hôn anh bằng cái hôn của gió, khi dìu dặt mơn man, khi nồng nàn thảng thốt, khi ào ạt cuồng điên xéo nát cả rừng anh.
(Điệp khúc vô danh)
Hình ảnh bình yên, đắm say ấy bất chợt hiện ra giữa cái khốc liệt của chiến tranh đã thành nguồn năng lượng tinh thần vô giá mà không một sức mạnh nào sánh được. Người lính luôn tin rằng: “em xa vắng nhưng tình yêu không mất”. Tình yêu và niềm tin ấy đã góp phần làm nên bao kỳ tích, bởi người lính “khi tỉnh dậy thấy mình thêm sức mạnh”.Tình yêu của em, nỗi nhớ anh dành cho em… đã thực sự tạo nên đôi cánh nâng đỡ người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.Tình yêu ấy sẽ bất tử.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trở thành ký ức của chính tác giả Anh Ngọc và chính các nhân vật (thường là nhân vật tôi) trong tác phẩm. Ký ức là