Sử dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật

Một phần của tài liệu 40967 (Trang 76 - 83)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.4. Sử dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật

Với tài năng của mình, Anh Ngọc đã vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, trùng điệp, ẩn dụ … góp phần làm tăng khả năng diễn đạt của thơ. Trong các sáng tác, nhà thơ Anh Ngọc thường xuyên sử dụng biện pháp tu từ so sánh kiểu A như B. Ví dụ:

Ánh sao trời muôn ngàn tia lấp lánh/ Như muôn ngàn hoa trắng điểm trời cao (Ánh mắt);

Em lớn lên như một nỗi bất ngờ (Bên lở bên bồi);

Dòng sông chảy trầm tư như dĩ vãng/ Những giọt sương như ảo ảnh ngọt ngào (Điệp khúc vô danh);

Với kiểu so sánh truyền thống này, nhà thơ có thể so sánh giữa cái cụ thể với cái cụ thể để tạo nên một khám phá mới lạ cho những yếu tố quen thuộc hàng ngày. Cũng có khi nhà thơ so sánh giữa cái cụ thể với cái trừu tượng để đem lại sự cảm nhận mới hay mở ra những liên tưởng bất ngờ cho người đọc. Sử dụng cấu trúc trên nhà thơ đã đẩy xa sự tưởng tượng, liên tưởng trong vế B sang nhiều mối quan hệ nhằm khẳng định phẩm chất mới của vế A.

Kiểu A là B: Trong thơ Anh Ngọc, kiểu so sánh này mang tính khẳng định như một định nghĩa, nó làm cho các so sánh trở nên chặt chẽ hơn: “Đời là cuộc hành trình khép kín” (Vị tướng già); “Tâm hồn anh là một cánh đồng hoang” (Với nỗi đau này anh tồn tại); … Cũng có khi từ một sự vật nhưng tác giả lại đặt trong mối quan hệ so sánh trùng điệp, hình thành sự khẳng định song song, tạo ra ý nghĩa muôn mặt của sự vật so sánh và giá trị thẩm mĩ cho những câu thơ: Đá là phật là vua Đá là thần là quỷ Đá là cây là hoa Đá là chim là cá Đá là người – đá là tất cả Đá là đá mà lại không là đá

(Sông Mê Kông bốn mặt)

Những kiểu so sánh này rất phù hợp với thơ “điệu nói” hiện đại, nó khiến thơ tiến gần đến ranh giới của văn xuôi để khám phá hiện thực một cách hấp dẫn, sinh động hơn.

Ngoài biện pháp so sánh, với biện pháp điệp quen thuộc Anh Ngọc cũng có những sáng tạo độc đáo mang lại những nét mới mẻ cho thơ của mình. Trong thơ Anh Ngọc, biện pháp điệp được sử dụng ở ba cấp độ ngôn ngữ: điệp từ, điệp ngữ và điệp câu. Bằng cách điệp từ “về với” được sử dụng phối hợp với biện pháp liệt kê trong đoạn thơ sau, nhà thơ đã diễn tả trọn vẹn niềm hạnh phúc vô bờ của người dân và đất nước Campuchia khi được trở lại cuộc sống bình yên sau chiến tranh:

Đã đến lúc anh trở về nhà Về với ruộng vườn phum sóc Về với chiếc cày

Về cùng cây lúa

Về với ba ông đầu rau Về với mâm cơm còn ăn dở Về với tiếng bi bô con trẻ

Với mái tóc em thơm ngát hoa chanh Về với quê hương

Về với chính mình

(Sông Mê Kông bốn mặt)

Đặc biệt có những đoạn thơ mà điệp ngữ được sử dụng đã khiến cho mạch thơ được khắc sâu, tô đậm, nhạc điệu của đoạn thơ trùng xuống trong sự cảm nhận thấm thía:

Cả dân tộc cùng anh đi những bước cuối cùng Của cuộc hành trình vòng quanh địa ngục Cuộc hành trình men bên miệng vực Phải mất bao nhiêu thời gian

Phải mất bao nhiêu dặm đường Phải bước qua bao nhiêu xác chết Để hôm nay trở lại chỗ ban đầu

Là người dạt dào, mãnh liệt trong cảm xúc, nhất là cảm xúc về tình yêu, Anh Ngọc có nhu cầu bộc lộ rất cao. Ông đã từng nhắc đi nhắc lại một lời, một câu trong một bài thơ để khẳng định một triết lí về tình yêu:

Phải luôn luôn có một người yêu mình Để yên tâm mà sống

Phải luôn luôn có một người yêu mình Để yên tâm mà chết

Phải luôn luôn có một người yêu mình Để yên tâm mà dở sống dở chết

(Yêu)

Anh Ngọc cũng là người lữ khách đi tìm cái đẹp tuyệt đích, vẹn tròn của sự sống.Nhà thơ đã từng từ chối sự tương đối dù có đạt đến 99% để hướng tới sự tuyệt đối trong niềm hạnh phúc hiếm hoi. Ấy là giây phút nhà thơ xem nhật thực toàn phần ở Phan Thiết, được chứng kiến “cuộc hôn phối” kì lạ và tuyệt vời của vũ trụ:

Trăm phần trăm hoang sơ Trăm phần trăm bóng tối Trăm phần trăm thái âm Trăm phần trăm nữa tính

(Trăm phần trăm)

Biện pháp điệp truyền thống đã được Anh Ngọc sử dụng nhiều và thành thạo trong thơ. Biện pháp này vừa có tác dụng bộc lộ tối đa cảm xúc, vừa có khả năng tạo được những điệp khúc độc đáo trên nền nhạc chung của toàn bài thơ.

Trong các thủ pháp nghệ thuật, thủ pháp đối thiên về vẻ đẹp hài hòa, cân xứng của ngôn ngữ thơ, từ đó tạo cho thơ sự nhịp nhàng về ngữ điệu và thanh thoát về ý nghĩa. Chính phương thức này là nơi nhiều nhà thơ thi thố tài năng . Trong thơ Xuân Diệu có những vế đối rất chỉnh mà gợi cảm:

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm Mấy cành xanh năm bảy sắc yêu yêu

(Xuân không mùa)

Hay trong thơ Chế Lan Viên, hình thức đối góp phần tạo nên vẻ đẹp trí tuệ cho hồn thơ ông:

Xưa phù du mà nay đã phù sa Xưa bay đi mà nay không trôi mất

(Nay đã phù sa)

Khi vận dụng thủ pháp này, thơ Anh Ngọc không còn bị trói buộc trong những lề luật khắt khe của thơ cũ mà tiến tới sự linh hoạt, phóng khoáng, tự nhiên, thoải mái hơn, khiến câu thơ trở nên nhịp nhàng cả lời lẫn ý. Trong thơ Anh Ngọc các phạm trù đối lập xuất hiện khá nhiều: Thật giả, có không, được mất, đẹp xấu, thiện ác, thắng bại, hữu hạn và vô hạn, bình thường và phi thường, trần gian và thoát tục… Bằng cách xây dựng các cặp phạm trù đối lập, nhà thơ dễ dàng hơn trong việc phân tích, xoáy sâu vào bản chất của các sự vật, hiện tượng để tìm ra một đặc điểm. Kết cấu đối lập trong thơ Anh Ngọc thường dựa trên sự tổ chức hình ảnh thơ:

Chim bay về phía hoàng hôn

Vầng trăng treo nỗi cô đơn cuối trời

(Tuyệt vọng màu gì)

đối về nội dung ý nghĩa: Điều ngạc nhiên lớn nhất Là anh chẳng ngạc nhiên gì

(Trở lại Điện Biên – lá cờ và ngọn cỏ)

Và nhiều nhất là về mặt ngôn ngữ. Ở phương diện này, hình thức đối rất đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của nhà thơ. Những tiểu đối trong thơ ông cũng có sức hấp dẫn riêng:

Anh còn gì ngoài một trái tim yêu Bạn bè quay lưng, người tình quay mặt

(Anh còn gì)

Chẳng buồn, chẳng nhớ, chẳng mong Đêm không mộng mị, ngày không đợi chờ

(Giá như)

Các vế câu bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc tạo dựng hiệu quả thẩm mĩ cho câu thơ. Với kiểu đối này, Anh Ngọc đã viết nên những câu thơ hết sức chặt chẽ, hàm xúc về ý nghĩa và tương xứng, hài hòa về âm thanh, nhịp điệu. Phép đối càng trở nên đa dạng hơn khi nhà thơ sử dụng hình thức đối trong hai câu thơ:

Người như trăng mọc giữa rằm Tôi như bóng tối âm thầm cuối đêm

(Tạ ơn)

và đặc biệt là với phép đối đoạn (còn gọi là đối cách cú): Đành như một cánh thiêu thân

Trước sau thì cũng một lần cháy lên Đành như một mũ

Từ nơi xa thẳm tới miền khơi xa

(Tạ ơn)

Bông hoa đã tàn Hương còn thơm mãi Thuyền đã giong buồm Sóng còn dội lại

(Mặt trời đã lặn)

Cách đối này không tự nhốt trong khuôn khổ của trật tự từ, trật tự câu mà vẫn đảm bảo sự chặt chẽ của tình và ý. Tứ thơ không bị loãng, cảm xúc và nhịp điệu bài thơ trôi chảy, liên tục. Đoạn thơ ý nối ý, lời gọi lời đã tạo nên sự

tương xứng hài hòa cần thiết cho bài thơ. Bên cạnh việc vận dụng sáng tạo, mới mẻ các thủ pháp nghệ thuật truyền thống, Anh Ngọc còn sử dụng kiểu tư duy liên tưởng để tạo ra sự chuyển đổi ấn tượng giữa các yếu tố trong thơ. Cách chuyển đổi đó đã đem lại những bất ngờ trong mối liên hệ, mở rộng ý nghĩa của sự vật.

Đặc biệt trong những trường ca để thể hiện hiện thực kỳ vĩ lớn lao của cuộc kháng chiến và đời sống tâm hồn phong phú của nhân dân, Anh Ngọc còn vận dụng sáng tạo phép tu từ nhân hóa:

Biển vẫn lặng im giấu sóng trong lòng Mùi hoa dại thơm trong bóng tối; Đất vẫn đất đã từng che chở họ Đất mở chiến hào, đất đào công sự Ngọn cỏ nào không từ đất mọc lên Đất tỉ tê bằng giọng chú dế mèn Đến tâm sự với người lính trẻ

Những nhân hóa đó trong trường ca Anh Ngọc làm cảnh vật thiên nhiên được miêu tả như con người, cũng giận hờn, trách móc, yêu thương đã làm cho trường ca của ông có chất riêng.

Sự trao đổi, cộng hưởng của các yếu tố cụ thể và trừu tượng đã khiến cho ngôn ngữ thơ Anh Ngọc trở nên phong phú, đa nghĩa, giàu sắc thái biểu cảm, rất hợp với cảm quan phức tạp, nhiều chiều của nhà thơ. Tuy nhiên, Anh Ngọc không phải là nhà thơ thích “làm xiếc” với ngôn từ, vì thế dù có những sáng tạo nhưng ngôn ngữ thơ ông vẫn chủ yếu thiên về vẻ đẹp trong sáng, hài hòa, lắng sâu trong suy nghĩ mà ít thấy sự dữ dội, vật vã của con chữ thơ. Đó cũng là một nét hấp dẫn riêng của thơ ông. Với tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư, cùng những cảm nhận đa đoan, phức hợp về cuộc sống, thơ Anh Ngọc rất hợp với kiểu câu như những mệnh đề triết lí và các thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối, điệp, hợp với ngôn ngữ thơ vừa hồn nhiên, chân thành,tha thiết,vừa

suy tư lắng đọng. Lặng lẽ và bền bỉ sáng tạo, vị trí của nhà thơ ngày càng được khẳng định một cách vững chắc trong nền thơ Việt Nam hiện đại và trong lòng bạn đọc yêu thơ.

Một phần của tài liệu 40967 (Trang 76 - 83)