- Ba là, đảm bảo công tác thu thuế và đôn đốc thu hồi nợ thuế, đưa ra những biện pháp cần thiết
1.2.4.4. Kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
Xuất xứ hàng hóa được xem như “quốc tịch” của hàng hóa, được doanh nghiệp tự chứng nhận hoặc nhà nước xác định nguồn gốc tạo ra sản phẩm để cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được hiểu là hoạt động kiểm soát các tiêu chí cơ bản trên thông tin chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sự phù hợp với nội dung trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan như vận đơn, hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại hay các chứng từ theo quy định của pháp luật các quốc gia đối với hàng hóa làm thủ tục nhập khẩu qua biên giới quốc gia khác theo quy định của pháp luật hải quan và pháp luật khác.
Đối với kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, việc xác định hình thức của giấy chứng nhận xuất xứ thực hiện theo hai cách. Đối với giấy chứng nhận xuất xứ bằng dạng giấy thì đối chiếu mẫu thông tin do quốc gia nhập khẩu đã đăng ký; đối với giấy chứng nhận dạng điện tử đối chiếu trên trang thông tin điện tử mà nước nhập khẩu hàng hóa đăng ký.
Tuy nhiên, để đảm bảo được các yếu tố cơ bản khi kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, cần xác định vai trò cụ thể đối với kiểm soát xuất xứ hàng hoá nhập khẩu:
Thứ nhất, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là căn cứ để xác định nguồn gốc của hàng hóa, cách tính thuế nhập khẩu.
Thứ hai, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với thống kê hoạt động ngoại thương;
Thứ ba, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu nhằm nâng cao uy tín, trách nhiệm của doanh nghiệp khi cung ứng hàng hóa ra thị trường, khách hàng và vị trí của nước xuất trong thương mại quốc tế;
Thứ tư, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để thực thi các biện pháp, công cụ thương mại phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, biện pháp tự vệ trong chính sách thương mại quốc tế của quốc gia.