Vấn đề hiện nay là Việt Nam thiếu những ngành công nghiệp phụ trợ cho những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, do vậy nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tỷ lệ không nhỏ trong hàng hoá trong nước.
Mặt khác, cần thay đổi quan điểm về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó thay đổi cơ cấu nhập khẩu cho phù hợp. Cơ cấu ngành cần cân nhắc các nhân tố: (i) đánh giá một cách nghiêm túc vai trò của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện tại để có một chiến lược lựa chọn dự án phù hợp trong tương lai nhằm giảm việc sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu cũng như giảm áp lực lên cầu nhập khẩu; (ii) tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho cả ngành sản xuất sản phẩm thay thế nhập khẩu lẫn ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào; (iii) xem xét lại chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ đang không đem lại hiệu quả cao để giảm tình trạng sử dụng lãng phí và thất thoát các nguồn lực (Nhà nước cần thực hiện các chương trình hình thành các ngành công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt-may, da giày, xe máy, xe đạp, chế biến nông, lâm thuỷ sản, bao bì v.v.. Đó là những ngành có thị trường đủ lớn để hình thành công nghiệp và dịch vụ trợ giúp có hiệu quả, không như ngành ôtô có quy mô nhỏ bé trong khi có quá nhiều nhà sản xuất cạnh tranh với nhau.); (iv) không nên quá chú trọng đến việc sản xuất toàn bộ
sản phẩm hoàn chỉnh mà có thể xác định một công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam có lợi thế so sánh để đầu tư nhằm đạt đến giá trị gia tăng cao hơn; (v) lựa chọn ngành công nghiệp hỗ trợ đem lại giá trị gia tăng cao như các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.
Những chính sách đưa ra phải có tác động lan tỏa nhanh nhất, có thể là: phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ giảm được chi phí vận chuyển, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận với hàng hóa dễ hơn; định hướng phát triển cho thị trường nội địa, tạo một cơ chế cung cấp thông tin và minh bạch thông tin…
Bên cạnh đó xây dựng chiến lược đầu tư khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ; có thể có những chính sách ưu đãi đầu tư đối với những doanh nghiệp nước ngoài vào những ngành này, hoặc có thể thông qua các tổng công ty có khả năng để đầu tư xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, hấp dẫn nhằm thu hút các nguồn vốn.