Việt Nam phải đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ cải cách chính trị với cải cách kinh tế, cải cách thể chế, thực hiện cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích nhóm và đặc quyền đặc lợi. Đây cũng là cơ hội để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt quá khứ, tôn giáo, ý kiến khác nhau trên cơ sở thống nhất vì lợi ích đất nước, vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Đây cũng là cơ hội để sử dụng người tài, khắc phục các biểu hiện lệch lạc trong chính sách cán bộ, ưu tiên “con ông, cháu cha”, “quan hệ”, đưa những người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy. Đây cũng là thời điểm sàng lọc cán bộ, áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm để tiến tới có bộ máy có hiệu quả, tinh gọn, đáp ứng yêu cầu của người dân và các cam kết hội nhập quốc tế.
Giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải cải cách thể chế, bao gồm cả thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường, thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình của quan chức đối với chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư công, trách nhiệm đối với dân và doanh nghiệp, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc đối với người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ.
Cần đẩy nhanh triển khai và thực hiện hiệu quả hơn chủ trương mà đại hội XI của Đảng đã đề cập, tức là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, chủ trương tái cấu trúc các doanh nghiệp. Thời kỳ dựa vào kinh tế tài nguyên không còn phù hợp vì nguồn tài nguyên bao giờ cũng có giới hạn, nên tận dụng tài nguyên để bán thì không thể lâu dài được. Phải xây dựng một nền kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh.