- Báo chí
Từ trước tới nay, có nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra những khái niệm khác nhau về báo chí dưới những góc độ khác nhau:
“Chữ báo chí xuất phát từ chữ information có nghĩa là thông tin, thông báo, báo tin và được hiểu như việc tạo ra hình thái giúp cho sự hiểu biết của con người về thế giới xung quanh đang tồn tại bằng việc lấy hiện thực khách quan để phản ánh một cách liên tục, xuyên suốt trong quan hệ chặt chẽ giữa nhà báo - tác phẩm - công chúng” [116, tr.6].
Một số quan điểm khác thì không định nghĩa báo chí một cách riêng biệt mà gắn liền báo chí với truyền thông. Ở cách hiểu này, trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa báo chí truyền thông hiểu theo nghĩa chung nhất và trừu tượng nhất là “quá trình truyền dữ liệu giữa các đơn vị chức năng”. Trong Từ điển xã hội học do G. Endruweit và G. Trommsdorff chủ biên, định nghĩa báo chí truyền thông là “sự tạo ra mối liên hệ giữa hai đối tượng có thể mang bản chất sự sống hay không”.
Còn tác giả Trần Hữu Quang trong cuốn Xã hội học truyền thông đại chúng thì khẳng định: “Báo chí truyền thông là một quá trình truyền đạt thông tin một cách rộng rãi đến mọi người trong xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình” [112, tr.3].
Luật Báo chí nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1989, được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 5 sửa đổi, bổ sung và thông qua ngày 12 tháng 6 năm 1999, Điều 3 quy định: Báo chí nói trong luật này là báo chí Việt Nam, bao gồm: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn), báo nói (chương trình phát thanh), báo hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), báo điện tử (được thực hiện trên mạng thông tin máy tính) bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài [93].
Đến năm 2016, Luật Báo chí được bổ sung và điều chỉnh khái niệm về Báo chí như sau: Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử [95].
- Thông tin đối ngoại + Thông tin:
Thông tin, theo Philipppe Breton và Serge Proulx trong cuốn sách “Bùng nổ truyền thông”, có hai nghĩa: Thứ nhất, thông tin là nói về một hành động cụ thể để tạo ra một hình thái (frome); Thứ hai, thông tin là nói về sự truyền đạt một ý tưởng, một khái niệm hay biểu tượng. Theo quan điểm của triết học, thông tin là một hiện tượng vốn có của vật chất, là thuộc tính khách quan của thế giới vật chất, thể hiện thông qua tác động qua lại của sự vật ấy với sự vật khác. Thông tin luôn gắn với quá trình phản ánh, không có thông tin chung chung, mà thông tin là thông tin về sự vật này đối với sự vật khác. Theo Từ điển tiếng Việt thì thông tin với nghĩa là động từ là truyền tin cho nhau để biết; và với nghĩa danh từ là điều được truyền đi cho biết, tin truyền đi (ví dụ bài báo có lượng thông tin cao). Thông tin gồm nội dung thông tin và phương tiện thông báo, báo tin. Cách hiểu này phù hợp với khái niệm thông tin nêu trong phần mở đầu “Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010” ban hành kèm theo Quyết định số 219/2005/QĐ – TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ: “Thông tin được coi là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, là công cụ để điều hành, quản lý, chỉ đạo của mỗi quốc gia, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc, là nguồn cung cấp tri thức mọi mặt cho công chúng và là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong lĩnh vực báo chí, thông tin là mục tiêu và cũng là công cụ chủ yếu của nhà báo. Thông tin là mục đích chủ yếu trong hoạt động báo chí. Thông tin trở thành “cầu nối” giữa báo chí và công chúng. Căn cứ việc phân loại theo phương thức thể hiện, người ta chia thông tin báo chí thành các loại hình: Thông tin bằng chủ yếu chữ viết (báo in); thông tin chủ yếu bằng tiếng nói (phát thanh); thông tin chủ yếu bằng hình ảnh (truyền hình); thông tin trên mạng internet (đa phương tiện)...
+ Đối ngoại:
Đối ngoại là “đối với nước ngoài, cư xử, quan hệ với nước ngoài” [128, tr.345]. Là những công việc, những quan hệ và những hoạt động giữa nước này với nước khác, tổ chức chính trị - xã hội của quốc gia này với tổ chức chính trị - xã hội của quốc gia khác nhằm thực hiện những mục đích do tổ chức hay quốc gia đề ra.
Mỗi một quốc gia, dân tộc đều có đường lối đối ngoại riêng, gồm mục tiêu cơ bản, phương thức cơ bản để thực hiện mục tiêu trong giải quyết mối quan hệ với bên ngoài, nó cũng là sự kéo dài và biểu hiện của đường lối đối nội, chịu sự quy định của đối nội. Hoạt động đối ngoại nhằm phát huy cái nội lực ra bên ngoài, đồng thời lấy nguồn lực từ bên ngoài để bồi bổ, phát triển nguồn lực bên trong. Với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và những xu thế mới cùng những khả năng, phương tiện mới do nó tạo ra, hoạt động đối ngoại ngày càng trở nên quan trọng và tác dộng trực tiếp vào sự tồn tại, phát triển của một đất nước, một cộng đồng. Với các nước đang phát triển như Việt Nam rất cần thông qua hoạt động đối ngoại để tạo lập môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, hóa giải những xu thế bất lợi, đối ngược với sự phát triển, đồng thời tranh thủ xu thế mới của thời đại, những thời cơ, vận hội do cuộc Cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra, những kinh nghiệm và những nguồn lực từ bên ngoài về bảo vệ và phát triển đất nước.
Để hoạt động đối ngoại được thực hiện có hiệu quả, thì công tác thông tin đối ngoại giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đối ngoại.
+ Thông tin đối ngoại:
Thông tin đối ngoại bao gồm những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, thông tin đối ngoại là một bộ phận của công tác tư tưởng-văn hóa. Nói đến công tác tư tưởng-văn hóa, mọi người thường chỉ liên tưởng đến phạm vi quốc gia. Nhưng trên thực tế, thông tin đối ngoại là sự tiếp tục của công tác tư tưởng-văn hóa trên phạm vi quốc tế với một đối tượng khá phức tạp và đa dạng hơn. Nếu trong nước, thông tin nhằm làm cho mọi công dân quán triệt rồi triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì trên phạm vi quốc tế, thông tin đối ngoại là thông tin để các nước hiểu rõ đường lối,
chính sách của Việt Nam nói chung, chính sách đối ngoại nói riêng, giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè năm châu. Như vậy, thông tin đối ngoại thực chất là nhằm tranh thủ dư luận quốc tế, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng được xác định cho một giai đoạn nhất định. “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác thông tin và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài” [88]. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, thông tin đối ngoại cần làm rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục đường lối chính trị đổi mới toàn diện và những chính sách, biện pháp cụ thể do Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm hội nhập toàn diện và là một thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia xây dựng luật chơi trong quan hệ quốc tế [110, tr.60].
Thứ hai, thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mục đích của thông tin đối ngoại cũng là mục đích của hoạt động đối ngoại. Một mặt làm cho bạn bè cũng như các đối tác trên thế giới hiểu rõ nước mình; mặt khác, góp phần thực hiện mục tiêu cách mạng đề ra. Chỉ thị số 10/2000/CT-TTg ngày 26/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại” nêu rõ: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta nhằm làm cho các nước, người nước ngoài (bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống, công tác tại Việt Nam), người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài hiểu về đất nước, con người Việt Nam, đường lối, chủ trương, chính sách và thành tựu đổi mới của ta, trên cơ sở đó tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [29].
Dưới góc độ pháp lý, Điều 6 Nghị định 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại quy định: “Thông tin đối ngoại bao gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam và thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam” [96].
Hiểu theo nghĩa rộng, công tác thông tin đối ngoại bao gồm tất cả mọi hoạt động truyền, nhận, xử lý tin tức và giải thích các thông tin hướng tới các quốc gia, người nước ngoài (bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam) và người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước
ngoài về đất nước, con người Việt Nam, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm tạo ra sự hiểu biết và xây dựng hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam.