Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt rất cơ bản trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với việc đưa ra đường lối đổi mới, mở ra một giai đoạn mới với những chuyển biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) chỉ ra: “nhiệm vụ trên lĩnh vực đối ngoại của Đảng, Nhà nước là ra sức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới, tăng cường hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội” [43, tr.99]. Trong chính sách đối ngoại, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương "kiên trì thực hiện
chính sách đối ngoại hòa bình… ủng hộ chính sách cùng tồn tại giữa các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau” [43, tr.105]. Đồng thời mục tiêu của công tác đối ngoại cũng được xác định rõ là nhằm: “giữ gìn an ninh chính trị, làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch… tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới về hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi việc phân công và hợp tác trong Hội đồng Tương trợ kinh tế; đồng thời tranh thủ mở rộng quan hệ với các nước lớn khác” [43, tr.105].
Quan điểm đó đã thể hiện một cách rõ ràng về nhận thức mới của Đảng về tình hình thế giới và khu vực, chứng tỏ một bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc nhìn nhận thế giới dưới góc độ một vũ đài đấu tranh của thời kỳ trước Đổi mới sang “ủng hộ chính sách cùng tồn tại giữa các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau”. Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị (7- 1986) ghi nhận xu thế chuyển từ đối đầu sang đối thoại, đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình trong quan hệ quốc tế. Với những nội dung đó, Đại hội VI mở đầu quá trình đổi mới chiến lược và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, định hướng đúng đắn cho các hoạt động tuyên truyền đối ngoại trong các giai đoạn về sau.
Ngày 20/5/1988, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI ra Nghị quyết số 13-NQ/TWVề nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới, là bước ngoặt, có tính đột phá về đổi mới tư duy đối ngoại, đánh dấu sự hình thành bước đầu chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Với nhận thức mới đúng đắn, toàn diện hơn về vấn đề an ninh, bao gồm cả yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong, Đảng xác định nhiệm vụ đối ngoại chuyển từ chỗ chú trọng nhân tố chính trị-quân sự sang ưu tiên cho nhân tố kinh tế, ưu tiên giữ vững hòa bình, độc lập dân tộc, có cách tiếp cận toàn diện hơn về tình hình thế giới và khu vực. Và để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai chính sách đối ngoại “thêm bạn, bớt thù”, ra sức tranh thủ các nước anh em bầu bạn và dư luận rộng rãi trên thế giới, phân hóa hàng ngũ đối phương, làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập Việt Nam về kinh tế, chính trị, kiên quyết và chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình [44, tr.5]. Đây là quan điểm thể hiện bước chuyển có ý nghĩa chiến lược trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà
nước Việt Nam, mà còn bổ sung cơ sở cho việc đổi mới hoạt động tuyên truyền đối ngoại trong tình hình mới.
Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3/1989) của Đảng CS Việt Nam là sự phát triển tiếp theo của đổi mới tư duy đối ngoại. Hội nghị đã nhận thức nhiều vấn đề về đối ngoại cần phải giải quyết, trong đó một lần nữa tái khẳng định: đối ngoại phải chuyển từ chính trị-an ninh là chủ yếu sang chính trị-kinh tế là chủ yếu; thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; đẩy nhanh quá trình cải thiện quan hệ với các nước ASEAN; xác định lộ trình rút quân khỏi Campuchia; tiếp cận lộ trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ… Nói tóm lại, nội dung chính của công tác đối ngoại trong giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới là phá thê bị bao vây cấm vận đối với đất nước.
Trong thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã bước đầu giải quyết những vấn đề tồn đọng về Campuchia sau khi Việt Nam rút hết quân tình nguyện, xúc tiến quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, khai thông đối thoại Việt - Mỹ… Kết quả là có thêm sự đồng thuận bên trong và làm giảm bớt áp lực chống đối từ bên ngoài. Những thành tựu đối ngoại thời kỳ này đã “tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi một bước âm mưu bao vây, cô lập đối với nước ta, tăng thêm bầu bạn, nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế, mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế” [45, tr.40-41], tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.
Đại hội lần thứ VII của Đảng, tháng 6/1991, đã đánh dấu bước phát triển mới của sự nghiệp đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại. Tại Đại hội này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, xã hội khác nhau; đưa phương châm: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, “giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [49, tr.294].
Sau Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp. Tháng 11/1991, Liên Xô tan rã, hệ thống CNXH thế giới sụp đổ. Các thế lực thù địch ra sức tăng cường chống phá Việt Nam. Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của tuyên truyền đối ngoại trong việc triển khai đường lối, chính sách đối ngoại trong giai đoạn mới, ngày 13 tháng 6 năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) đã ra Chỉ thị số 11-CT/TW về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, đây là Chỉ thị đầu tiên về tuyên truyền đối ngoại, ra đời trong bối cảnh tình hình đất nước nói chung và hoạt động tuyên truyền đối ngoại nói riêng đứng trước những chuyển biến hết sức to lớn. Từ đây, thuật ngữ “thông tin đối ngoại” cũng được sử dụng lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng, thay thế cho thuật ngữ “tuyên truyền đối ngoại”1
. Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư đã chỉ ra những vấn đề chủ yếu của hoạt động thông tin đối ngoại là:
Thứ nhất, về nội dung: 1- Đường lối, chính sách và thành tựu đổi mới toàn diện của Việt Nam, những chủ trương quan trọng nhằm giải quyết một số vấn đề lớn hoặc đáng chú ý về kinh tế, chính trị, xã hội...; 2- Chính sách đối ngoại kể cả chính sách kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, những khả năng to lớn của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các nước; 3- Đất nước, con người, lịch sử và nền văn hóa lâu đời hết sức phong phú của các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; 4- Phê phán, bác bỏ những thông tin xuyên tạc, sai lệch về tình hình Việt Nam, nhất là về tình hình dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn việc truyền bá vào Việt Nam những quan điểm, tư tưởng, lối sống, văn hóa phản động, đồi trụy, kích động bạo lực.
Có thể nói những nội dung vừa nêu trên là những nhiệm vụ cơ bản của công tác thông tin đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao cho các cơ quan truyền thông báo chí, trong đó có báo Nhân dân triển khai thực hiện trong thực tiễn hoạt động của mình từ Đổi mới đến nay.
1 Tuyên truyền đối ngoại về bản chất là đồng nghĩa với hoạt động thông tin đối ngoại. Hiện nay trong các văn bản, cách nói, cách viết của Đảng và Nhà nước Việt Nam, sử dụng thuật ngữ thông tin đối ngoại do trong quan hệ quốc tế người ta ít dùng từ tuyên truyền. Thậm chí, một số thế lực thù địch còn xuyên tạc coi tuyên truyền là “của cộng sản”. Vì vậy, từ năm 1992, trong Chỉ thị 11- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã dùng thuật ngữ “thông tin đối ngoại” thay cho thuật ngữ “tuyên truyền đối ngoại”. Song chúng ta cần hiểu thông tin đối ngoại và tuyên truyền đối ngoại là một khái niệm có nội dung thống nhất.
Thứ hai, về địa bàn, thông tin sang các nước láng giềng và trong khu vực: Trung Quốc, Lào Campuchia; các nước ASEAN; Nhật Bản, Đông Bắc Á, Ấn Độ, Australia. Thông tin sang Mỹ, các nước Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu và Liên Xô (trước đây), châu Phi, châu Mỹ Latinh.
Như vậy, địa bàn thông tin trải rộng trên các khu vực, các nước trên thế giới; trong đó có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên trước hết là các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Điều này phù hợp, nhất quán với chính sách đối ngoại mà Việt Nam triển khai theo tinh thần của Đại hội VII.
Về đối tượng, hướng vào chính giới, các nhà kinh doanh, trí thức, báo chí, các tổ chức đoàn kết, hòa bình, hữu nghị phi chính phủ, các lực lượng tiến bộ. Thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Liên Xô (trước đây) và Đông Âu.
Thứ ba, về phương châm tiến hành, tùy từng địa bàn, đối tượng và yêu cầu của từng lúc mà xác định nội dung và hình thức thông tin cho thích hợp, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời, tận dụng mọi khả năng và đa dạng hóa các phương thức hợp tác quốc tế.
Thứ tư, về lực lượng, trong nước, bên cạnh các cơ quan chủ lực như VTV, TTXVN, VOV, các cơ quan báo chí, xuất bản, cần mở rộng thêm ngành du lịch, hàng không; các đoàn ra - đoàn vào ở Trung ương và địa phương; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài [51, tr.58].
Với những vấn đề quan trọng được đề cập ở trên, Chỉ thị số 11-CT/TW đặt nền tảng cho sự phát triển của hoạt động thông tin đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Xuất phát từ việc nhìn nhận người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, hoạt động thông tin đối ngoại đối với kiều bào là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong suốt tiến trình cách mạng. Trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều xác định rõ vị trí, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngay trong Chỉ thị số 22-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, đã yêu cầu “hệ thống báo chí truyền thông cần làm tốt công tác thông tin đối ngoại, giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình đất nước tranh thủ sự đồng
tình của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta” [58]. Ngày 29/11/1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ra Nghị quyết số 08-NQ/TW Về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh vai trò của hoạt động tuyên truyền đối ngoại trong việc “giúp kiều bào hiểu tình hình đất nước, phát huy khả năng góp phần xây dựng quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều hình thức phù hợp với khả năng thực tế của mỗi người, kết hợp lợi ích của mình và của đất nước” [57].