Đại hội XI của Đảng (1/2011) diễn ra trong bối cảnh hoạt động TTĐN đạt được những thành tựu quan trọng. Trên cơ sở “triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...” [54, tr.235-236], Đại hội chủ trương “tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội” [54, tr.182] và sự cần thiết phải “mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, báo chí, xuất bản” [54, tr.226].
Chủ trương của Đảng về TTĐN tại Đại hội XI thể hiện rõ một số điểm sau:
Một là, từ “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác” [54, tr.237]. Đây là một bước phát triển mới về tư duy đối ngoại, phù hợp với thế và lực của đất nước sau 25 năm đổi mới và đáp ứng tích cực yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, quốc phòng - an ninh và văn hóa - xã hội... Nói một cách khái quát nhất là Việt Nam chủ trương chủ động và tích cực hội nhập toàn diện với cộng đồng quốc tế.
Hai là, với việc hội nhập quốc tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đó đặt ra yêu cầu toàn diện trong các hoạt động TTĐN. Triển khai hoạt động TTĐN
trên lĩnh vực kinh tế vẫn là trọng tâm, song cùng với đó là các lĩnh vực khác. Như vậy, đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động TTĐN như là một tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Để đẩy mạnh hoạt động TTĐN, ngày 14/02/2012, Bộ Chính trị khóa XI ra
Kết luận số 16-KL/TW thông qua Đề án Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, xác định rõ: Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và cấp thiết của công tác đối ngoại nói chung. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu đạt được, Chiến lược dự báo, quan điểm, mục tiêu phát triển TTĐN đến năm 2020, đồng thời, khẳng định sự phát triển của tình hình trong nước và thế giới những năm tới tạo ra cho hoạt động TTĐN nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (1-2016) đã xác định nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn này là phải “đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”, xác định nhiệm vụ đối ngoại là phải “nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chấc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…” [55, tr.151-153].
Để tăng cường công tác thông tin đối ngoại, góp phần phục vụ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, ngày 19/2/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTGTW về việc hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại, trong đó nhấn mạnh công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thông tin đối ngoại nêu trong Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020"; "Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020" và Nghị định số 72/ NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, cơ chế chỉ đạo, phối hợp từ Trung ương tới địa phương; chú trọng nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo Công
tác thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Ba là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương thức tuyên truyền; tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài theo phương châm "Chính xác, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng".
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền ra thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài về đường lối, quan điểm, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam được nêu trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước; quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng; lập trường, quan điểm chính nghĩa của Việt Nam về lãnh thổ, bảo vệ độc lập chủ quyền, về vấn đề Biển Đông; nâng cao một bước hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, quảng bá phải góp phần thúc đẩy đầu tư, du lịch và tăng sức lan tỏa hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Năm là, Tăng cường tuyên truyền về hội nhập quốc tế, cung cấp kịp thời thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về thuận lợi và thách thức của việc tham gia Cộng đồng ASEAN, các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sáu là, Tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, nhất là trong vấn đề biên giới, biển, đảo, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và những vấn đề quan trọng khác.
Bảy là, Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng tài liệu, cung cấp kiến thức về thông tin, tuyên truyền đối ngoại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên trách thông tin đối ngoại của các ban, bộ, ngành, cơ quan báo chí... Tập trung vào những vấn đề thiết thực, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
Tám là, Phát huy tốt hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan thông tấn, báo chí trong triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Lựa chọn, xác định một số cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực để tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính, con người. Tận dụng tốt các kênh
song phương và đa phương để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong các vấn đề quan trọng của đất nước.
Có thể thấy, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh theo chiều sâu, mở rộng, từ chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế và vì các mục tiêu kinh tế như trong giai đoạn trước đã chuyển sang giai đoạn hội nhập toàn diện, hội nhập trên tất cả các lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh…). Sự mở rộng và tăng cường chiều sâu hội nhập quốc tế định hướng và đặt ra cho hoạt động TTĐN cũng phải chuyển biến một cách tương thích. Nhiều yếu tố như không gian, thời gian, đối tượng và địa bàn đòi hỏi TTĐN nâng tầm theo hướng chuyên nghiệp hơn, có sự chỉ đạo thống nhất và phát huy sức mạnh của tất cả các lực lượng tham gia. Do đó, Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới các hoạt động TTĐN, bám sát các mục tiêu, hỗ trợ hoàn thành các nhiệm vụ của công tác đối ngoại.
Có thể thấy, chủ trương của Đảng về TTĐN thể hiện rõ nhất trong hai văn kiện quan trọng, đó là Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X và Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020 được Bộ Chính trị, khóa XI thông qua. Đặc biệt, cùng với quá trình thể chế hóa chủ trương của Đảng về mặt Nhà nước, TTĐN được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng nhiều hơn, bổ sung vào các kế hoạch, chương trình kinh tế - xã hội và đối ngoại hằng năm.
Đặc biệt, việc hình thành Ban chỉ đạo công tác TTĐN trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội IX, đã cho thấy sự quan tâm, nhận thức và mong muốn của Đảng đối với các hoạt động TTĐN trong thời kỳ mới. Trên thực tế, nhờ sự khởi đầu này, các hoạt động TTĐN của Việt Nam được các lực lượng báo chí tiến hành ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Nhiều sản phẩm TTĐN được xây dựng, khai thác và quảng bá theo hướng bài bản, có kế hoạch và kinh phí đầu tư rõ ràng. Hiệu quả từ các hoạt động TTĐN nâng cao hơn khi tạo được sự hấp dẫn đối với bạn bè và cộng đồng quốc tế cũng như góp phần gia tăng sự hiểu biết và đánh giá cao về công cuộc đổi mới và quá trình hội nhập của Việt Nam. Sự tin tưởng của bạn bè quốc tế về sự chuyển đổi thành công của một đất nước từ trong khủng hoảng kinh tế - xã hội bước sang hội nhập quốc tế toàn diện đã được hiện thực hóa. Nhiều ý kiến hoài nghi trước đây cũng dần dần ít đi, thay vào đó là niềm tin về những bước phát
triển mới của Việt Nam trong những năm tiếp theo và những động thái tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường của một đất nước đang phát triển năng động, những đóng góp tích cực và chủ động của Việt Nam vào các công việc chung của khu vực và thế giới.
Điểm nổi bật trong quá trình Đảng lãnh đạo hoạt động TTĐN giai đoạn này là các cấp, các ngành, các đơn vị ở Trung ương và địa phương đầu tư vào xây dựng bộ máy chỉ đạo và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động này. Điều này đánh dấu bước tiến lớn, bởi chỉ có qua đây, tính thống nhất, chủ động và phát huy sức mạnh tổng hợp cả trong ngắn hạn và dài hạn của tất cả các lực lượng tham gia mới có khả năng hiện thực hóa cao nhất. Trên cơ sở đó, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoạt động TTĐN được chú trọng thường xuyên. Các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính… cụ thể nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động TTĐN trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Chính nhờ những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương sôi động thông qua nhiều diễn đàn như: Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 5 và 6), Hội nghị diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN, Hội nghị Cấp cao cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp, phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 14... đã được thông tin kịp thời, đặc biệt việc thông tin và bình luận sự kiện Việt Nam được kết nạp vào WTO, được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu cao là những sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh mới, vị thế mới của Việt Nam. Việc thông tin sâu rộng với bạn bè quốc tế về hai sự kiện nổi bật này đã góp phần vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, góp phần khẳng định sự ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn mở cửa hội nhập hiện nay. Cùng với đó, các chuyến thăm chính thức nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam cũng được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, giúp cho nhân dân trong
nước và người Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt và cập nhật được những hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước.
Sau gần 35 năm đổi mới, công tác thông tin đối ngoại có những bước phát triển mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức, đối tượng, địa bàn hoạt động, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước trên các lĩnh vực. Nhờ đường lối tuyên truyền đối ngoại đúng đắn, rộng mở, sự định hướng thông tin đối ngoại kịp thời đã đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng bị bao vây, cô lập, hạn chế có hiệu quả nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đẩy mạnh quá trình hội nhập, mở cửa của đất nước ra bên ngoài, cải thiện đáng kể hình ảnh của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.