Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền về tư tưởng và trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, là một phần không thể thiếu trong chiến lược thông tin để phục vụ lợi ích quốc gia, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của đất nước.
Do sự bùng nổ thông tin và tác động của công luận đối với việc hoạch định và thực thi chính sách, thông tin đối ngoại ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng và văn hóa trên phạm vi thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn diện, thông tin đối ngoại lại càng có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ thông tin đường lối chính sách mà còn phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần phát huy bản sắc dân tộc.
Kể từ khi Việt Nam thực hiện chiến lược đổi mới và hội nhập quốc tế, “công tác thông tin đối ngoại đã đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc
tế, làm cho thế giới hiểu rõ và hiểu đúng về Việt Nam, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [30].
Do đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam thường xuyên quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ công tác thông tin đối ngoại: Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW "Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới". Tiếp đó, ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 16-KL/TW về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020". Đây là Chiến lược đầu tiên về lĩnh vực thông tin đối ngoại, là cơ sở quan trọng để các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại một cách toàn diện, bài bản và hiệu quả.
Thông tin đối ngoại ra đời từ rất sớm và cùng với thời gian, công tác thông tin đối ngoại ngày càng được cải tiến, bổ sung những nội dung mới, phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chính sách đối ngoại của các nước, đặc biệt là khi nó trở thành một bộ phận quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng - chính trị của các nước. Công tác thông tin đối ngoại không chỉ dừng lại trong việc truyền và nhận tin tức một cách thụ động, mà còn bao hàm cả việc phân tích, đánh giá, phát biểu quan điểm và định hướng xử lý về các thông tin liên quan đến những sự kiện trong nước và quốc tế nhằm đạt tới những mục đích cụ thể về đường lối đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia.
Thông tin đối ngoại là một mảng công việc rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước, là cầu nối và phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và các nước. Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua đó hiểu đúng về đường lối đối nội và đối ngoại, về đất nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của nhà kinh doanh, tổ chức tài chính tiền tệ, Chính phủ các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại còn góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia
của các phần tử chống đối. Trong bối cảnh các lực lượng thù địch đang ra sức tuyên truyền cho các giá trị ngoại lai, bôi xấu, xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại càng đóng vai trò quan trọng hơn, nhằm đem lại cho nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế nhận thức đúng đắn nhất về chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thông tin đối ngoại là thông tin quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước Việt Nam ra thế giới và thông tin về thế giới vào Việt Nam. Thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng nhằm làm cho thế giới hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; quan điểm và lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; giới thiệu những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới; về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, dân tộc; đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam…; qua đó, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đồng thuận và đóng góp của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông tin đối ngoại còn giúp nhân dân trong nước tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân dân thế giới, góp phần cùng nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Về đối tượng thông tin đối ngoại:
- Ngoài nước: Các tổ chức, định chế quốc tế, chính giới, học giả, báo chí, nhà kinh doanh, nhân dân các nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
- Trong nước: Người nước ngoài ở Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, hãng thông tấn, báo chí, các nhà đầu tư.
Về nội dung thông tin đối ngoại:
Chỉ thị số 11/CT-TW của Ban Bí thư ngày 13 tháng 6 năm 1992, đã chỉ ra những nội dung chủ yếu của công tác thông tin đối ngoại là:
-Thông tin về đường lối, chính sách và thành tựu của đất nước. -Thông tin về chính sách đối ngoại.
-Thông tin về đất nước, con người, lịch sử và nền văn hóa lâu đời của Việt Nam.
Ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ban hành “Quy chế quản lý Nhà nước về TTĐN” nhằm phát huy được chức năng quản lý Nhà nước và tập trung quản lý thống nhất các hoạt động TTĐN. Văn bản này đã định hướng cho hoạt động TTĐN trong suốt hơn 25 năm thực hiện đổi mới đất nước. Theo đó, xét về nội dung, TTĐN tập trung vào một số nội dung chính sau:
- Thông tin về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, thành tựu của công cuộc đổi mới.
- Thông tin về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. - Giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
- Thông tin quốc tế cho nhân dân trong nước, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
- Đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc.
Yêu cầu công tác thông tin đối ngoại
Việc tổ chức hoạt động thông tin đối ngoại cần bám sát các quan điểm sau:
Thứ nhất, Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng của Đảng và là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị;
Thứ hai, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp, mọi khả năng, mọi phương tiện, mọi hình thức của các lực lượng trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Thứ ba, người Việt Nam ở nước ngoài vừa là đối tượng vừa là nguồn lực của công tác thông tin đối ngoại.
Thứ tư, phối hợp đồng bộ và gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, đa dạng hóa phương thức thực hiện hoạt động thông tin đối ngoại, thực hiện tốt phương châm “Chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp từng đối tượng”.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm về nguồn nhân lực và tài chính hiện đại hóa phương tiện, áp dụng công nghệ thông tin để mở rộng địa bàn, đối tượng, đi đôi với phát huy các phương thức, biện pháp truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại.
Thứ bảy, mọi hoạt động thông tin đối ngoại cần bám sát, phục vụ triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Mọi hoạt động thông tin đối ngoại phải tuân thủ các nguyên tắc sau: 1. Tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tuân thủ pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại.
2. Bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, uy tín, hình ảnh, quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế của Việt Nam; bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Không kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; không kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước.
4. Bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời theo đúng định hướng thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ cũng như các chương trình, kế hoạch thông tin đối ngoại đã được phê duyệt; không đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.