Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ vai trò của báo nhân dân trong công tác đối ngoại của việt nam từ năm 1986 tới nay (Trang 64 - 67)

bước đầu của công cuộc đổi mới

Đối với Việt Nam, thông tin về đường lối và chính sách là làm rõ chủ trương đổi mới toàn diện và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Thông tin đường lối đổi mới luôn gắn liền với việc quảng bá những thành tựu bước đầu đã đạt được và làm rõ quyết tâm chính trị của Việt Nam. Mô hình phát triển của Việt Nam và các bước đi cụ thể cũng là một nội dung của tuyên truyền đối ngoại.

Trong thời kỳ đầu đổi mới, báo Nhân dân là phương tiện đắc lực tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực sự trở thành phương tiện thông tin hiệu quả của Đảng và Nhà nước.

Với tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới phong cách, đổi mới tổ chức, báo Nhân dân đã phát huy đầy đủ chức năng là công cụ của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là kênh thông tin trực tiếp của Đảng và Nhà nước để chuyển tải nội dung đường lối, chính sách của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, các loại hình báo chí Việt Nam thời gian này đã tập trung đổi mới thông tin, phát huy vai trò vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng CS Việt Nam, báo Nhân dân đã đi đầu trong việc thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương mới, những nội dung cơ bản các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, VII, trọng tâm là đổi mới tư duy, nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phân tích tình hình quốc tế, bốn nguy cơ của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ.

Đặc biệt, báo Nhân dân đã phổ biến dự thảo Hiến pháp năm 1992, sau đó phản ánh hàng nghìn ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia thảo luận, và phổ biến nội dung Hiến pháp, góp phần nâng cao chất lượng văn bản Hiến pháp và mở rộng điều kiện dân chủ ở Việt Nam. Nội dung một số nghị quyết quan trọng của Đảng đã được báo Báo Nhân dân phân tích sâu sắc nhưng dễ hiểu, tính

thuyết phục cao. Có nhiều bài báo đã tuyên truyền sâu rộng, đồng thời phân tích, làm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh nhiều người, nhất là dư luận quốc tế vì thiếu thông tin về thực tiễn việt Nam nên còn nghi ngờ về con đường đổi mới đất nước của Việt Nam.

Báo Nhân dân cũng phản ánh nghị quyết của Đảng về bố trí lại cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, đổi mới công nghệ và kĩ thuật, tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn giai đoạn này là lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; về quan hệ sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất; xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện kế hoạch hóa, chuyển sang quản lý nền kinh tế bằng phương pháp kinh tế là chủ yếu. Báo Nhân dân đã đăng hàng loạt bài về mô hình làm ăn mới, những tấm gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Sự vào cuộc mạnh mẽ của báo Nhân dân đã giúp cho đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, một mặt đến được với các tầng lớp nhân dân cũng như bạn bè các nước, giúp người dân hiểu và thấm nhuần tư tưởng đổi mới, tạo nên sự đồng thuận xã hội để biến chủ trương, đường lối thành những kết quả to lớn trong thực tiễn xã hội. Mặt khác, nhân dân thế giới biết đến một Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới với sự sự năng động, thay đổi tư duy để sẵn sàng cho hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Nhân dân tập trung tuyên truyền nổi bật các quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, cụ thể là:

- Bố trí lại cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, đổi mới công nghệ và kỹ thuật, tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn là lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

- Về quan hệ sản xuất, đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể cần có những bước đi phù hợp trình độ lực lượng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của hai thành phần kinh tế trên; đồng thời có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác, khuyến khích kinh tế gia đình; thừa nhận sự tồn tại của kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ và kinh tế tư bản tư nhân.

- Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xóa bỏ tập trung bao cấp, xây dựng cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, chuyển sang quản lý nền kinh tế bằng phương pháp kinh tế là chủ yếu [9, tr.166].

Ngoài những lý luận đấu tranh về quan điểm để xây dựng tư duy kinh tế mới, còn có những bài nêu ý kiến ngắn nhưng sâu sắc qua mục Diễn đàn kinh tế.

Hầu như số báo nào cũng giới thiệu nhân tố mới sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong nông nghiệp, đồng thời với việc tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất toàn diện, trọng tâm là chương trình sản xuất lương thực-thực phẩm, báo Nhân dân đặc biệt chú trọng vào việc thay đổi cơ chế quản lý trong nông nghiệp. Bên cạnh việc phát huy những thắng lợi của Khoán 100, báo vừa tiến hành những cuộc điều tra và phản ánh trên mặt báo những hạn chế của hình thức khoán này, trước hết là nó chưa phát huy đầy đủ quyền tự chủ của đơn vị cuối cùng trong sản xuất nông nghiệp là hộ. Cuối năm 1987, đầu năm 1988, báo Nhân dân tổ chức hai cuộc hội thảo lớn do Ban biên tập Báo Nhân dân phối hợp với hai tỉnh Thái Bình và Hà Bắc về vấn đề khoán đã đưa ra những kết luận quan trọng. Cả hai cuộc hội thảo này đều đưa ra kiến nghị tiếp tục cải tiến cơ chế khoán theo hướng đảm bảo quyền tự chủ của hộ.

Từ những kiến nghị đó và từ bản thân việc khảo sát của Trung ương và các cơ quan tham mưu, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp.

Báo Nhân dân tập trung tuyên truyền đưa Nghị quyết 10 của Đảng vào cuộc sống. Ngoài những bài làm rõ nội dung của Nghị quyết 10, như xác định vai trò của kinh tế hộ, coi hộ là đơn vị sản xuất tự chủ, xác định lại vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác xã và quốc doanh, công nhận sự tồn tại lâu dài và khuyến khích kinh tế cá thể và tư nhân trong nông nghiệp. Với chuyên mục Nơi nơi thực hiện Khoán 10,

báo đã liên tục thông tin về tình hình thực hiện Khoán 10 trong cả nước.

Kết quả của Khoán 10 cùng với những thành tựu mới trong công tác thủy lợi, cải tạo giống, mở rộng diện tích đồng bằng sông Cửu Long đã đưa nền nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển toàn diện, đặc biệt là sản xuất lương thực. Sau một năm thực hiện Khoán 10, từ một nước thường xuyên phải nhập khẩu gạo, năm 1989, Việt Nam đã có gạo xuất khẩu.

Trong công nghiệp và xây dựng, báo Nhân dân tập trung tuyên truyền cho việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hướng vào các công trình trọng điểm như thủy điện sông Đà và Trị An, dầu khí Vũng Tàu - Côn Đảo… Đồng thời cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa việc đổi mới quản lý theo cơ chế mới, thực hiện tự chủ tài chính,

hạch toán kinh doanh đưa ra nhiều điển hình mới như: Công ty nhựa Bình Minh, nhựa Rạng Đông thực hiện quyền tự chủ kinh doanh (1986); Công nghiệp, niềm tin và triển vọng (1/1987); Ba biện pháp xử lý hộp đen có hiệu quả trong ngành dệt (6/1989)… [9, tr.144]

Trên lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, báo Nhân dân một mặt ủng hộ nhiệt liệt việc tôn trọng quyền tự do sáng tạo, nhưng mặt khác đấu tranh chống các khuynh hướng lệch lạc, không tán thành chủ trương “định hướng rộng” để trên thực tế, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực này.

Tháng 11/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 05 về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Nghị quyết đã góp phần nâng cao nhận thức đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Báo Nhân dân đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền cho nghị quyết đó, thông qua nhiều bài viết của nhiều cán bộ và văn nghệ sĩ.

Những cố gắng lớn của Đảng và nhân dân Việt Nam đã từng bước tạo nên những chuyển biến bước đầu đáng kể, nhưng vẫn còn dư luận cho rằng đất nước còn ở trong đường hầm không lối thoát. Nhân kết thúc năm 1988, báo Nhân dân có bài xã luận Cái nhìn 88, vạch rõ tình hình còn rất khó khăn, song đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận và khẳng định: Chúng ta không phải bế tắc trong đường hầm không lối thoát mà đã nhìn thấy lối ra và đang tiến lên trong lối ra đó [9, tr.145].

Những kết quả đạt được trong tiến trình đổi mới ở giai đoạn đầu (1986- 1995) không chỉ đưa đất nước Việt Nam vượt qua bao khó khăn do bị bao vây, cấm vận, tạo ra cơ sở nền tảng cho công cuộc xây dựng và phát triển, mà còn là minh chứng hùng hồn, sống động để dư luận quốc tế ngày càng có cái nhìn thiện cảm hơn về một Việt Nam đang vươn lên kỳ diệu. Chính báo chí Việt Nam, trong đó có báo Nhân dân đã phản ánh một cách đầy đủ, trung thực và kịp thời về thực tiễn khách quan cũng như khẳng định tính đúng đắn và sáng suốt của đường lối đổi mới của Đảng CS Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ vai trò của báo nhân dân trong công tác đối ngoại của việt nam từ năm 1986 tới nay (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)