Trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên thế giới như hiện nay, hoạt động thông tin nói chung và báo chí nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Báo chí đang thực sự có những bước đột biến, đi vào chiều sâu về cả lượng và chất. Trong những năm qua, thông tin trên báo chí Việt Nam đã góp phần quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong hơn 35 năm thực hiện chính sách và đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò hết sức quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đấu tranh phòng chống tội phạm.
Báo chí Việt Nam thực sự đã trở thành một trong những kênh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu lãng phí và suy thoái đạo đức, lối sống… Báo chí cũng đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân… Bên cạnh những vấn đề trên, báo chí Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập đã góp phần nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu đường lối, chính sách của Dảng và Nhà nước Việt Nam, giới thiệu đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo chí là công cụ, là vũ khí quan trọng trên mặt trận tư tưởng và định hướng dư luận. Trên mặt trận tư tưởng, báo chí giữ vai trò liên kết những thành viên riêng lẻ của xã hội thành một khối thống nhất dựa vào một lập trường chính trị chung, thái độ tích cực để xây dựng và cải tạo xã hội.
Ở Việt Nam, báo chí chính là “phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của Nhân dân, dùng để tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [95]. Đồng thời báo chí còn có vai trò “phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân… mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác phát triển bền vững” [95]. Chính vì lẽ đó, báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, là công cụ tham gia quản lý xã hội; công cụ giám sát cán bộ, đảng viên về đạo đức lối sống, giữ vai trò phản biện xã hội, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, có chủ đích của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.