Như đã trình bày ở trên, tình hình thế giới trong giai đoạn này có rất nhiều biến động phức tạp và sâu sắc. Bên cạnh sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu thì tại nhiều nơi trên thế giới đã xảy ra các cuộc xung đột sắc
tộc, tôn giáo, ở một số nước và khu vực trên thế giới tình hình mất ổn định chính trị diễn ra căng thẳng. Ngoài ra, trong giai đoạn này còn bùng nổ nhiều vấn đề mang tính toàn cầu cấp bách về an ninh phi truyền thống như dân số, môi trường, dịch bệnh, đói nghèo…
Trước bối cảnh mới đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã khẳng định đường lối đổi mới toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đối ngoại. Về lĩnh vực đối ngoại, Đảng CS Việt Nam chủ trương
“thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình và hữu nghị” và “mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại và hòa bình” [43, tr.105]. Đảng triển khai chính sách đối ngoại “thêm bạn, bớt thù”, ra sức tranh thủ các nước anh em bầu bạn và dư luận rộng rãi trên thế giới, phân hóa hàng ngũ đối phương, làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập Việt Nam về kinh tế, chính trị, kiên quyết và chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã cải thiện và mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối đổi mới cũng như đường lối đối ngoại, Đảng và Nhà nước đã đặt vấn đề thông tin tuyên truyền lên hàng đầu. Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), Chỉ thị số 11-CT/TW ra đời nhằm Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, trong đó có đề cập đến lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại là: “bên cạnh các cơ quan chủ lực như VTV, TTXVN, VOV, các cơ quan báo chí, xuất bản, cần mở rộng thêm ngành du lịch, hàng không; các đoàn ra - đoàn vào ở Trung ương và địa phương; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” [51, tr.58].
Nắm vững nhiệm vụ này, trong giai đoạn đầu đổi mới, báo Nhân Dân đã chủ động trên mặt trận tuyên truyền đối ngoại theo quan điểm mở cửa và hội nhập, Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Trong giai đoạn này, báo Nhân dân đã đề cập đến rất nhiều mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, thế giới cũng như các chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và các nước.
Trên mặt trận ngoại giao, nhất là khi Việt Nam chưa thể bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới, tại những cuộc gặp song phương các cấp với các nước trong khu vực cũng như các nước lớn Âu-Mỹ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn Việt Nam đã trao đổi, làm rõ thiện chí của Việt Nam trong việc thiết lập một khu vực Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Lúc này, lực lượng báo chí truyền thông đã liên tục, thường xuyên đăng tải nhiều bài viết kịp thời, phản ánh về mong muốn Việt Nam trong quan hệ với các nước để ngày càng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đây chính là sự đóng góp của báo chí vào việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, phá thế bao vây, cấm vận đối với Việt Nam trong giai đoạn đầu đổi mới. Đối với báo Nhân dân, khu vực Đông Nam Á luôn là đối tượng ưu tiên trên trang Xã luận của tờ báo này. Cụ thể là:
Báo Nhân dân số 11516 ra ngày 13/1/1986 đã giới thiệu việc ký kết các văn kiện hợp tác kinh tế, văn hóa giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia giai đoạn 1986-1990. Bài báo cho biết: “Hội nghị thường kỳ lần thứ sáu ba Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác kinh tế văn hóa của Việt Nam, Lào, Campuchia đã ký thỏa thuận về chương trình hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong thời gian 5 năm từ 1986-1990. Bản thỏa thuận xác định những mục tiêu, chương trình hợp tác giữa ba nước trong đó có các chương trình giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, phát triển các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, phát triển giao thông vận tải và các ngành giáo dục, y tế, văn hóa…”.
Với đất nước Lào, trong bài viết “Việt - Lào tình nghĩa keo sơn” báo Nhân dân số 12026 ra ngày 14/6/1987 đã nhấn mạnh: “Nhân dân hai nước Việt-Lào càng gắn bó với nhau. Chúng ta không chỉ chung biên giới mà còn chung một chiến hào, sống chết có nhau trong cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược. Tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào trở thành tài sản vô cùng quý giá giữa hai dân tộc chúng ta. Bước sang giai đoạn mới, tình đoàn kết chiến đấu đó được cụ thể bằng những hiệp ước tạo điều kiện thuận lợi mới cho nhân dân hai nước chúng ta gần gũi nhau hơn, giúp đỡ ủng hộ lẫn nhau nhiều hơn”.
Không chỉ tăng cường và củng cố khối đoàn kết ba nước Đông Dương, mà Việt Nam còn hướng tới mục tiêu gia nhập vào cộng đồng các nước Đông Nam Á. Từ thời điểm này, việc gắn kết với khu vực và gia nhập ASEAN là mục tiêu quan trọng của Việt Nam, tạo tiền đề tiếp tục hội nhập rộng hơn vào các thiết chế quốc tế khác. Tham gia ASEAN, Việt Nam từng bước củng cố vị trí, vai trò trong cộng đồng quốc tế. Các chuyến thăm lãnh đạo Việt Nam đến các nước trong khu vực và lãnh đạo các nước đến Việt Nam đã góp phần thay đổi cách nhìn, trao đổi những vấn đề còn vướng mắc, thúc đẩy hợp tác trên những vấn đề chung cùng quan tâm của các nước trong khu vực. Triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại, báo Nhân dân đã đăng tải nhiều bài viết đề cập đến các sự kiện trọng đại này, nhấn mạnh sự hợp tác và triển vọng phát triển của ASEAN khi Việt Nam là thành viên chính thức.
Một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng khác đó là việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đây là một quá trình dài hơi, rất phức tạp và đầy sóng gió. Báo Nhân dân đã bám sát theo lộ trình triển khai các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ để kịp thời cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước những thông tin chi tiết, cụ thể. Ví dụ, bắt đầu từ thời gian diễn ra Hội nghị đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (được tổ chức ở Mỹ vào ngày 13/9/1991), báo Nhân dân số 13434 ra ngày 6-9-1991 đã đưa tin về “Hội nghị đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tại Niu Oóc”. Tờ báo nhấn mạnh rằng việc “Nhà nước Việt Nam đến với cộng đồng doanh nghiệp, chính giới và dư luận Mỹ về quyết tâm của nhân dân Việt Nam tiếp tục chính sách đổi mới, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, công ty và cá nhân nước ngoài trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi và những cố gắng soạn thảo, thông qua các văn kiện luật pháp, tạo điều kiện khuyến khích và bảo đảm cho các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài”. Những thông tin mà phía Việt Nam cung cấp đem lại tín hiệu tích cực: “nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã nhấn mạnh tới nhu cầu Mỹ cần sớm bỏ cấm vận để các công ty Mỹ có thể vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh đã có nhiều công ty châu Âu, Nhật Bản và khu vực bắt đầu vào thị trường này”.
Không chỉ riêng về lĩnh vực kinh tế đối ngoại, báo Nhân dân luôn luôn công bố, đăng tải các tuyên bố của Nhà nước, Chính phủ, của Bộ Ngoại giao
về các vấn đề liên quan đến lập trường quan điểm đối ngoại của đất nước, về các vấn đề liên quan đến các sự kiện nổi bật trong đời sống quan hệ quốc tế hiện đại, về các vấn đề nóng trên thế giới, cũng như về quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực…
Bên cạnh việc thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, báo Nhân dân còn đảm trách nhiệm vụ quan trọng khác nữa là phục vụ, thông tin tuyên truyền về các đoàn đại biểu ra nước ngoài, đặc biệt là các chuyến đi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây là một thế mạnh, nét đặc trưng hoạt động quốc tế của báo Nhân dân. Đây vừa là sự tin cậy, tín nhiệm, vừa là một kênh phát ngôn chính thức của Đảng, Nhà nước. Bằng nghiệp vụ báo chí, các phóng viên đi với các đoàn sẽ thực hiện nhiệm vụ như một phát ngôn chính thức về báo chí đối với trong nước và với nước ngoài. Ngoài việc phản ánh trung thực, có định hướng tuyên truyền, phóng viên có dịp tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi với đồng nghiệp để nâng cao sự hiểu biết, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Do vị thế quan trọng, các cán bộ, phóng viên đi theo các đoàn đại biểu bao giờ cũng được lãnh đạo Báo chọn lựa kỹ càng. Phóng viên, cán bộ được cử đi, ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, còn phải thể hiện ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ giao tiếp nghiệp vụ báo chí và trình độ ngoại ngữ giỏi, phong cách ngoại giao chuyên nghiệp, phải có sự am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại, am hiểu cả tình hình quốc tế, tình hình từng nước, từng hội nghị mà đoàn đến thăm, đến dự và làm việc [10, tr.242].
Nhân chuyến thăm Liên Xô của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, báo Nhân dân số 12003 ra ngày 22/5/1987 đã có bài xã luận “Bước phát triển mới về chất của quan hệ hợp tác Việt-Xô”. Trong bài báo có đoạn viết: “Cuộc thăm hữu nghị chính thức Liên Xô của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Trong dịp này Tuyên bố chung Việt-Xô và những hiệp định đã được ký kết giữa hai bên. Đó là những biểu hiện sinh động khẳng định đây là một sự kiện trọng đại của tình hữu nghị Việt - Xô. Thành tựu có ý nghĩa bao trùm của chuyến đi thăm này l à các cuộc hội đàm và trao đổi ý kiến sâu sắc đã khẳng định sự nhất trí về quan điểm của hai đảng chúng ta đối với những vấn đề cấp bách của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chính sách quốc tế”.
Nhận định về quan hệ Việt Nam-Liên Xô, trong bài “Bước phát triển mới của tình hữu nghị và đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Liên Xô” trên báo Nhân dân, số 11933 ra ngày 12/3/1987 có đoạn viết: “Việt Nam và Liên Xô hài lòng trước sự phát triển năng động của quan hệ toàn diện Việt - Xô trong giai đoạn mới, trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn mới, cần đổi mới sự hợp tác để sử dụng có hiệu quả hơn khả năng to lớn của sự hợp tác Việt-Xô sao cho phù hợp với các nghị quyết Đại hội 27 của Đảng Cộng sản Liên Xô và nghị quyết Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Với đất nước Cuba anh em, báo Nhân dân thường xuyên dành cho nhân dân và Chính phủ Cuba những tình cảm chân thành và vô tư nhất. Tình hình Việt Nam và Cuba luôn xuất hiện trên các trang báo Nhân dân, cung cấp cho dư luận xã hội Cuba và thế giới về thực tiễn đổi mới của Việt Nam cũng như về tình hình Cuba cho nhân dân Việt Nam. Trong bài “Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Cuba phát triển tốt đẹp”, được đăng tải trên báo Nhân dân, số 12152 ra ngày 19/10/1987 có đoạn viết “hai nước thường xuyên phối hợp đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của nhân dân hai nước, vì hòa bình độc lập, hợp tác và phát triển của nhân dân thế giới. Nhân dân hai nước vui mừng trước những thành tựu to lớn trong công cuộc hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba. Đấy là kết quả của sự hợp tác trên tinh thần đồng chí, anh em giữa hai nước xã hội chủ nghĩa, giữa những người bạn chiến đấu cùng một chiến hào”.
Trong bài “Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ”, trên báo Nhân dân, số 11871 ra ngày 7/1/1987 có đoạn viết: “Tình cảm hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ có từ lâu đời. Trong những năm gần đây, Việt Nam và Ấn Độ đã có nhiều cố gắng to lớn phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu quan hệ giữa hai nước. Nó chẳng những tăng cường sức mạnh của mỗi nước mà còn tác động tích cực đối với sự nghiệp hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới”.
Đối với các nước châu Âu, báo Nhân dân cũng đã đăng tải nhiều bài viết khác nhau. Trong bài “Biểu hiện tốt đẹp của tình hữu nghị và đoàn kết chiến đấu Việt Nam - CHDC Đức” trên báo Nhân dân, số 11922 ra ngày 1/3/1987, có đoạn: “Hai bên hoàn toàn nhất trí về các vấn đề quan hệ giữa hai nước và những vấn đề quốc tế mà hai nước cùng quan tâm… Hai bên khẳng định lại tình đoàn kết, sự hợp
tác và giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội đảng của mình, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế… Với truyền thống hữu nghị và đoàn kết tốt đẹp, Việt Nam và CHDC Đức bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa các mối quan hệ nhiều mặt, nhất là phát triển sự hợp tác về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội”.
Với khu vực châu Phi, báo Nhân dân đã đăng tải nhiều bài viết, xã luận về mối quan hệ Việt Nam với các nước ở châu lục này. Cụ thể như: Bài xã luận “Bước phát triển mới của tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác Việt Nam - Ăng-gô-la” trên báo Nhân dân, số 11938, ra ngày 17/3/1987, có đoạn viết: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh những thành tựu to lớn mà nhân dân Ăng-gô-la đã đạt được. Chúng ta khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Ăng-gô-la chống âm mưu và hành động can thiệp và xâm lược của chính quyền phân biệt chủng tộc Nam Phi. Ăng-gô-la cũng chúc mừng thành công Đại hội VI Đảng cộng sản Việt Nam và tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam nhất định hoàn thành những mục tiêu kinh tế, xã hội mà đại hội đề ra, đồng thời khẳng định ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam”.
2.1.3. Tuyên truyền về đất nước, con người, lịch sử và văn hóa
Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng là một trong những nội dung của quan hệ quốc tế. Văn hóa giúp ta hiểu được cốt cách của một dân tộc và nền tảng chính sách đối ngoại của một quốc gia. Đối với Việt Nam, nội dung văn hóa lại càng quan trọng trong thông tin tuyên truyền đối ngoại vì những lẽ sau: Việt Nam có nền văn hóa lâu đời; Đất nước con người, văn hóa Việt Nam gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước; Truyền thống hòa hiếu, truyền thống văn hóa là những cơ sở của chính sách đối ngoại Việt Nam; Văn hóa Việt Nam