Bối cảnh lịch sử xã hội của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử việt nam sau 1975 (Trang 62 - 64)

6. Cấu trúc luận án

2.2.1. Bối cảnh lịch sử xã hội của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975

Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, với những thay đổi lớn của môi trường chính trị - xã hội, sự thay đổi của tâm lý, thị hiếu người đọc, văn học Việt Nam đã chuyển mình để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc. Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (1986) đã mở ra bước ngoặt, đem lại những thay đổi trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Đổi mới bắt đầu từ “đổi mới tư duy” đã giải phóng tư tưởng con người, khơi dậy những suy nghĩ, những tìm tòi, sáng tạo trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Có thể nói, đại hội Đảng lần thứ VI đã thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Nền kinh tế từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, vừa tạo ra những bước phát triển thần kỳ của nền kinh tế, vừa phơi bày ra tất cả sự phức tạp, gai góc và mặt trái của nó. Cuộc sống thay đổi không ngừng, các giá trị cũ không còn là chuẩn mực được xem xét lại, các giá trị mới đang dần hình thành. Mặt khác, sự giao lưu kinh tế và hội nhập văn hóa với thế giới ngày càng sâu rộng, cũng tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nghệ thuật.

Một trong những tiền đề quan trọng tạo nên sự “trở lại” một cách mạnh mẽ của TTLS sau 1975 chính là sự ý thức một cách đầy đủ hơn vai trò của cái “tôi”, của chủ thể sáng tạo. Đổi mới, sáng tạo là bản chất của văn học, là nhu cầu tinh thần của mỗi cây bút. Và nhu cầu ấy càng trở nên mãnh liệt khi được sự tiếp sức của Đổi mới. Suy ngẫm về quá khứ, về chặng đường đã qua để tìm một lỗi mở cho đời sống, cho văn nghệ, cho tiểu thuyết nhanh chóng trở thành nhu cầu của các nhà văn, và họ đã tìm đến TTLS như một vùng đất nhiều hứa hẹn. “Từ góc nhìn của chủ thể sáng tạo, giờ đây văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc và thời đại, cộng đồng mà trước hết là phát ngôn của mỗi cá nhân nghệ sĩ, là phương tiện tự biểu hiện bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của nhà văn về các vấn đề hôm qua và hôm nay. Nhà văn có quyền bày tỏ công khai sự thức nhận của cá nhân trước những chân lí tưởng như bất di bất dịch, nghi ngờ những tín điều, giải thiêng các thần tượng, đề xuất những chuẩn mực mới…” [74]. Nhà văn có nhu cầu nhận thức lại lịch sử, giải mã những bí ẩn, khuất lấp, hoài nghi chân lí, thụhưởng lịch sử bằng tinh thần khoa học nhân văn hiện đại. Lịch sử

không có “giá như”, nhưng lòng người lại luôn muốn có những “giá như”. Nhà văn có thể đặt ra những giả thuyết, những khả năng có thể xảy ra, những bài học cần suy ngẫm. “Lịch sử là một hiện thực đặc thù, nó tuy có thật nhưng đã thuộc về quá khứ, tuy quá khứ nhưng nó vẫn là một bộ phận của hôm nay, không thể tách rời hôm nay, hàm chứa nhiều bí ẩn của xã hội và thời đại” 140].

Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng góp phần tạo nên sự trở lại khá ngoạn mục của TTLS đó chính là nhu cầu phát triển “tự thân” của thể loại này. Như trên đã nói, TTLS Việt Nam hiện đại ít nhiều đã kế thừa được các thành tựu từ các tiểu thuyết chương hồi về lịch sử, đến giai đoạn từđầu thế kỷXX đến 1945 đã có sự bứt phá ngoạn mục, vận động theo hướng hiện đại hóa, đã có những tác giả, tác phẩm được bạn đọc yêu thích. Trong giai đoạn 1945 - 1975, cũng như nền văn học nói chung, các TTLS vận động theo hướng sử thi hóa. Cảm hứng sử thi đã tạo ra các hình tượng đẹp đẽ, các NVAH cao cả, có ý nghĩa giáo dục con người, động viên tinh thần, ý chí của họ trong hoàn cảnh chiến tranh. Tuy nhiên, các TTLS cũng phải hy sinh nhiều mặt: con người cá nhân, đời tư bị xem nhẹ, những góc khuất của lịch sử ít được quan tâm, cái nhìn lịch sử thường là một chiều. Khi chiến tranh qua đi, đối mặt với xã hội hiện đại với vô vàn những câu hỏi về cuộc sống, về nhân tình thế thái, các nhà văn lại trở lại đề tài lịch sử, tìm cách bổ sung những gì mà thể loại trước đó còn khuyết thiếu. Tiểu thuyết, với ưu thế có thể tái hiện những bức tranh hiện thực rộng lớn, có thể đi sâu khắc họa nhiều tính cách, số phận trở thành một thể loại phù hợp hơn cả để nói được nhiều điều, nhiều chiều, nhiều mặt hơn về lịch sử sử với những con người, sự kiện tưởng chừng như đã được “an bài” trong quá khứ. Và vì thếTTLS trong giai đoạn này nghiễm nhiên nhận được sự quan tâm của nhiều người cầm bút.

Một nguyên nhân nữa là từ sau 1986, cơ chế thị trường với sự chi phối của quy luật cung cầu đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nghệ thuật. Văn chương trở thành hàng hóa, xuất bản, in ấn phát triển, tiểu thuyết nước ngoài được dịch, giới thiệu nhiều, các cuộc thi tiểu thuyết diễn ra thường xuyên… đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của văn xuôi, trong đó có TTLS. Trong hai thập kỷ trở lại đây, số lượng các nhà xuất bản, số bản sách được xuất bản tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm 09/08/2010, cả nước có tới 55 nhà xuất bản. Hệ thống phát hành sách cũng phát triển mạnh mẽ

không kém. Với việc xem sách như một loại hàng hoá, các nhà làm sách đã rất chú trọng đến việc quảng bá văn hóa đọc qua các phương tiện khác nhau. Sách và tiểu thuyết không chỉ xuất bản trên giấy mà còn mở rộng thêm các hình thức khác như sách điện tử, các trang blog, website,… Việc “số hoá” tác phẩm văn chương giúp người đọc dễ dàng tiếp cận nó với một tâm thế mới. Không chỉ thị trường sách trong nước, thị trường sách văn học dịch, trong đó có tiểu thuyết cũng phong phú và đa dạng không kém. Nhiều tiểu thuyết nước ngoài, trong đó có TTLS nhanh chóng có mặt ở Việt Nam. Việcphổ biến các tác phẩm văn học dịch sẽ giúp người đọc tiếp cận nhanh hơn với các nềnvăn học trên thế giới và tạo điều kiện cho cuộc hội nhập của văn học Việt Nam…

Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể loại tiểu thuyết, trong đó có TTLS là nhu cầu, thị hiếu tiếp nhận của độc giả. Bầu không khí dân chủ bao trùm đời sống xã hội tất yếu ảnh hưởng đến tâm thế tiếp nhận của của công chúng. Người đọc trở nên cởi mở hơn, nhưng cũng khó tính hơn. Người đọc không còn tiếp nhận tác phẩm một cách thụ động mà đã trở thành những người đọc sáng tạo, đồng hành cùng nhà văn. Các trào lưu văn học hiện đại, hậu hiện đại trên thế giới du nhập nhanh chóng vào Việt Nam cũng tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiếp nhận của người đọc. Người đọc hôm nay không còn thỏa mãn với những chân lý đã định sẵn, những hiện thực đã sáo mòn. Nhu cầu bàn luận, đối thoại giữa người sáng tác và người tiếp nhận đã kích thích sự tìm tòi sáng tạo của nhà văn. Quan hệ nhà văn - người đọc là quan hệ bình đẳng, dân chủ. Có thể nói, bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa sau 1975 nhìn chung là môi trường thuận lợi, tích cực thúc đẩy sự vận động, phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết, trong đó có TTLS.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử việt nam sau 1975 (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)