Nhìn chung, ngành Sữa tại Việt Nam khá tiềm năng do (1) ngành sữa đang trong giai đoạn tăng trưởng (2) các sản phẩm từ sữa được xem như mặt hàng thiết yếu nên ít chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế (3) tăng trưởng kinh tế và độ thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu cải thiện sức khỏe và tầm vóc (4) kinh doanh sữa có lợi nhuận biên lớn và rào cản gia nhập ngành được đánh giá ở mức trung bình. Có khoảng 60 doanh nghiệp Sữa tại Việt Nam cùng cạnh tranh với nhau. Trong đó, Vinamlik và Abbott dẫn đầu thị trường, kế đến là Friesland Campina Vietnam (Dutch Lady) 15,8%, Mead Johnson 14,4%, Nestle 9,1%.
Biểu đồ 2.1: Thị phần các nhãn sữa lớn tại Việt Nam năm 2013
Trong năm 2014, mặc dù tình hình kinh doanh khá ảm đảm nhưng ngành sữa vẫn giữ được mức tăng trưởng 2 con số. Theo công ty chứng khoán VPBS, đây là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam với mức 21% năm 2014. Theo Euromonitor International, giá trị giao dịch ngành sữa Việt Nam năm 2014 đạt 75 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng trưởng 23% năm 2015. Không chỉ vậy, trong vài năm tới ngành sữa được dự báo có tiềm năng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm đến năm 2020 (Cục chăn nuôi Việt Nam), từ mức 18 lít/người/năm năm 2014. Ngành sữa đạt doanh thu 75 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD) vào năm 2014 tăng 21% so với năm 2013, là một trong số các ngành hàng phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) của ngành sữa là 15% trong giai đoạn 2010-2014.
Biểu đồ 2.2: Tăng trưởng doanh thu ngành sữa Việt Nam
(Nguồn: Euromonitor International, VPBS)
Các sản phẩm sữa tại Việt Nam
Doanh thu ngành sữa Việt Nam chủ yếu đến từ 2 phân khúc, sữa bột và sữa uống. Hai phân khúc này chiếm 74% trong thị trường sữa với 45,9 nghìn tỷ đồng (2,2 tỷ USD) (Euromonitor 2014).
Biểu đồ 2.3: Khối lượng tiêu thụ và giá trị tiêu thụ các loại sản phẩm sữa
Sữa bột: Giá trị mặt hàng này chiếm 45% thị trường sữa Việt Nam, với tốc
độ tăng trưởng bình quân 10,1% giai đoạn 2010-2013. Tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài như Abbott, Friesland Campina Vietnam và Mead Johnson chiếm phần lớn thị phần sữa bột do người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu ngoại. Doanh nghiệp nội như Vinamilk chiếm khoảng 25% thị phần.
Sữa nước: Mặt hàng sữa nước chiếm 29% giá trị toàn ngành với sự cạnh tranh
chủ yếu của 2 doanh nghiệp lớn là Vinamilk và Friesland Campina Vietnam (FCV). Theo VPBS, hiện Vinamilk chiếm 49% thị phần sữa nước, tiếp theo là FCV chiếm 26%. Ngoài 2 doanh nghiệp kỳ cựu trên, cuộc đua ngành hàng sữa nước còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp khác như TH Milk, Nutifood, IDP, Hanoi Milk, …
Sữa chua: Đây là mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới khi
tốc độ tăng đạt 34,3%, đạt 7,7 nghìn tỷ đồng năm 2013. Đồng thời về cơ cấu, sữa chua chiếm 20% so với sữa uống là 80%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới. Vinamilk là doanh nghiệp dẫn đầu về mặt hàng sữa chua, chiếm 73% thị phần, ngoài ra có sự tham gia cạnh tranh của Sữa Ba Vì, TH Milk và các thương hiệu sữa chua nước ngoài khác.
Sữa đặc: Với sự gia tăng của sữa nước và sữa bột, sữa đặc dần tới ngưỡng
bão hòa với tốc độ tăng trưởng thấp chỉ đạt 2,5% năm 2010 và 3% năm 2013. Vinamilk (chiếm 80%) và FCV tiếp tục là hai doanh nghiệp chi phối ngành hàng này với những nhãn hiệu nổi tiếng như Sữa Ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam, Cô gái Hà Lan và Completa.
Sữa đậu nành: Việt Nam là nước tiêu thụ sữa đậu nành nhiều nhất thế giới
với mức 500 triệu lít năm 2012. Trong năm 2013, tiêu thụ tiếp tục tăng 17%, cao hơn cả sữa nước và sữa bột. Tuy nhiên có ít công ty gia nhập vào thị trường này, trong đó Đường Quảng Ngãi chiếm 81,5% thị phần với hai thương hiệu Fami, Vinasoy, phần còn lại thuộc về Vinamilk (thương hiệu Goldsoy) và Tân Hiệp Phát (thương hiệu Soya Number One).
Sữa Chua: là thị trường được đánh giá là có tiềm năng lớn trong dài hạn. Tại
các nước phát triển, tỷ trọng tiêu dùng sữa chua cao hơn so với sữa uống. Chẳng hạn, tại Singapore, tỷ lệ này là 70/30, Pháp 80/20 và nước gần Việt Nam là Thái Lan cũng đạt 50/50 (theo IDP). Theo ước tính của các chuyên gia ngành sữa, tỷ lệ doanh số bán sữa chua so với sữa uống hiện chỉ đạt 20/80. Dự kiến khoảng hơn 5 năm nữa Việt Nam sẽ nâng được tỷ lệ sử dụng sữa chua so với sữa uống lên ngang bằng với Thái Lan (50/50).
Biểu đồ 2.4: Doanh số sữa chua ăn qua các năm
Nguồn nguyên liệu:
Nguồn nguyên liệu trong nước phụ thuộc vào tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước và nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Theo thống kê của Cục chăn nuôi, hiện đàn bò sữa Việt Nam chỉ mới có thể cung ứng 420.000 tấn sữa nguyên liệu, tương đương khoảng 28% tổng nhu cầu năm 2013. Chính vì vậy, năm 2014 nhiều đại gia bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa.
Xét về doanh nghiệp trong nước, 3 nguồn cung sữa lớn nhất hiện nay phải kể đến bao gồm:
- TH True Milk: hiện sở hữu 45.000 con, sản lượng đạt 400 tấn sữa tươi/ngày.
- Nutifood - Hoàng Anh Gia Lai: liên kết này được ký kết từ dự án 3 bên gồm Nutifood, Hoàng Anh Gia Lai và Vissan vào hồi tháng 6/2014. Trong đó Nutifood sẽ đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi 100% tại Gia Lai với việc sử dụng nguyên liệu là sữa tươi của trang trại bò sữa HAGL.
- Vinamilk - Đức Long Gia Lai: đầu tháng 9/2014, Vinamilk chính thức bắt tay với tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư vào trang trại bò sữa 80.000 con, 45.000 con bò thịt với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng.
Về phía các doanh nghiệp ngoại như FCV cũng tiến hành khởi công vùng chăn nuôi bò sữa tại Hà Nam vào giữa tháng 7 hay Diary Milk mong muốn đầu tư 40 triệu USD xây dựng trang trại bò sữa tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Biểu đồ 2.5: Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam
(Nguồn: Euromonitor International, VPBS)
Diễn biến giá sữa
Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các công ty sữa đều tăng giá bán các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trong đó mức tăng dao động từ 2,4 - 30,7%. Nguyên nhân giá sữa tăng do đa số các đơn vị chi quảng cáo, khuyến mại vượt quy định Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Do đó từ ngày 1/6/2014, Bộ tài chính ban hành Quyết định về áp dụng biện pháp bình ổn giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và quy định về giá trần của mặt hàng sữa trong khâu bán buôn, áp dụng đối với 25 mặt hàng sữa. Trong đó giá bán lẻ không được vượt quá 15% giá tối đa trong khâu bán buôn.
Vùng nguyên liệu:
Vinamilk phát triển hệ thống các trang trại chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. Sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả cạnh tranh hợp lý, tiệm cận giá thành sản xuất trung bình của thế giới. Hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.
Với việc thành lập Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Việt Nam, Vinamilk đã khởi động chương trình phát triển ngành chăn nuôi bò sữa. Vào tháng 07/2007, trụ sở chính Công ty được chuyển về TP.Hồ Chí Minh nhằm thuận tiện cho công tác quản lý. Trang trại Bò sữa Phú Lâm được chuyển đổi thành Chi nhánh trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Việt Nam, với tên gọi mới là Trang trại Bò sữa Tuyên Quang.
Vào tháng 04/2008, trang trại chăn nuôi Bò sữa thứ 2 của Công ty là Trang trại Bò sữa Bình Định được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Định cấp giấy phép thành lập và đi vào hoạt động. Việc trang trại chăn nuôi Bò sữa tại Bình Định đi vào hoạt động đã góp phần cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất cho các Nhà máy của Vinamilk tại khu vực miền Trung. Đến 09/2009, sự kiện Trang trại Bò sữa Nghệ An khánh thành và đưa vào hoạt động đã được báo chí và các cơ quan truyền thông đánh giá là trang trại hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á về quy mô và công nghệ, với tổng số vốn mà Vinamilk đầu tư ban đầu là hơn 100 tỷ đồng.
Tháng 07/2010, Vinamilk mua lại toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Sữa Lam Sơn, trong đó có Trang trại Bò sữa Sao Vàng. Sau đó Vinamilk đã bàn giao trang trại này cho Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Việt Nam tiếp nhận quản lý. Vào tháng 08/2010, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép hoạt động và chính thức đổi tên trang trại này thành trang trại Bò sữa Thanh Hóa. Đến tháng 04/2012, trang trại Bò sữa Lâm Đồng đã hoàn tất công tác xây dựng chuồng trại và nhập bò về chăn nuôi. Đây là trang trại chăn nuôi bò sữa thứ 5 của Công ty được đưa vào hoạt động.
Tháng 12/2013, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy phép hoạt động cho Trang trại Bò sữa Tây Ninh, trang trại có quy mô 8.000 con bò sữa được đặt tại huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh)
Trong năm 2014 và giai đoạn tiếp theo, Công ty tiếp tục triển khai các dự án trang trại mới như Trang trại Bò sữa Hà Tĩnh (quy mô 2.000 con) tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Dự án Trang trại Bò sữa Thanh Hóa 2 (quy mô 2.000 con) tại
huyện Như Thanh , tỉnh Thanh Hóa; và Dự án Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa có quy mô 16.000 con được xây dựng trên diện tích gần 2.500 ha tại huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay tất cả Hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò sữa được Công ty đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại nhất của thế giới. Như: hệ thống mái được áp dụng công nghệ chống nóng bằng tôn lạnh với lớp nguyên liệu cách nhiệt; hệ thống cào phân tự động; hệ thống máng uống tự động; hệ thống quạt làm mát trong chuồng. Các ô nằm nghỉ cho đàn bò được lót bằng đệm cao su nhập từ Thụy Điển, đảm bảo chân móng của chúng luôn sạch sẽ và không bị nhiễm bệnh. Các ô chuồng và nơi nằm nghỉ của đàn bò được trang bị hệ thống chổi gãi ngứa tự động. Mỗi con bò được đeo một con chíp điện tử dưới cổ để nhận dạng qua hệ thống Alpro hiện đại do Delaval cung cấp. Những chíp điện tử này giúp kiểm tra lượng sữa chính xác của từng con và phát hiện được bò động dục và bò bệnh để các Bác sỹ thú y điều trị kịp thời.
Toàn bộ thức ăn cho đàn bò sữa được phối trộn theo phương pháp TMR (Total mixing rotation). Khẩu phần trộn tổng hợp gồm: cỏ tươi hoặc ủ, rỉ mật, khô đậu tương,… nhằm đảm bảo giàu dinh dưỡng, cho sữa nhiều và chất lượng cao. Ngoài ra, mỗi con bò sữa đều được tắm mỗi ngày một lần và được dạo sân chơi thư giãn. Trong quá trình vắt sữa, bò được nghe nhạc hòa tấu êm dịu.
Có hệ thống xử lý nước thải hiện đại và hệ thống ép phân tự động có tác dụng bảo vệ môi trường nên môi trường sống bên trong cũng như ngoài trang trại luôn được thông thoáng, an toàn. Toàn bộ phân khô sau khi được sấy ép sẽ được chuyển về hệ thống nhà kho lưu trữ. Nước thải sẽ được xử lý sinh học thông qua hồ lắng và được sử dụng tưới cho đồng cỏ.