Thơ từ 1975 đến trước 1986: dò tìm sự thay đổi

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ thơ việt nam từ sau 1986 dưới góc nhìn thể loại (Trang 32 - 34)

7. Cấu trúc luận án

1.2.4.Thơ từ 1975 đến trước 1986: dò tìm sự thay đổi

Sau năm 1975, đất nước bước ra khỏi thống nhất thu về một mối, lực lượng văn chương cũng có những thay đổi đáng kể. Ở dòng thơ cách mạng, bên cạnh lớp nhà thơ trẻ chống Mỹ giờ đã trở thành những cây bút chủ lực trong lực lượng viết chuyên nghiệp, xuất hiện một thế hệ “trẻ” khác, đó là lớp những cây bút thời hậu chiến. Lực lượng viết trẻ này có thơ in đều đặn trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương và họ hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới cho thơ ca giai đoạn Việt Nam giai đoạn này: Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Y Phương, Trần Quang Đạo,

Nguyễn Hữu Quý, Trương Nam Hương, Mai Văn Phấn, Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Đoàn Minh Tuấn, Lê Minh Quốc, Nguyễn Ngọc Phú, Hải Đường, Mai Linh, Ngô Tự Lập, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Inrasara, Dương Thuấn, Nguyễn Bình Phương, Mai Quỳnh Nam, Lê Thị Mây,… Có thể nói, những gương mặt mới này đều có ưu điểm là viết nhanh và khỏe, không ít người trong số họ đã nhận được sự yêu mến của độc giả ngay từ những tác phẩm đầu tay. Cũng những tên tuổi này đã trở thành lực lượng nòng cốt ở giai đoạn sau. Đặc điểm của lớp thơ trẻ này là dồi dào cảm xúc tươi trẻ. Một số nhà thơ viết về cuộc chiến mà họ đã trải qua, một số khác viết về quê hương đất nước với cảm hứng anh hùng ca, nhưng nổi bật, họ viết về tình yêu đôi lứa. Thơ tình mang tính chất riêng tư được những người viết trẻ khai thác khá phong phú và đa dạng trên nhiều phương diện.

Có thể nói, trên công cuộc hiện đại hoá văn học, thơ ca giai đoạn 1975 - 1986 đang “dò tìm” cả ở phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Về các khuynh hướng,một bộ phận vẫn tiếp mạch sử thi, song, sự thể hiện có phần điềm tĩnh hơn, vẫn tôn vinh sâu sắc các giá trị cao cả như: chủ nghĩa yêu nước, tinh thần hi sinh xả thân vì độc lập, tự do..., song, còn nhìn nhận ra cái giá của độc lập tự do, của hòa bình thống nhất. Bên cạnh cái “hùng”, thơ còn viết về cái “bi” trong nỗi đau cá nhân. Cái tôi sử thi của thế hệ sáng tác sau 1975 đã có sự nhòe mờ giữa cái chúng ta và cái tôi cá nhân. Các nhà thơ thế hệ sáng tác sau 1975 thường thể hiện chủ thể trữ tình ở ngôi thứ nhất. Họ ít dùng ngôi thứ ba với định danh “chúng tôi” mà thường dùng “bạn bè”, “đồng đội”, hoặc dùng một cách xưng hô thương mến là “mình”, thậm chí có lúc bỗ bã thân thiện với cách gọi “mày” “tao” mà các thế hệ thơ trước đó ít dùng:

- Đã ở đây lâu và rất lâu

Lên biên giới sống chết thành đồng đội

(Nguyễn Thành Phong)

- Mình gói đất này về thành phố thắp hương

(Trần Anh Thái)

- Tao mày róc rách ở đâu đây

Chính cách dùng ngôi nhân xưng uyển chuyển nên các nhà thơ thế hệ sáng tác sau 1975 đã làm nhòe mờ cái chúng ta để dần chuyển đến cái tôi cá nhân từ giai đoạn thơ từ sau 1986 đến nay. Đây là sự khác nhau cơ bản giữa khuynh hướng sử thi của thơ thế hệ thơ sáng tác sau 1975 với thơ các thế hệ trước.

Ngoài những thay đổi tâm thế của chủ thể trữ tình, các nhà thơ cũng đã ý thức khi đặt vấn đề thay đổi hình thức thể loại của thơ và nhu cầu này đã trở nên cấp bách như sự sống còn của thơ:

Kìa dưới rừng người ta đã hát bài hát khác theo mùa xuân mới

Những vào rừng chặt cây trúc mới,

tìm ngọn gió xuân, anh không còn đủ sức nữa rồi Anh lấy cây sáo cũ của mình ra soi thêm lỗ May ra bài hát anh cũng hát được giữa đêm chơi

(Soi lỗ - Chế Lan Viên, Di cảo thơ) Chế Lan Viên đã dùng hình ảnh biểu tượng “cây sáo” và chuyện “soi thêm lỗ” cho cây sáo để lý luận về đổi mới thơ. Việc nhân vật trữ tình - Anh tự nhận “không còn đủ sức” đi tìm “nguyên liệu” để tạo nên “bài hát mới” nên đành lấy phương tiện - cây sáo cũ và làm mới bằng cách “soi thêm lỗ” với hi vọng sẽ tạo nên âm thanh mới và “bài hát” sẽ vẫn “chơi được” giữa cuộc chơi. Đó là ý thức đầy trách nhiệm của người nghệ sỹ ngôn từ trước ngòi bút, trước công chúng độc giả.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ thơ việt nam từ sau 1986 dưới góc nhìn thể loại (Trang 32 - 34)