7. Cấu trúc luận án
4.1.3. Hình tượng thơ được kiến tạo bởi cảm giác tâm linh, ẩn ức
Hình tượng thơ được kiến tạo bởi cảm giác tâm linh, ẩn ức cũng là một trong những lý do khiến cấu trúc bài thơ trở nên “lỏng lẻo”. Càng ngày người ta càng nhận thức được rằng, thế giới bên trong tâm hồn mỗi con người vô cùng phong phú và bí ẩn. Mỗi con người chính là một tiểu vũ trụ, nhà thơ Éptusencô từng nói rất hay
về thế giới tinh thần bên trong của cá nhân con người: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ? Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu? Đặc biệt và bí mật nhất trong thế giới tinh thần của con người chính là phần tâm linh, ẩn ức. Những năm gần đây, xu hướng tiếp cận và diễn tả thế giới tâm linh, ẩn ức của con người trở nên có sức hấp dẫn, khi con người cá nhân - cá thể được tôn trọng và quan tâm.
Có những cây bút dường như chọn cách kiến tạo này để tạo nên cá tính riêng, như Đoàn Văn Mật trong tập Bóng người trước mặt chẳng hạn. Cả tập thơ, tác giả luôn dùng cảm giác tâm linh để cảm nhận thế giới xung quanh. Ở bài Tự Xuân và bài Trừ tịch, tác giả dùng cảm giác tâm linh để xây dựng hình tượng về thời khắc “thiêng” của không gian và thời gian khi khởi đầu năm mới, mùa mới:Ngồi như đêm tối/ chờ lá non ra đời (…)/ Bóng người trước mặt/ dường xuân càng bước càng xa/ chợt thấy cỏ xanh hỉ nộ/ đã in nhiều dấu chân qua (Tự xuân); Bước ra khỏi chiêm bao/ đôi vòi rồng cuốn mưa về ngõ cũ/ giữa gió lạnh vây chùng châu thổ/ người đi bóng đổ mơ hồ (Trừ tịch)… Tác giả cảm giác về một thế giới vi tế, vô hình đang vận động xung quanh, điều mà các giác quan thông thường không thể nhận biết: trong bóng tối, những lá non ra đời, cỏ xanh đang “hỉ nộ”, những bóng người mơ hồ, nhiều dấu chân qua… Trong bài Chợ Chùa, tác giả nhìn những mặt hàng bày bán ở phiên chợ “cầu may” mà cảm giác về những nghịch lý mang chiều sâu tâm linh: “Chúng ta cầu gì?” khi những con bò bị chọc tiết, xẻ thịt bày bán, những giống cây tắm vòi kích thích, những cổ tượng chờ qua tay đổi vận… Như có “ai đang hỏi trong đêm…”, những câu hỏi xoáy thực tế trớ trêu. Bài Ngày cưới cũng có nhiều hình tượng, hình ảnh xuất hiện trong cảm giác: thiên thần mọc cánh, tiếng thì thầm thoang thoảng như mưa, ban mai toàn mộng, con đường nở sáng... Một thế giới của ảo giác, tưởng tượng, những cảm xúc, cảm giác bất chợt xuất hiện lan man trong tâm tưởng, cảm xúc ngày cưới. Là cảm xúc và cảm giác nên khó có thể nắm bắt, xâu chuỗi các hình ảnh, hình tượng. Mỗi hình ảnh, hình tượng đi theo ngả rẽ khác nhau, gợi về những xúc cảm, suy tưởng khác nhau, chỉ khi đặt trong hệ thống chung toàn bài mới thấy chúng đang diễn tả cảm xúc mang chiều sâu tâm linh về những điều huyền bí không thể diễn tả cụ thể được.
Cũng là tác giả theo thiên hướng diễn đạt cảm giác tâm linh, Vi Thùy Linh lại ngả theo hướng ẩn ức. Cây bút nữ này táo bạo tái hiện ẩn ức khát vọng tính dục giữa tuổi thanh xuân nồng nàn: Em nghe thấy nhịp cách êm ái ân/ Gió làn gió thổi sương thao thác/ Đêm run theo tiếng nấc/ Về đi Anh (Người dệt tầm gai). Hình tượng dệt tầm gai và người dệt tầm gai là biểu tượng ẩn ý về việc kiếm tìm và gìn giữ hạnh phúc lứa đôi, gia đình. Hạnh phúc là sự đan dệt cần mẫn từng ngày và sợi dệt nên hạnh phúc không phải là những sợi tơ mượt mà óng ánh mà là sợi tầm gai có thể làm tay ứa máu. Nhưng chủ thể trữ tình ở đây vẫn dấn thân “dệt tầm gai” với khao khát mãnh liệt về hạnh phúc. Vi Thùy Linh còn có hẳn tập thơ Khát bộc lộ nhiều cung bậc của ẩn ức khát khao hạnh phúc, khát sống, khát yêu, khát tìm tòi, dâng hiến: Cắn giập cuống chiều/ Bốn bề gió thốc/ Nắng đen mặt người/ Đất như ngừng thở/ Khóc người mệnh bạc/ Em vẫn tìm Anh/ Tìm trong bóng đêm/ Tìm ngày rát nắng/ Hơi thở cũng lạnh/… Anh thì hư vô/ Em quên tất cả/ quên cả tên mình/ quên cả tuổi mình (Nhật thực). Có thể nhận thấy cảm xúc tuy táo bạo nhưng vẫn có nét bối rối; vồ vập nhưng cũng thật yếu đuối, nữ tính của chủ thể trữ tình. Vì vậy, kết cấu hình tượng thơ không liền mạch mà luôn bị phân tán, bị chia tách bởi những suy nghĩ và xúc cảm đến bất ngờ.
Thơ Hoàng Cầm, sau 1986 có lẽ tiêu biểu nhất cho kiểu xây dựng hình tượng thơ bằng cảm xúc linh cảm và ẩn ức. Thế giới trong Mưa Thuận Thành
gồm nhiều mảng khác nhau nhưng có điểm chung là đều được cảm nhận bằng trực giác tâm linh của một tâm hồn nhạy cảm, mong manh và vô cùng thính nhạy: Nhớ mưa Thuận Thành/ long lanh mắt ướt/ là mưa ái phi/ tơ tằm óng chuốt/ Ngón tay trắng nuột/ nâng bồng Thiên Thai/(…)/ Phủ Chúa mưa lơi/ Cung Vua mưa chơi/ lên ngôi hoàng hậu/… Lách qua cửa hẹp/ Mưa càng chứa chan/… /mưa nằm lẳng lặng/ hỏi gì xin thưa/ nhớ lụa mưa lùa/ sồi non yếm tơ
(Mưa Thuận Thành). Mưa hóa thân thành mắt, thành ái phi, thành hoàng hậu, thành ngón tay trắng nuột, thành lụa, thành yếm sồi non… Đó là cảm xúc linh giác, những hình ảnh khác nhau xuất hiện theo sự thay đổi của cảm xúc linh giác. “Mưa” biến hóa liên tục, bất ngờ theo trạng thái cảm xúc của tác giả. Tác giả không diễn tả mưa mà diễn tả cảm giác khoái cảm mà mưa đem lại. Như vậy,
hình tượng mưa mang màu sắc chủ quan, là sản phẩm cảm xúc linh giác của chủ thể trữ tình. Và như đã thấy hình tượng được gợi ra từ xúc cảm linh giác chứ không phụ thuộc vào lý trí, vì vậy, đầy ngẫu hứng, bất ngờ.
Trong thơ Hoàng Cầm không gian và thời gian đều không xác định, chỉ thấy mê, say, vĩnh hằng, hư vô, luân hồi… và nhạt nhòa trong những mưa, đêm. “Đêm” để thơ vụt hiện (thời gian viết), vừa là thời gian nghệ thuật: Đêm Thổ, Đêm Kim, Đêm Thủy, Đêm Hỏa, Đêm Mộc. Và “Mưa”, mưa khắp không gian, mưa suốt thời gian, ngập tràn tâm tưởng. Ẩn trong không gian và thời gian ấy là niềm hoài vọng, khát khao, chấp chới, mờ mịt, cô đơn như mong giải thoát cái buồn đau hiện hữu để được trong muôn thuở vô thường, là sự kiếm tìm trong vô vọng: Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời/…ới Diêu bông! (Lá diêu bông); Ù ù gió thổi/ Em vọng ai đâu mà hóa đá. (Cỏ bồng thi); Em mười hai tuổi tìm theo chị/ Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa/ Đi…/ Ngày tháng lụi/ tìm không thấy (Quả vườn ổi). Hoàng Cầm cứ một mình lặng lẽ, âm thầm đi Vào đường mê, bồng bềnh, ngẩn ngơ trong những ảo giác, những đam mê trong thánh thiện. Những bài như:
Cây tam cúc, Lá diêu bông, Theo đuổi, Về với ta, Chùa hương... cũng như vậy, đằng sau những hình tượng có vẻ rời rạc là những câu chuyện cũng có vẻ rời rạc với những mạch liên tưởng khó nắm bắt, lắt léo, đột ngột nhảy cóc, cho thấy một lối thơ phi lôgic về kết cấu nhưng chính sự bất khả nắm bắt ấy lại phản ánh thực tiễn phong phú, sinh động trong thế giới nội tâm con người. Trong thế giới ấy, có muôn vàn đường ngang ngõ tắt của cảm xúc và suy tư được chỉ dẫn một cách ảo diệu bởi cảm xúc của tác giả mà người đọc chỉ có thể phán đoán bằng cảm xúc linh cảm của chính mình.
Cách tổ chức hình tượng theo những ám ảnh, cảm giác tâm linh, ẩn ức, dĩ nhiên, luôn gắn bó tự nhiên và chặt chẽ với mạch liên tưởng và tưởng tượng. Hệ quả là cấu trúc bài thơ nhiều khi trở nên hỗn độn, ngẫu hứng, miên man trong câu chữ. Các hình ảnh “mắc díu” nhau, cuốn theo dòng chảy tâm linh không chủ đích và thật khó “cắt” ra những câu hay, chữ “đắt” để bình giảng cụ thể. Song bù lại, chính điều này lại có khả năng tạo ra một trường thẩm mĩ đặc biệt, đầy mông lung, mơ hồ, như được thẩm thấu và rọi chiếu bởi một thứ ánh sáng nội tâm huyền hoặc. Thơ do vậy, bên cạnh tính duy lý, sáng tỏ, còn có một sắc thái thẩm mĩ khác, sâu kín và bí
ẩn. Hướng vào phản ánh cảm xúc tâm linh, ẩn ức, kết cấu hình tượng thơ trở nên huyền ảo, đa nghĩa và giàu sức gợi.