Khẳng định văn hóa dân tộc trên hành trình hội nhập

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ thơ việt nam từ sau 1986 dưới góc nhìn thể loại (Trang 55 - 58)

7. Cấu trúc luận án

2.1.2.2. Khẳng định văn hóa dân tộc trên hành trình hội nhập

Chủ trương đổi mới đất nước, hội nhập toàn diện với thế giới khiến “văn hóa” - một trong ba mặt trận chính (kinh tế, chính trị văn hóa) của công cuộc đổi mới không thể đi sau. Song, đây cũng là lĩnh vực “nhạy cảm”. “Văn hóa” - bản thân nó vừa mang yếu tố “nhân loại”, vừa mang yếu tố “dân tộc” lại vừa chứa

đựng yếu tố cá nhân bởi là sản phẩm của con người. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) tháng 7 năm 1998, đã ra Nghị quyết chuyên đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, có thể nói đây là định hướng mới mẻ trong quan điểm chỉ đạo văn hóa văn nghệ của Đảng trong thời kỳ mới. Cuối năm 1987, cuộc gặp của nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ sỹ và chủ trương “cởi trói” cho văn nghệ đã tạo nên bầu không khí cởi mở, dân chủ trong đời sống văn nghệ. Gần như ngay lập tức đời sống văn hóa văn nghệ cả nước trở nên sôi nổi, tươi mới. Các cây bút đều muốn làm mới ngòi bút và muốn được tham dự vào công cuộc đổi mới hội nhập với văn học thế giới. Không phải ngẫu nhiên, những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 hàng loạt những tác phẩm mới mẻ xuất hiện. Có những tác phẩm vừa trình làng đã tạo nên “địa chấn” với sự tiếp nhận của những luồng ý kiến trái chiều (đầu tiên phải kể đến bài ký Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc,

Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp và một loạt truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu). Liên tiếp trên các diễn đàn văn học “nổ” ra những cuộc trao đổi, tranh luận về những tín hiệu mới trong đời sống văn chương. Các cuộc bàn tròn, hội thảo về tác phẩm, về nhà văn với những quan điểm nói thẳng, nói thật được tổ chức. Cùng một tác phẩm, người khen khen hết lời song người chê cũng phủ nhận sạch trơn (Những ý kiến trong Hội thảo bàn tròn về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu hoặc về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp). Những bài tiểu luận mang tính “kích hoạt” thúc đẩy đổi mới văn học, như: Hoàng Ngọc Hiến viết “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, Nguyễn Minh Châu viết “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” v.v…

Trong địa hạt thơ, sự vận động đổi mới cũng diễn ra vô cùng sôi nổi. Trước hết, là thái độ khước từ những trói buộc, những trọng trách một thời thơ phải gánh vác, lo toan (Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền - Sóng Hồng) sang quan niệm: thơ là trò chơi nhưng là “chơi thật”, “chơi nghiêm túc” (Lê Đạt); Chơi chuyên nghiệp chứ không phải “chơi đùa”, “không được chơi ẩu” (Phan Thị Vàng Anh). Quan niệm thơ là trò chơi chữ nghĩa này bộc lộ quan điểm đề cao tự do sáng tạo đồng thời nhấn

mạnh tính giải trí của thơ. Nhu cầu giải trí cũng là một phương diện của nhu cầu cá nhân và là nền tảng của cá tính sáng tạo. Quan niệm này đã cấp cho thơ những phẩm chất mới: sự phóng khoáng, tự do, đối lập với tính hàn lâm, trang trọng mực thước của thơ truyền thống, cũng tạo nên tính ngẫu hứng, sự lôi cuốn, bất ngờ, nó gợi ra những khía cạnh mới trong mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc. Từ vị thế người chiến sỹ, nhà thiên sứ, nhà thơ trở về với đời thường: nhà thơ “cơm bụi”, nhà thơ “thảo dân”, người “chơi thơ”. Chân dung thi sỹ mỗi thời mỗi khác, khác ở cái thần thái tác phong, khác ở tinh thần thi sĩ. Nếu ở thời kì 1930 - 1945, chân dung tự họa của các nhà thơ đều nhấn vào tính đa cảm, mơ mộng, giàu tưởng tượng:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

(Cảm xúc - Xuân Diệu)

Đến những năm kháng chiến vệ quốc, thi sỹ hiện lên với đầy đủ tự tin, mạnh mẽ, hào hùng với tư thế sử thi, người cải tạo xã hội:

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy

Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.

(Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên) Từ sau 1986, các nhà thơ trở về trong vẻ đời thường, thi sĩ không còn được chiêm ngưỡng từ xa, trên cao hay mơ màng trong sương khói mà hiện hữu trước ống kính hiện thực, lúc mộc mạc chân thành, khi nghiêm trang tha thiết, song có khi lại lấm láp trần tục và không thiếu khi xuất hiện ở tư thế trào lộng, chua chát bởi những loanh quanh bất lực, những bối rối, bế tắc khi phải “đối phó”với cuộc sống “cơm áo gạo tiền”, với những bất công được chứng kiến.

Có thể nói nhu cầu làm mới văn học nói chung, thơ nói riêng đã được thúc đẩy bởi môi trường xã hội và văn hóa đổi mới. Đó là tiến trình không thể đảo ngược, bởi nó phù hợp với quy luật vận động tự nhiên. Điều đó cũng cho thấy sức sống bền vững của một dân tộc đồng nghĩa với việc sáng suốt tìm đường đi cho sự vận động của văn hóa. Văn học trong đó có thơ - nền tảng của văn hóaluôn là lực lượng xung kích đi tiên phong và làm trụ cột cho sự vận động của nền văn học ấy tiến về phía trước.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ thơ việt nam từ sau 1986 dưới góc nhìn thể loại (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w