Thể lục bát được “lạ hóa”

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ thơ việt nam từ sau 1986 dưới góc nhìn thể loại (Trang 92 - 98)

7. Cấu trúc luận án

3.1.1.1.Thể lục bát được “lạ hóa”

Thể lục bát, thể thơ dân tộc cùng “tuổi” với ca dao, tục ngữ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc hàng nghìn năm qua. Dễ hiểu tại sao lục bát luôn hiện diện trong đời sống văn chương dân tộc. Trong xu hướng hội nhập thế giới, lục bát nghiễm nhiên trở thành thể thơ “quốc hồn quốc túy” trong sân chơi văn hóa - văn chương. Nhiều cây bút trổ tài nghệ điêu luyện ở thể thơ này. Nhiều cuộc thi thơ lục bát được mở ra trên các báo, tạp chí. Các nhà thơ cũng tự tuyển cho mình tập lục bát riêng, các vùng/ miền, nhóm tác giả cũng làm tuyển lục bát… Tuy nhiên, sự trở lại này dưới góc nhìn thể loại có hai xu hướng sau: thứ nhất, phỏng lại lục

bát truyền thống ở cả cấu tứ lẫn cấu trúc thể loại; thứ hai, tìm cách “lạ hóa” cấu trúc hình thức thể thơ.

Trong cuốn Tìm hiểu thơ, nhà nghiên cứu Mã Giang Lân cho rằng: “Thơ lục bát là thể tổ hợp giữa câu sáu và câu tám. Số câu trong thơ lục bát không cố định, ít thì hai câu thành một cặp (thường gặp trong ca dao, tục ngữ) chủ yếu mỗi bài bốn câu và nhiều câu. Ở những bài nhiều câu, cách phân chia khổ thơ cũng rất linh hoạt” [95; tr. 69]. Trong Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán,… chủ biên) diễn giải về thể thơ này: “Một thể câu thơ cách luật mà các thể thức được tập trung thể hiện trong một khổ gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục)và dòng 8 tiếng (câu bát)” [50; tr.162]. Một bài thơ lục bát có thể dài ngắn tùy thích nhưng ít nhất phải có một cặp (lục bát) và bao giờ cũng kết thúc ở câu bát. Về thể thức cấu trúc vần - nhịp của lục bát như sau: gieo vần chủ yếu của lục bát là vừa gieo vần chân vừa gieo vần lưng. Âm tiết cuối của dòng sáu tiếng hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng tám tiếng theo từng cặp. Âm tiết cuối của dòng tám tiếng lại hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng sáu tiếng nối tiếp. Cứ thế luân chuyển như vậy cho đến hết bài (vần cuối dòng gọi là vần chân, vần ở giữa dòng gọi là vần lưng). Lục bát thường ngắt nhịp chẵn 2/4 hoặc 3/3. Cách ngắt nhịp này tạo nên hơi thơ uyển chuyển, nhịp nhàng rất hợp với diễn tả xúc cảm trữ tình. Cách dừng ngắt cơ bản của lục bát truyền thống theo dòng thơ:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? **

Thấy anh em cũng muốn theo Em sợ anh nghèo anh bán em đi Lấy anh em biết ăn gì

Lộc sắn thì chát lộc si thì già.

(Ca dao)

Xu hướng “phỏng” lại lục bát truyền thống mà luận án nói tới chính là thiên về cấu tứ của ca dao và cấu trúc thể loại theo tổ chức vần điệu của lục bát xưa. Xu hướng này hấp dẫn không ít tên tuổi và nhiều người đã thành công: Lê Đình Cánh, Đồng Đức Bốn, Trương Nam Hương v.v…

Áo nâu còn thẫm mưa phùn Còn hoai vị cỏ, sực bùn lúa non

(Mẹ ra Hà Nội - Lê Đình Cánh)

Tháng mười khi lúa gặt xong

Còn trơ chân rạ với đồng - đồng ơi! Lúa đi để lại tháng mười

Và cơn gió thổi rỗng trời ở trên!...

(Từ những dấu chân người - Trương Nam Hương)

Bếp nhà ai đốt nùn rơm

Tàu lăn qua ngọn khói thơm quê nghèo Khói lan xanh cả ruộng bèo

Con cò mở cánh dập dìu muốn bay.

(Lục bát ngày mưa - Phạm Ngọc Cảnh)

Chăn trâu đốt lửa trên đồng Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

(Chăn trâu đốt lửa - Đồng Đức Bốn)

Giấc mơ giăng kín thinh không

Hạt mưa ngái ngủ ngã chồng lên nhau. Cảnh chim vừa liệng dao cau

Dòng sông đã ngậm bã trầu phù sa.

(Ba lần lục bát - Mai Văn Phấn)

Mùa đông rụng lá ưu phiền

Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong? Biết là nỗi nhớ bằng không

Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm

(Tôi ra cửa biển - Hải Kỳ) v.v….

Chẳng ai bảo ai, song, cứ làm lục bát theo nhịp chẵn du dương, lục bát của ca dao xưa thì y như rằng cảm hứng thơ đồng loạt cũng hướng về “thế giới xưa”: cánh đồng, rạ rơm, gió đồng, cánh cò, bến nước, mẹ và bà tảo tần lam lũ v.v… Đó là thế giới của nền nông nghiệp lúa nước, nghèo mà bình yên, đơn sơ mà đằm thắm nghĩa tình. Câu thơ sáu tám trầm bổng như những nốt nhạc đã tạo nên độ ngân trong lòng người đọc. Chính vì thế thể thơ này là phương tiện đắc lực nhất để diễn tả những cung bậc cảm xúc trữ tình để miêu tả chân dung những người thân yêu, để vẽ nên những bức tranh nên thơ về cuộc sống…

Với những ai đã từng sống và đang sống ở nông thôn, đã từng ngửi mùi của rơm tươi vụ thu hoạch, ngắm nhìn những cánh đồng trơ gốc rạ trong chiều đông hoang hoải, ăn củ khoai nướng ngọt thơm… chắc hẳn khi đọc những câu thơ trên không khỏi nghẹn ngào. Pautôpxki nói, đại ý: Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, đã mất sạch tính chất hình tượng với chúng ta thì trong thơ ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và toả hương. Thể thơ lục bát truyền thống, viết với cấu trúc quen thuộc, hiệp vần theo nhịp chẵn và hài thanh đối xứng nhịp nhàng vẫn có sức hút lớn trong tình cảm và tâm thức người Việt, một đất nước nông nghiệp và có lối sống văn hóa trọng tình. Với thơ lục bát truyền thống, mỗi dòng thơ thường đồng nhất với câu thơ, người đọc thường nghỉ lấy hơi cuối dòng. Các dòng thơ chảy liền một mạch, mỗi dòng một nội dung/ ý gọn gàng.

Vẫn dùng lục bát nhưng đã tìm cách “lạ hóa” thể thơ này ở cấu trúc thể loại và đi liền với hình thức được làm cho “lạ” đi, nhất là làm “lạ” tiết tấu nhịp của lục bát, từ nhịp chẵn sang nhịp lẻ hoặc phối xen cả hai dạng thức đó một cách phóng túng, đa dạng. Thêm nữa, cảm xúc cũng hướng tới những đối tượng không còn quen thuộc như xưa, thậm chí rất hiện đại. Có điều, nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy, hóa ra, sự đổi mới chỉ ở lớp vỏ hình thức, bản chất nguyên tắc của cấu trúc thể loại vẫn không đổi. Khổ lục bát dưới đây ngoài cách dừng theo nhịp chẵn, còn có thể dừng theo nhịp lẻ như sau:

Cái hôm/ em/ ở/ với chồng, Ðể ai hoá/ đá/ bên sông/ đợi đò. Cái đêm/ hôm ấy gió/ mùa,

Tơ nhện giăng/ đến/ cổng chùa/ thì/ tan.

Khổ lục bát trên còn có thể dừng ngắt theo cách khác nữa và mỗi lần dừng ngắt mang đến những cảm xúc khác nhau, với tâm trạng khác nhau.

Mai Bá Ấn cấu trúc bài lục bát khá lạ:

trăng

hoang thai giữa mây trời đẻ ra

ánh sáng rạng ngời muôn sao hoa

hoang thai trên cành cao đẻ ra

trái quả ngọt ngào môi em

(Hoang thai)

Cả câu lục và câu bát đều bị bẻ dòng, câu lục bẻ một từ, câu bát bẻ hai từ, nhìn vào cứ ngỡ cấu trúc thơ văn xuôi hay bậc thang, nhưng đọc lên, là nhịp lục bát chuẩn cả về vần và nhịp.

Chỉ hai câu nhưng Nguyễn Thế Hoàng Linh vẫn tạo ra một bài thơ lục bát nhờ cấu trúc lạ này:

Chim

bay trong nắng huy hoàng Trong mây lộng lẫy bỗng Đoàng c h i m r ơ i (Chim)

Nếu đọc theo cấu trúc trên sẽ không thấy lục bát đâu nữa, nhưng nếu đọc trọn chữ thì vẫn là lục bát truyền thống.

Nguyễn Duy có thể xem là tay chơi “có hạng” trong cuộc chơi cách tân này, không chỉ vì Nguyễn Duy viết lục bát cách tân sớm (bài Tre Việt Nam viết từ những năm 70) mà còn rất tiêu biểu. Lục bát Nguyễn Duy không mấy khi mênh mông dàn trải, thông thường là sự kết hợp giữa nhịp lẻ - lẻ - chẵn, hoặc lẻ - chẵn - lẻ hoặc lẻ - lẻ nên đọc thơ ông nhiều khi ngừng nghỉ bất ngờ và có cảm giác như câu thơ bị cắt đến nát vụn. Nhưng thực chất, mỗi vế lại là một mệnh đề tương đối độc lập có quan hệ lôgic với nhau:

Đàn kêu tang tảng tàng tang

Nàng chơi đẹp xúc phạm chàng xấu chơi Ngứa nghề hát ngọng ghẹo thôi

Người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau (Xẩm ngọng)

Nếu đọc theo luật bằng trắc thì dòng sáu của câu thứ nhất sẽ ngắt thành: Đàn kêu tang/ tảng/ tàng tang (3/1/2), nhưng vì từ láy “tang tảng” cần đi liền nhau nên phải đọc thành: Đàn kêu tang tảng/ tàng tang (4/2) hoặc: Đàn kêu tang/ tảng tàng tang (3/3), vẫn thành nhịp chẵn và vẫn cân đối, nhịp nhàng. Dòng tám có nhịp ngắt là 3/2/3, trong đó vế đầu và vế cuối là những cặp tiểu đối được nối với nhau bởi vế giữa 2/2 (xúc phạm), với sự sắp xếp ấy, câu thơ vẫn mang dáng vẻ cân đối, hài hoà. Sử dụng từ láy hoặc cụm từ chặt chẽ về nghĩa (nên buộc phải đọc lướt, bẻ nhịp), Nguyễn Duy “phá luật” bằng trắc của lục bát một cách điệu nghệ, tài tình. Tuy nhiên, ông vẫn giữ được nhịp cân đối, hài hòa, uyển chuyển của lục bát cổ điển.

Mặt trời/ vẫn mọc/ đằng đông

Lăng minh quân/ vẫn dựng trong/ lòng người Bao triều vua/ phế đi rồi

Người yêu nước/ chẳng mất ngôi/ bao giờ (Tưởng niệm)

Điểm dừng trong lục bát Nguyễn Duy không còn là điểm dừng ngữ pháp hay vần mà là điểm nhấn trong dòng cảm xúc, nhịp chỉ ngăn câu chữ tạm thời mà tác giả cố tình dựng nên để mạch ngữ lưu dồn sức tuôn trào:

Chợt/ rơi lại một nụ cười

Và …/ sương rười rượi một trời phía sau (Bất chợt)

Xanh xanh đỏ đỏ bừng bừng

Tứng từng tưng/ tửng từng tưng/ đã đời (Cung văn)

Yêu cùng ai/ ghét giùm ai Để cơm áo/ vẹo hai vai em gầy

(Xin đừng buồn em nhé)

Lục bát Nguyễn Duy có thể coi là đại diện cho xu hướng “lạ hóa” lục bát, ông đã đổi mới thể thơ này từ thi liệu, vần và cả nhịp, tạo nên kiểu dáng lục bát “tân thời” tinh nghịch. Mạch thơ không chỉ bị ngừng bởi luật bằng trắc phá cách mà còn bị dừng bởi các dấu, khiến nhịp thơ không còn uyển chuyển, du dương như lục bát truyền thống mà tạo nên nhịp “trúc trắc”, gập ghềnh. Câu thơ không thiên về biểu đạt cảm xúc mà thiên về biểu đạt tư duy nhận thức, lý tính.

Sau 1986, thơ lục bát xuất hiện với diện mạo vừa duyên dáng quen thuộc vừa trẻ trung mới lạ. Trong không khí hội nhập văn hóa, người ta nhận ra, văn hóa của mỗi dân tộc chính là những đặc sắc riêng biệt thể hiện tính cách, tâm hồn của con người ở mỗi vùng đất. Với những cây bút lớn, ngay lập tức nhận ra lợi thế của lục bát và họ đã khai thác những đặc tính ưu việt của nó và làm mới thể thơ một cách linh hoạt và đầy sáng tạo.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ thơ việt nam từ sau 1986 dưới góc nhìn thể loại (Trang 92 - 98)