7. Cấu trúc luận án
4.3. Xu thế thay đổi vần bằng nhịp điệu
“Vần” là “một phương diện tổ chức văn bản thơ dựa trên cơ sở lặp lại không hoàn toàn các tiếng ở những vị trí nhất định của dòng thơ nhằm tạo nên tính hài hòa và liên kết của dòng thơ và giữa các dòng thơ” [50; tr. 362]. Câu thơ (nếu đồng nhất với dòng thơ) có hai vị trí gieo vần, gieo ở cuối dòng gọi là vần “chân” (cước vận), gieo ở giữa câu (dòng) gọi là vần lưng hay vần “lưng” (yêu vận). Nếu căn cứ vào mức độ hòa âm thì có vần chính và vần thông (vần phụ). Vần chính thường được gieo trước và quán xuyến âm hưởng của cả bài, vần thông là vần phụ họa thêm, thường có âm na ná vần chính. Theo quan niệm của thơ truyền thống, vần là một trong những sự khác biệt dễ thấy nhất khi phân biệt câu thơ với câu văn xuôi. Nhìn chung, trên thế giới thơ nước nào cũng có vần. Tuy nhiên, do đặc trưng ngôn ngữ, vần thơ ở mỗi quốc gia, dân tộc sẽ có những khác nhau. Với những thể thơ có niêm luật thường có cấu trúc vần ổn định. Thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, lục bát vần được tạo ra ở cuối câu hoặc giữa câu.
“Nhịp điệu” cũng là “phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật trong văn học dựa trên sự lặp lại có tính chu kỳ, cách quãng hoặc luân phiên (…) của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, môtíp… nhằm thể hiện cảm nhận thẩm mỹ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất
của văn bản nghệ thuật” [50; tr. 205]. Với thể loại thơ, “nhịp” được tạo nên bởi vần luật, với văn xuôi, “nhịp” được hình thành bởi tổ chức lời văn, câu văn, cấu trúc chương, hồi, đoạn văn hoặc gần đây người ta còn nói tới “nhịp điệu hình tượng”.
Như vậy, nếu “vần” là phương diện tổ chức đặc thù của thơ thì “nhịp điệu” có ở cả thơ và văn xuôi. Văn xuôi không có vần nhưng vẫn cần “nhịp”, bởi “nhịp” tạo nên sự vận động, đem lại sức sống cho câu văn, mạch văn.
Xu hướng thơ không vần đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, những thập kỷ đầu của thế kỷ XX ở Nga với trường phái thơ bậc thang mà đại diện tiêu biểu là Maiacôpxki, ở phương Tây là Uytman với tập Lá cỏ nổi tiếng. Thơ không vần cũng đã được khởi xướng ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước với cây bút tiên phong Nguyễn Đình Thi. Tuy nhiên, sự khởi xướng ấy đã không nhận được sự ủng hộ bởi mục tiêu cần làm thơ có vần để “dễ nhớ, dễ thuộc” nhằm phục vụ tuyên truyền cho đường lối, nhiệm vụ kháng chiến. Tuy nhiên, như một nhà triết học đã nói, cái gì tồn tại thì nó hợp lý, thơ không vần đang dần trở nên chiếm lĩnh và nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Từ đầu thế kỷ XXI, thơ không vần xuất hiện ngày càng nhiều, nếu không muốn nói là chủ yếu. “Vần” đôi khi chỉ còn là “trang sức” (từ dùng của Mã Giang Lân), không còn là yêu cầu và thuộc tính của thơ. Nhịp điệu giờ trở thành sự sống còn của thơ. Văn xuôi cũng cần nhịp điệu, song không quá bắt buộc, những áng văn xuôi giàu nhịp điệu thường được đánh giá là trữ tình hoặc “văn xuôi giàu chất thơ”.
Luận án sẽ khảo sát một số cách thức “tạo nhịp” gắn với ba loại hình thể loại thơ để thấy, xu hướng cách tân thơ thường tìm đến phương diện quan trọng nhất của thơ là “vần” để tạo sự đột phá đổi mới.