Có thể xem xét đặc điểm của tác phẩm văn chương trong chương trình
lớp 5 theo các thể loại sau:
Về thể loại thơ: Chương trình tập đọc lớp 5 có 17 bài ở thể loại thơ
(chiếm 27,4%) và đa phần là những bài thơ, đoạn thơ ngắn gọn, dễ thuộc có nội dung gần gũi xoay quanh 10 chủ đề. Ngôn ngữ trong các tác phẩm thơ tươi vui, trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu, giàu tính nghệ thuật và có giá trị biểu cảm. Cách ngắt nhịp thơ cũng như cách hiệp vần và thanh điệu trong các bài thơ đều có sức hấp dẫn HS. Đặc biệt, trong chương trình, các em được tìm hiểu các đoạn, bài thơ ở nhiều thể loại đa dạng như thể thơ tự do
(Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà, Ê-mi-li, con…), thể thơ bốn chữ (Hạt
gạo làng ta, Sắc màu em yêu,…) hay thể thơ năm chữ (Trước cổng trời, Cao
Bằng,…), thơ lục bát (Hành trình của bầy ong…)… Mỗi bài thơ đều mang
tính giáo dục và sức lan tỏa sâu sắc, hướng người đọc đến cái đẹp, cái thi vị của cuộc sống nhờ ngôn ngữ thơ giàu giá trị biểu cảm. Vì vậy, việc hình thành cho các em niềm đam mê với các tác phẩm thơ sẽ góp phần bồi dưỡng cho các em tình yêu thơ ca, giúp tâm hồn các em luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện và bồi dưỡng khả năng tưởng tượng cho các em ngày càng thêm phong phú.
Về thể loại văn xuôi: Các tác phầm văn xuôi chiếm số lượng phần lớn
với 42 bài (67,7%). Các văn bản ở thể loại văn xuôi khá phong phú như hồi
ký (Công việc đầu tiên), hay tiểu thuyết nước ngoài (Lớp học trên đường),
nhiều trích đoạn trong những truyện kể lịch sử hấp dẫn (Phân xử tài tình, Trí
dũng song toàn,…).... Mỗi bài tập đọc ở thể loại văn xuôi đều có kích thước
vừa phải, không quá dài, nội dung cũng sắp xếp theo 10 chủ đề của chương trình, ngôn ngữ trong các tác phẩm nhìn chung dễ hiểu, gắn liền với cuộc sống của các em và giàu tính biểu cảm, tính nghệ thuật, vì vậy rất phù hợp với lứa tuổi HS cuối cấp tiểu học. Đặc biệt, có những tác phẩm là những câu chuyện kể giàu cảm xúc, nội dung cuốn hút (Một vụ đắm tàu, Tiếng rao
đêm…). Nhiều bài tập đọc là những bài văn miêu tả đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, vừa để HS rèn kĩ năng đọc văn bản, vừa để phục vụ cho phân môn Tập làm văn, Kể chuyện (Quang cảnh làng mạc ngày mùa, Kì diệu rừng xanh,
Mùa thảo quả,…).
Ngoài ra chương trình còn có các bài đọc thuộc thể loại kịch (Người
công dân số Một, Lòng dân) tuy số lượng không nhiều (chiếm 3,2%), nhưng
các trích đoạn kịch lại hấp dẫn từ cảnh trí, nhân vật đến lời thoại. Nội dung kịch gần gũi, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc sâu sắc. Hơn nữa, mỗi bài đọc HS có cơ hội được thể hiện sở thích sắm vai các nhân vật trong vở kịch.
Các tác phẩm văn chương xuyên suốt chương trình là những bức tranh muôn màu, muôn vẻ có nội dung tập trung mở rộng cho HS vốn hiểu biết về thiên nhiên, về cuộc sống của con người, về phong tục tập quán, về truyền thống, kinh nghiệm sống…