Nguyên tắc đề xuất biện pháp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tạo hứng thú văn chương cho học sinh lớp 5 qua phân môn tập đọc (Trang 37 - 39)

2.1.1. Bám sát mục tiêu chương trình dạy tiếng Việt và phân môn Tập đọc ở

tiểu học

Mục tiêu chương trình dạy tiếng Việt và phân môn Tập đọc ở tiểu học nhằm hình thành và phát triển ở HS các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết); cung cấp cho HS những kiến thức sơ giản về tiếng Việt và những hiểu biết sơ giản về xã hội, tự nhiên và con người, văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài; bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyên tắc bám sát mục tiêu chương trình dạy tiếng Việt và phân môn Tập đọc ở tiểu học đòi hỏi việc bồi dưỡng HS phải đạt được mục tiêu quan trọng nhất của môn tiếng Việt là trang bị cho HS một công cụ giao tiếp bằng tiếng Việt và phát triển cho các em kĩ năng giao tiếp.

Nguyên tắc bám sát mục tiêu chương trình tiếng Việt và phân môn Tập đọc ở tiểu học cũng đòi hỏi việc bồi dưỡng hứng thú văn chương cho HS qua phân môn Tập đọc nhằm giúp các em có những hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ văn học, phát triển cho các em năng lực tư duy văn học và tiếng Việt, đồng thời vận dụng, thực hành được các kĩ năng tiếng Việt mà mục tiêu chương trình dạy tiếng Việt ở tiểu học đã đề ra. Qua đó, khơi dậy cho các em hứng thú với nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm văn học và niềm đam mê, yêu thích các áng văn chương, chứ hoàn toàn không dạy thêm kiến thức mới hay

những nội dung dạy học ở lớp trên. Mặt khác, nguyên tắc này cũng chú trọng đến tính toàn diện của chương trình, đòi hỏi việc bồi dưỡng hứng thú văn chương cho HS phải tránh kiểu dạy tủ, học tủ chỉ để đi thi, đi “đấu chọi”.

2.1.2. Dạy học tiếng Việt dựa vào đặc điểm tâm lí và trình độ tiếng mẹ đẻ của học sinh

Nguyên tắc này đảm bảo việc dạy học tiếng Việt phải chú ý đến đặc điểm tâm lí của HS tiểu học, đặc biệt sự khác biệt về đặc điểm tâm lí giữa HS lớp 1, 2, 3 và học sinh lớp 4, 5. Đó là sự thay đổi quan trọng từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang hoạt động học tập.

Việc dạy học tiếng Việt phải dựa trên sự hiểu biết chắc chắn về trình độ tiếng mẹ đẻ vốn có của HS. HS tiểu học là đối tượng còn khá nhỏ nên mặc dù các em đã có một vốn hiểu biết về tiếng Việt nhất định nhưng trình độ nhận thức nói chung, trình độ tiếng Việt và văn chương nói riêng còn thấp. Do đó, khi bồi dưỡng hứng thú văn chương cho các em phải lựa chọn nội dung và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với trình độ nhận thức ở lứa tuổi các em. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có một chiến lược dạy học nhấn mạnh vào mặt thành công của HS và bảo đảm sự thành công của các em trong quá trình dạy học.

2.1.3. Dạy học nhằm phát huy tính tích cực và năng lực của học sinh

2.1.3.1. Dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh

Nguyên tắc này đòi hỏi việc tổ chức dạy học tiếng Việt phải lấy người học làm trung tâm, GV có vai trò là người tổ chức, hướng dẫn giúp HS tự mình chiếm lĩnh kiến thức và hình thành, phát triển được những kĩ năng cần thiết.

Nguyên tắc này đòi hỏi mối quan hệ tương tác tối ưu giữa những người tổ chức hoạt động dạy học và lao động sáng tạo, tự giác, tích cực của HS. Trong quá trình học tập, HS sẽ nhận thức được những mục đích chung của

học tập và những nhiệm vụ trong các hoạt động học tập, sẽ có thái độ học tập tự giác và làm việc với niềm hứng thú.

2.1.3.2. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh

Mỗi một con người dù ít hay nhiều cũng đều tiềm ẩn bên trong những năng lực vốn có nhất định, có thể là năng lực tự học, năng lực giao tiếp, hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề hay năng lực ngôn ngữ,… Vì vậy, nguyên tắc dạy học theo hướng phát triển năng lực nghĩa là người GV cần phải có định hướng về thiết kế, xây dựng kế hoạch bài học nhằm khai thác, đánh thức những năng lực còn đang tiềm ẩn bên trong mỗi HS, giúp các em có cơ hội phát huy hết năng lực của mình nhằm hình thành những phẩm chất tốt đẹp cho các em. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn

hiện nay, khi chương trình GDPT mới đã và đang thực hiện theo lộ trình ở

bậc Tiểu học thì nguyên tắc dạy học này lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm góp phần giáo dục con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tạo hứng thú văn chương cho học sinh lớp 5 qua phân môn tập đọc (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)