Theo mục tiêu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Toán đảm bảo yêu cầu phân hóa "Đối với tất cả các cấp học, môn Toán quán triệt tinh thần dạy học theo hướng cá thể hóa người học trên cơ sở đảm bảo đa số học sinh (trên tất cả các vùng miền của cả nước) đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình; đồng thời chú trọng đến các đối tượng chuyên biệt (học sinh giỏi, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn..." [19, tr.5]
Để đảm bảo nguyên tắc của sự phân hóa đối tượng ta phải hiểu được phân hóa là gì? Và dạy học phân hóa là như thế nào?
Phân hóa là một hoạt động mà ở đó cần phân loại và chia các đối tượng từ đó tổ chức, vận dụng các nội dung, phương pháp và hình thức cho phù hợp với đối tượng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Theo Tomlinson, dạy học phân hoá là "sắp xếp" những gì diễn ra trên lớp để HS có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình cách chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng và thái độ diễn đạt những gì mà họ học được; nghĩa là dạy học phân hoá sẽ cung cấp cho HS những con đường khác nhau để lĩnh hội nội dung dạy học. Thông qua đó, HS đạt hiệu quả học tập cao hơn.
Dạy học phân hóa là GV sẽ tổ chức hoạt động cho HS theo tùy đối tượng, nhằm đảm bảo yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, khả năng, nhu cầu, hứng thú của từng HS nhằm phát huy tối đa những năng lực, khả năng vốn có của HS.
Vì sao trong dạy học lại phải phân hóa đối tượng?
- Thứ nhất, mỗi HS là một cá nhân có những năng lực, nhận thức, điều kiện và hoàn cảnh học tập khác nhau, không ai giống ai nên khi dạy học GV cần trang bị cho HS những kiến thức phổ thông cốt lõi đồng thời giúp HS phát huy năng lực cá nhân .
- Thứ hai, phân hóa đối tượng sẽ giúp phân luồng tốt được HS đáp ứng được yêu cầu phân công lao động xã hội.
Dạy học phân hóa như thế nào?
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 "tích hợp cao ở các lớp học dưới, và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn" Chương trình GDPT mới thể hiện yêu cầu phân hóa trên hai bình diện lớn.
Phân hóa trong (vi mô) tiếp tục được quán triệt ở tất cả các cấp, lớp học, tất cả các môn học/hoạt động giáo dục. Để thực hiện hướng phân hóa này, việc thiết kế yêu cầu cần đạt (chuẩn) của chương trình và đặc biệt cách biên soạn sách giáo khoa cần chú ý đến các yêu cầu mức độ khác nhau của cùng một vấn đề/đề tài. Ngoài ra để phân hóa trong có hiệu quả cần đề cao phương pháp dạy học của giáo viên và cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Phân hóa ngoài (vĩ mô) được thể hiện ở các cấp theo hai hình thức:
- Thứ nhất: Xây dựng môn học theo các học phần (mô-đun) và các chủ đề khác nhau để học sinh tự chọn cho phù hợp với năng lực bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường
- Thứ hai: Phân hóa bằng dạy học tự chọn ở trung học phổ thông (giai đoạn định hướng nghề nghiệp) theo hướng, học sinh học một số môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm; còn lại sẽ được tự chọn trong 3 nhóm môn (mỗi nhóm ít nhất 1 môn) gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, tin học, Nghệ thuật)
Đối với phần hình học có nội dung thực tế thì việc dạy học phân hóa đối tượng rất quan trọng và được quán triệt trong dạy học, nó góp phần phân chia đối tượng HS phù hợp với năng lực cá nhân và nhu cầu phân công lao động trong xã hội.