GV và tính tích cực, tự giác, tính sáng tạo độc lập của HS
Để đảm bảo mục tiêu đổi mới và phát triển NLGQVĐ trong quá trình dạy học cần phải đảm bảo mối quan hệ thống nhất giữa vai trò định hướng của giáo viên và tính tích cực, tự giác của HS. Theo định hướng về phương pháp giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018
Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển [18, tr.32]
Tính tích cực của HS được hiểu là HS chủ động, có thái độ nghiêm túc, biểu hiện sự tương tác của HS với GV, của HS với HS trong quá trình học tập, nghiên cứu thể hiện sự nỗ lực của hoạt động trí tuệ, sự huy động ở mức cao các chức năng tâm lí (như hứng thú, chú ý, ý chí...) nhằm đạt được mục đích đặt ra với mức độ cao nhất. Để phát huy tính tích cực của HS, giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực sau:
- Phương pháp dạy học theo nhóm: HS trong một lớp được chia thành các nhóm nhỏ, trong khoảng thời gian giới hạn mỗi nhóm tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công hợp tác làm việc. Kết quả của nhóm sẽ được một bạn trong nhóm trình bày và đánh giá trước lớp.
- Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình: GV sử dụng một câu chuyện có thật hoặc chuyện được viết trên những trường hợp xảy ra trong cuộc sống thực tiễn để chứng minh cho một vấn đề hoặc một số vấn đề. Nghiên cứu trường hợp điển hình có thể được thực hiện trên video, không phải văn bản viết
- Phương pháp GQVĐ: GV đặt ra cho HS các vấn đề chứa đựng mâu thuẫn giữa cái chưa biết và các đã biết, tạo cho HS chủ động và có nhu cầu giải quyết vấn đề đó.
- Phương pháp đóng vai: Tổ chức cho HS làm thử một tình huống giả định, giúp HS suy nghĩ về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà HS và thực hiện hoặc quan sát được, từ đó thảo luận, đưa ra ý kiến và dẫn đến thống nhất.
- Phương pháp trò chơi: Tổ chức cho HS tìm hiểu về một vấn đề, hay thể nghiệm những hành động, việc làm thông qua một trò chơi.
- Phương pháp dạy học theo dự án: GV cho HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn thực tiễn, kết hợp lý thuyết với thực hành, thường được thực hành theo nhóm. Sản phẩm có thể là bài thu hoạch, có thể sử dụng công bố giới thiệu.
- Phương pháp bàn tay nặn bột: Dựa trên các thí nghiệm, nghiên cứu, điều tra, HS tìm ra những câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống. Phương pháp tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của HS.
- Phương pháp dạy học theo góc: Tổ chức hoạt động học mà người học thực hiện các nhiệm vụ khác nhau tại vị trí cụ thể của không gian lớp học, đáp ứng nhiều phong cách khác nhau.
Tính tự giác của HS là một hình thức rèn luyện có chọn lọc, tạo nên thói quen tích cực trong cách nghĩ, cách hành động, nhằm mục đích nâng cao bản thân hướng tới thành công. Đó là quá trình nỗ lực không ngừng, tự khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Tính tự giác không phải tự nhiên mà có mà nó cần được rèn luyện từ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Tính tự giác trong học tập được hình thành từ thói quen tốt trong học tập như sử dụng giờ giấc, sắp xếp thời gian biểu khoa học, biết có trách nhiệm với công việc, ý chí muốn đạt được kết quả cao.
HS tự giác học tập được thể hiện nghiên cứu bài học trước và sau khi lên lớp, tham gia tích cực các hoạt động ngoại, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, đúng hẹn trong các hoạt động.
Tính sáng tạo độc lập của HS được hiểu là sự độc lập trong giải quyết vấn đề, tìm tòi và giải quyết được cái mới khi chưa được học, chưa được biết đến nó nhưng vẫn đạt kết quả cao. Sáng tạo được thể hiện thông qua 4 mức độ của nhận thức: Biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao (sáng tạo) được thể hiện:
• HS dám mạnh dạn đề xuất cái mới. • Biết tìm ra vấn đề, tự giải quyết.
• Biết trả lời nhanh chính xác câu hỏi của giáo viên. Biết phát hiện vấn đề mấu chốt, cốt lõi, phát hiện vấn đề một cách nhanh chóng.
• Biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy sáng tạo và phán đoán để đưa ra kết quả chính xác.
• Biết linh hoạt trong các tình huống và phương án giải quyết.
• Biết vận dụng kiến thức khoa học để giải quyết thực tế và ngược lại vận dụng thực tế để giải quyết vấn đề khoa học.
Để đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò định hướng của GV và tính tích cực, tự giác và độc lập sáng tạo của HS trong quá trình dạy học cần phải quan tâm đúng mức đến việc giáo dục cho người học ý thức đầy đủ và sâu sắc mục đích và nhiệm vụ học tập bộ môn Toán nói chung và phần hình học nói riêng để HS xác định đúng động cơ và thái độ học tập. GV sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, nêu và giải quyết vấn đề, khuyến khích HS trình bày ý kiến, ý tưởng thắc mắc, phát triển khả năng phán đoán, tác phong độc lập suy nghĩ. GV phối hợp nhiều hình thức tổ chức học tập cho HS tạo sự hứng thú cho tiết học. Hình thành cho người học những thao tác tư duy, những hành động thực hành, tạo điều kiện cho HS có cơ hội thể hiện khả năng hoạt động sáng tạo trong quá trình học tập. Khuyến khích động viên kết hợp tính tự giác, tích cực học tập và độc lập sáng tạo của HS để giải quyết vấn đề nảy sinh trong hoạt động học tập.