Chương 5: Mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng
CUỘC KHỦNG HOẢNG VÔ HIỆU HÓA
Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, Jackson đã buộc phải đối đầu với bang Nam Carolina - tiểu bang quan trọng nhất trong tất cả các bang trồng bông đang nổi lên ở viễn Nam - về vấn đề biểu thuế bảo hộ. Những giới doanh thương và nông nghiệp ở bang này vẫn hy vọng Jackson sẽ sử dụng quyền lực tổng thống của mình để sửa đổi các luật thuế ban hành năm 1828 mà họ gọi là Đạo luật Ghê tởm. Theo quan điểm của họ thì tất cả các lợi ích của việc bảo hộ đều rơi vào túi các nhà sản xuất miền Bắc và trong khi cả nước giàu lên thì riêng bang Nam Carolina lại nghèo đi. Năm 1828, chính trị gia hàng đầu của tiểu bang - đồng thời cũng là Phó Tổng thống của Jackson cho đến khi ông từ chức vào năm 1832 - John C. Calhoun đã tuyên bố tại cuộc đấu xảo và biểu tình ở Nam Carolina rằng các bang có quyền vô hiệu hóa đạo luật mang tính đàn áp của chính quyền liên bang.
Năm 1832, Quốc hội đã thông qua và Jackson ký dự luật giảm mức thuế ban hành năm 1832, nhưng điều đó cũng không đủ để xoa dịu đa số người dân Nam Carolina. Bang này đã thông qua Sắc lệnh Vô hiệu hóa, tuyên bố cả mức thuế quan ban hành năm 1828 và 1832 đều vô hiệu trong phạm vi biên giới của họ. Cơ quan lập pháp của bang cũng thông qua các đạo luật để thực thi sắc lệnh này, bao gồm cho phép xây dựng quân đội và chuẩn chi mua vũ khí. Vô hiệu hóa là chủ đề phản đối vốn đã có từ lâu nhằm chống lại những hành động bị cho là thái quá của chính quyền liên bang. Jefferson và Madison đã đề xuất khái niệm vô hiệu hóa trong các nghị quyết của bang Kentucky và Virginia năm 1798 nhằm phản đối các Đạo luật Ngoại kiều và Nổi loạn. Hội nghị Hartford năm 1814 đã viện dẫn khái niệm này để phản đối cuộc chiến năm 1812. Tuy nhiên trước đây chưa từng bao giờ có một tiểu bang thực sự cố gắng áp dụng vô hiệu hóa. Quốc gia non trẻ giờ đây lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của chính mình.
Để chống lại mối đe dọa của bang Nam Carolina, Jackson đã phái bảy tàu hải quân nhỏ và một tàu chiến tới Charleston vào tháng 12/1832. Ngày 10/12 ông đã ra một tuyên bố đanh thép chống lại những kẻ ủng hộ việc vô hiệu hóa. Tổng thống tuyên bố rằng, bang Nam Carolina đã đứng trên bờ vực của phản loạn và phản bội và ông đã kêu gọi nhân dân của bang này khẳng định lại lòng trung thành của họ với liên bang. Ông cũng nêu rõ rằng, nếu cần thiết, cá nhân ông sẽ lãnh đạo quân đội Hợp chủng quốc thực thi pháp luật.
Khi vấn đề về các biểu thuế quan lại được trình ra trước Quốc hội, thì đối thủ chính trị của Jackson, Thượng nghị sỹ Henry Clay, một người ủng hộ rất mạnh cho việc bảo hộ mậu dịch, đã ủng hộ một biện pháp thỏa hiệp. Dự luật thuế quan của
Clay - một dự luật nhanh chóng được thông qua năm 1833 - đã xác định rõ rằng toàn bộ các mức thuế vượt quá 20% giá trị các hàng hóa nhập khẩu sẽ được giảm xuống hàng năm để đến năm 1842, các khoản thuế đánh vào tất cả các mặt hàng sẽ đạt mức biểu thuế vừa phải của năm 1816. Đồng thời, Quốc hội thông qua Đạo luật Quân sự, cho phép tổng thống sử dụng sức mạnh quân sự để thực thi pháp luật.
>> Visa hôn thê Mỹ
Bang Nam Carolina đã hy vọng giành được sự ủng hộ của các bang miền Nam khác, nhưng họ phát hiện thấy họ đã tự cô lập chính mình (Đồng minh tin cậy nhất của họ là bang Georgia đã muốn và đã có được quân lực Hoa Kỳ để loại bỏ các bộ lạc da đỏ ra khỏi lãnh thổ của họ). Cuối cùng, Nam Carolina đã bãi bỏ quyết định của mình. Tuy nhiên, cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng. Jackson đã bảo vệ vững chắc liên bang. Nhưng bằng việc thể hiện sự chống đối của mình, tiểu bang Nam Carolina đã đạt được nhiều yêu cầu của họ và đã minh chứng rằng một bang đơn lẻ vẫn có thể ép Quốc hội chấp nhận ý chí của mình.