TRẬN CHIẾN CỦA NGÂN HÀNG

Một phần của tài liệu Nuoc my lich su chinh tri va phat trien1 (Trang 35 - 36)

Chương 5: Mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng

TRẬN CHIẾN CỦA NGÂN HÀNG

Mặc dù những tranh cãi về vấn đề vô hiệu hoá một đạo luật của Quốc hội trên lãnh thổ bang là mầm mống của cuộc Nội chiến, song nó không phải là một vấn đề chính trị nghiêm trọng bằng cuộc đấu tranh đầy cam go để đảm bảo sự tồn tại của ngân hàng trung ương của liên bang - Ngân hàng thứ hai của Hợp chủng quốc. Ngân hàng thứ nhất đã được thành lập năm 1791 dưới sự lãnh đạo của Alexander Hamilton và đã được trao đặc quyền trong một giai đoạn là 20 năm. Tuy chính phủ có nắm giữ một số vốn cổ phần của ngân hàng này, nhưng ngân hàng này - tương tự Ngân hàng Trung ương của Anh và các ngân hàng trung ương khác cùng thời - lại là công ty tư nhân, trong đó lợi nhuận được chuyển cho những cổ đông của nó. Chức năng phục vụ nhà nước của ngân hàng này là nơi lưu trữ các khoản thu của chính phủ, cho chính phủ vay ngắn hạn, và trên hết là đảm bảo một đồng tiền vững mạnh bằng cách không chấp nhận giá trị danh nghĩa của tiền (tiền giấy) do các ngân hàng nhà nước cho phép phát hành quá khả năng bù đắp của chính phủ.

Đối với giới tài chính và kinh doanh miền Bắc, ngân hàng trung ương là công cụ cần thiết để đảm bảo chính sách tiền tệ thận trọng. Nhưng ngay từ đầu, ngân hàng này đã bị dân miền Nam và miền Tây phản đối vì họ tin rằng sự thịnh vượng và phát triển trong khu vực của họ dựa vào lượng tiền và tín dụng dư dật. Đảng Cộng hòa của Jefferson và Madison đã nghi ngờ tính hợp hiến của ngân hàng này. Khi điều lệ của ngân hàng này hết hạn vào năm 1811 thì nó đã không được gia hạn.

Trong vài năm tiếp theo, hoạt động ngân hàng nằm trong tay các ngân hàng được nhà nước cấp độc quyền mà đã phát hành những lượng tiền nhiều quá mức. Điều này đã gây ra sự hỗn độn và làm gia tăng lạm phát. Một điều đã trở nên ngày càng rõ ràng là ngân hàng của các tiểu bang không thể cung cấp cho đất nước một đồng tiền đáng tin cậy, và do vậy vào năm 1816, Ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ - tương tự ngân hàng đầu tiên - đã được cấp đặc quyền trong 20 năm. Ngay từ khi bắt đầu, Ngân hàng thứ hai đã không được phổ biến ở các bang mới và các vùng lãnh thổ mới, và số người thịnh đạt biết tới ngân hàng này cũng ít hơn. Các đối thủ cho rằng ngân hàng đã nắm độc quyền thực sự với khoản tín dụng và tiền tệ của quốc gia, và họ khẳng định rõ ngân hàng này đại diện cho quyền lợi của một số rất ít người giàu có.

Xét tổng thể thì ngân hàng này đã được quản lý tốt và cung cấp được dịch vụ có giá trị; nhưng Jackson là người từ lâu đã có cùng quan điểm với phe Cộng hòa là không tin tưởng vào định chế tài chính này. Được bầu lên với tư cách một người

được lòng dân, ông biết rằng người lãnh đạo mang dòng máu quý tộc của ngân hàng này, Nicolas Biddle, là một người dễ bị đánh bại. Khi phe ủng hộ ngân hàng trong Quốc hội thúc ép việc gia hạn sớm điều lệ của ngân hàng, Jackson đáp lại bằng hành động phủ quyết và lên án độc quyền đặc lợi. Nỗ lực xóa bỏ hiệu lực của việc phủ quyết này đã không thành công.

Trong chiến dịch bầu cử tổng thống tiếp theo, vấn đề ngân hàng đã gây ra sự chia rẽ lớn. Các thương nhân lớn, giới sản xuất và tài chính ủng hộ một đồng tiền mạnh. Các nhà băng và doanh nhân ở các khu vực ủng hộ việc cung cấp tiền nhiều hơn và tỷ lệ lãi thấp hơn. Những người đi vay nợ, đặc biệt là nông dân, cũng nhất trí với quan điểm này. Jackson và những người ủng hộ ông đã gọi ngân hàng trung ương là con ác quỷ và nhanh chóng giành được thắng lợi dễ dàng trong cuộc tranh cử với Henry Clay.

Jackson đã thấy sự tái cử của mình năm 1832 là bằng chứng sự ủy nhiệm của nhân dân nhằm đánh bại ngân hàng khiến nó không thể nào có thể vực dậy được. Tháng 9/1833 ông ra lệnh cấm không cho một khoản tiền nào của chính quyền được gửi vào ngân hàng, kể cả việc rút dần số tiền đang gửi tại đây. Chính phủ đã gửi tiền của mình ở các ngân hàng của các tiểu bang đã được lựa chọn - hay phe đối lập còn gọi là ngân hàng được ưu ái.

Trong thời gian của thế hệ kế tiếp, nước Mỹ xoay xở được nhờ một hệ thống ngân hàng tiểu bang khá lộn xộn không được quản lý, việc này đã giúp cho việc kích thích sự mở rộng về phía Tây nhờ khoản tín dụng rẻ nhưng đã khiến cho cả quốc gia dễ bị tổn thương trước cú sốc định kỳ. Trong thời kỳ Nội chiến, Hoa Kỳ đã khởi xướng hệ thống đặc quyền dành cho các ngân hàng địa phương và khu vực. Nhưng cuối cùng, vào năm 1913, nước Mỹ đã quay lại sử dụng một ngân hàng trung ương duy nhất với sự ra đời của hệ thống Cục Dự trữ Liên bang.

Một phần của tài liệu Nuoc my lich su chinh tri va phat trien1 (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(163 trang)
w