Mục đích của giáo dục pháp luật

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho sinh viên trường cao đẳng công nghiệp và kinh tế công nghiệp (Trang 26 - 27)

Mục đích của GDPL là yếu tố cơ bản, phản ánh đặc thù của GDPL, là tiêu chí đầu tiên quan trọng nhất để phân biệt GDPL với các dạng giáo dục khác. Việc xác định đúng mục đích GDPL giúp cho hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao. Trong điều kiện xã hội hiện nay, mục đích GDPL được xác định cơ bản như sau:

Một là, cung cấp những kiến thức PL cơ bản và từng bước mở rộng hệ thống tri thức PL cho công dân (mục đích nhận thức).

Hai là, hình thành lòng tin và tình cảm vào PL (mục đích cảm xúc).

Ba là, hình thành động cơ, hành vi và thói quen xử sự hợp pháp, tích cực mục đích hành vi).

Ba mục đích trên của GDPL có quan hệ mật thiết với nhau cùng tồn tại trong một thể thống nhất. Trong đó mục đích cơ bản là nhằm hình thành ở mỗi thành viên xã hội ý thức PL. Trong GDPL ba mục đích đó cần tiến hành song song.

GDPL trong trường CĐ có vị trí quan trọng trong các hình thức GDPL nói chung, có ý nghĩa đặc biệt trong công tác giáo dục đào tạo của mỗi nhà trường. Nét đặc thù của GDPL trong các trường CĐ trước hết do vị trí tương lai của SV quy định. Mục đích GDPL đối với SV được thể hiện như sau:

Thứ nhất, GDPL nhằm cung cấp hệ thống tri thức PL cho SV.

Sự hiểu biết PL là cơ sở để SV thực hiện các hành vi hợp pháp trong đời sống hàng ngày và hình thành ý thức PL đúng đắn. Mục đích này nhằm trang bị cho các em những tri thức cơ bản về PL như bản chất của PL, vai trò điều chỉnh của nó và những am hiểu về những quy định PL hiện hành. Bên cạnh đó các em cũng có được những hiểu biết về các quy định của PL hiện hành trên các lĩnh vực khác nhau. Có được tri thức PL ở một trình độ nhất định mới tạo ra tình cảm PL mạnh mẽ, bởi lẽ tình cảm PL chỉ có thể được nuôi dưỡng trên cơ sở các khái niệm, quan niệm, phạm trù về PL, thiếu những điều đó không thể tồn tại cảm xúc PL. Chính vì vậy, mục đích đầu tiên của GDPL cho SV là cung cấp cho SV những tri thức PL chính xác, có hệ thống, làm sâu sắc và mở rộng hệ thống tri thức PL cho SV.

Thứ hai, GDPL nhằm hình thành lòng tin và tình cảm PL cho SV.

Sự hình thành niềm tin vào PL có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì khi SV có tri thức PL không có nghĩa là đã có tình cảm đúng đắn và niềm tin vào PL. Thiếu niềm

tin, tình cảm đối với PL sẽ không tạo ra được các hành vi hợp pháp và khả năng tuân theo các quy định của PL hiện hành. Khi có niềm tin vào tính công bằng của PL sẽ hướng dẫn hành vi hợp pháp của SV và công tác GDPL trong các trường CĐ không chỉ giảng dạy mà còn là giáo dục PL cho SV. Bởi vậy GDPL trong trường CĐ đòi hỏi phải đề cao việc GD tình cảm công bằng, bình đẳng, lòng tin đối với PL, giáo dục tình cảm trách nhiệm và GD tình cảm pháp chế cho SV. Thông qua qua đó giúp cho SV xây dựng được ý thức tuân thủ PL ở mọi lúc, mọi nơi, tạo cho SV biết phê phán, đấu tranh với những biểu hiện coi thường PL, VPPL.

Thứ ba, GDPL hình thành động cơ, hành vi, thói quen xử sự hợp pháp, tích cực của SV.

Mục đích này có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn. Makarenco, nhà giáo dục nổi tiếng người Nga đã khẳng định: “Giáo dục thói quen là công việc khó khăn hơn cả giáo dục ý thức” [55]. Kết quả của GDPL sẽ được đánh giá qua các ứng xử của SV trong đời sống hàng ngày và GDPL sẽ từng bước hình thành ý thức tự giác thực hiện PL trong SV. Thói quen này là niềm tin bên trong và sự tự ý thức được lặp đi lặp lại nhiều lần thông qua các hành vi xử sự trong đời sống xã hội. Hành vi xử sự theo quy định của PL là kết quả cuối cùng, là cái đích mà GDPL nói chung và GDPL trong trường CĐ nói riêng cần đạt được. Mục đích của GDPL là hình thành ở SV ý thức PL, làm cơ sở cho sự hình thành hành vi và thói quen phù hợp với các chuẩn mực PL, hình thành trong SV tình cảm và thái độ đúng đắn với PL, niềm tin vào PL.

Tóm lại, GDPL trong các trường CĐ nhằm giúp cho SV nắm được những tri

thức cơ bản, quan trọng để các em có ý thức về vị trí, trách nhiệm và lý tưởng của người công dân, nâng cao năng lực nhận thức và hành động để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên nền tảng tri thức nhằm hình thành và bồi dưỡng tình cảm lành mạnh của người SV, rèn luyện cho các em thói quen hành vi và lối sống theo PL. Đồng thời, tập cho SV kỹ năng vận dụng tri thức đã học vào thực tế nắm vững các chuẩn mực PL và tuân thủ các chuẩn mực đó trong mọi hành vi của mình.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho sinh viên trường cao đẳng công nghiệp và kinh tế công nghiệp (Trang 26 - 27)