Thứ nhất, phương thức hình thành: Tổ hợp Tập đoàn được hình thành theo
phương thức hành chính trên cơ sở phê duyệt Đề án thành lập do TCT HCVN đệ trình. Các cơ quan QLNN thực chất là đại diện CSH của tổ hợp Tập đoàn và giữ vai trò là người xem xét và phê duyệt đề án. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ [28], tổ hợp Tập đoàn được thành lập trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại TCT HCVN; đồng thời CTM - Tập đoàn HCVN được hình thành [27] trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng, các Ban chức năng tham mưu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc nằm trong cơ cấu của TCT HCVN. Sự hình thành tổ hợp Tập đoàn theo phương thức này tạo được sự tập trung vốn, giúp cho tổ hợp Tập đoàn có thể đi ngay vào hoạt động dựa trên những ngành nghề mà TCT đã hoạt động trước đó. Vì vậy, vấn đề quan trọng là CTM cần đứng ra tổ chức, liên kết hữu cơ
các DN thành viên với nhau để tạo thành một thể thống nhất, mang đặc điểm hoạt động của một TĐKT.
Thứ hai, địa vị pháp lý: Khi chuyển đổi sang mô hình TĐKT trên cơ sở cơ
cấu lại TCT HCVN, mô hình CTM - CTC [30] tiếp tục được tổ hợp Tập đoàn phát triển. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp HCVN với tư cách là tổ hợp không có tư cách pháp nhân mà chỉ có CTM - Tập đoàn HCVN và các công ty thành viên là có tư cách pháp nhân, bình đẳng trước pháp luật. CTM - Tập đoàn HCVN nắm cổ phần chi phối tại các công ty thành viên, giữ vai trò trụ cột và là trung tâm điều hành trong tổ hợp nhưng không phải là cơ quan QLNN với cơ chế cấp trên - cấp dưới theo mô hình TCT trước đây; CTM - Tập đoàn HCVN hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước làm CSH [26]. Vì vậy, CTM cần
thể hiện vai trò định hướng chiến lược phát triển dài hạn của tổ hợp, việc can thiệp quá sâu vào hoạt động của các ĐVTV là không cần thiết; thay vào đó là thực hiện kiểm tra, giám sát bằng các chỉ tiêu hoạt động để duy trì mục tiêu chiến lược chung của tổ hợp Tập đoàn.
Thứ ba, về hình thức sở hữu: Theo quy định hiện hành [8][28], Nhà nước
vẫn nắm giữ 100% vốn điều lệ tại CTM. Các CTC và DN thành viên trong tổ hợp Tập đoàn có cơ cấu đa sở hữu. Trong tổ hợp Tập đoàn hiện nay, CTC là công ty do CTM nắm giữ quyền chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH MTV hay TCT. Ngoài ra còn có các công ty liên kết là công ty có vốn góp dưới mức chi phối của CTM và công ty tự nguyện tham gia
liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết hoặc không có hợp đồng liên kết, nhưng trên cơ sở có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác với CTM hoặc với các DN thành viên trong tổ hợp Tập đoàn. Vì vậy, CTM cần thiết nắm giữ mức vốn cổ phần chi phối
đối với những DN trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính của mình, đồng thời đa dạng sở hữu đối với những DN còn lại, hoặc luôn có cơ chế để “thu nạp” các DN muốn liên kết, để huy động nguồn lực trong xã hội và tạo được liên kết theo kiểu vệ tinh phục vụ phát triển của tổ hợp.
Thứ tư, quy mô: So với các TĐKT lớn trên thế giới, quy mô của tổ hợp Tập
đoàn còn rất khiêm tốn; tổng tài sản của tổ hợp Tập đoàn năm 2014 là 60.749 tỷ đồng (khoảng 2,893 tỷ US$) tương đương 0,83% so với tập đoàn Exxon Mobil (năm 2014). Tuy nhiên, so với DN trong nước, về cơ bản tổ hợp Tập đoàn có quy mô lớn về vốn, tài sản, lao động, số lượng đơn vị DN thành viên; qua đó tạo điều kiện cho khả năng tích tụ, tập trung và cạnh tranh, giữ được vị trí quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh công nghiệp hóa chất của nền kinh tế.
Theo quy định của Nhà nước [8], vốn điều lệ của CTM hiện nay là 16.000 tỷ đồng. Đặc điểm vốn của CTM hiện nay chưa phải do sự tích tụ của các DN thành viên, mà phần lớn do sự đầu tư của Nhà nước và lợi thế độc quyền trên thị trường từ TCT trước đó chuyển sang. Mặt khác, tổ hợp Tập đoàn có lĩnh vực khai thác quặng apatít nên có vị thế độc quyền nhất định trong khai thác tài nguyên khoáng sản của quốc gia làm nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động SXKD chính của mình. Vì vậy, vai trò của CTM cần tạo mối quan hệ hữu cơ
giữa ĐVTV không chỉ dựa trên lợi thế độc quyền nguồn nguyên liệu (bản chất là phụ thuộc) mà phải dựa trên những yếu tố của phát triển bền vững như công nghệ, công tác TC, QL…
Thứ năm, ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh: Theo Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ [24] về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn HCVN giai đoạn 2012-2015, CTM - Tập đoàn HCVN hoạt động theo 02 nhóm ngành, nghề kinh doanh như sau: (1) Ngành, nghề kinh doanh chính: Sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược; (2) Ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính: Tư vấn thiết kế công nghiệp
hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất và kinh doanh các ngành, nghề khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Như vậy, đặc điểm ngành nghề của Tập đoàn là không đa ngành đa lĩnh vực và tương đối tập trung chú trọng vào các hoạt động kinh doanh sản xuất chính, cốt lõi là lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hóa chất. Do đó, để phát triển, tận dụng lợi thế sản xuất trong ngành công nghiệp hóa chất cũng như tiết kiệm chi phí trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật hay chi phí nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất, trên cơ sở đặc điểm của từng DN thành viên. Vì vậy, CTM
cần phải tính đến việc thiết kế mối quan hệ phù hợp theo hướng hình thành thành các khối ngành hàng chủ đạo có sự tập trung, chẳng hạn như khối phân bón, khối cao su chế biến… và trong mỗi khối xem xét phân công và hợp tác thích hợp theo hướng tạo lập “chuỗi giá trị” và trên cơ sở lợi ích.
Thứ sáu, mô hình tổ chức, mô hình quản lý: Tổ hợp Tập đoàn thực hiện liên
kết bằng vốn dưới hai hình thức chủ yếu, một là giữa CTM - Tập đoàn HCVN với các ĐVTV và giữa các ĐVTV cùng cấp với nhau. Trong trường hợp quan hệ dựa trên vốn của CTM đầu tư vào ĐVTV, thì đối với CTC là công ty TNHH MTV, CTM thực hiện vai trò CSH của công ty, có toàn quyền quyết định các vấn đề kinh doanh của công ty và có quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động của công ty. Đối với CTC, công ty liên kết là công ty cổ phần CTM giữ cổ phần chi phối, CTM chỉ có quyền hạn và trách nhiệm như một cổ đông. Quan hệ liên kết giữa các ĐVTV cùng cấp với nhau là quan hệ giữa các CTC với nhau hoặc giữa các CTC với công ty liên kết theo phương thức ký kết hợp đồng kinh tế; CTM không áp đặt mệnh lệnh hành chính để tạo lập hoặc duy trì các quan hệ này. Các công ty thành viên trong tổ hợp Tập đoàn tự điều chỉnh quan hệ với nhau thông qua thực hiện chiến lược của CTM. Tập đoàn có cấu trúc đơn giản gồm: CTM - Tập đoàn HCVN là DN cấp I do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giữ quyền chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các công ty thành viên là DN cấp II. Vì
vậy, CTM cần đẩy mạnh liên kết về thị trường, công nghệ, nhân sự… giữa các ĐVTV qua đó tăng cường sự hợp tác, giảm cạnh tranh nội bộ và giảm chi phí.