Cùng với tiến trình cải cách DNNN kể từ năm 1986, đặc biệt kể từ thời điểm bước ngoặt ra đời Quyết định 91/TTg ngày 07-3-1994 cho đến nay, QLNN đối với các TĐKTNN đã có nhiều đổi mới theo hướng hội nhập kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh trong nền KTTT. Khung pháp lý cho hoạt động của các TĐKTNN và TCTNN về cơ bản đã đầy đủ và toàn diện, điển hình như: Luật DN 2014 được Quốc Hội thông qua ngày 26-11-2014 và có hiệu lực từ ngày 01-7-2015; Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN do Quốc Hội thông qua ngày 26-11-2014 và có hiệu lực từ ngày 01-7-2015; Nghị định số 69/2014/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 15-7-2014 về TĐKTNN và TCTNN; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngảy 13-10-2015 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại DN là công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ… Nhìn chung, hoạt động QLNN đã có nhiều đổi mới và có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các TĐKTNN và TCTNN, trong đó có Tập đoàn HCVN. Một số nội dung nổi bật phải được kể đến như sau:
- Đã xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như từng ngành trong dài hạn, đặc biệt là hàng năm. Qua đó làm cơ sở định hướng cho các TĐKTNN nói chung và Tập đoàn HCVN nói riêng xây dựng chiến lược phát triển dài hạn và ngắn hạn, từng bước nâng cao sức cạnh tranh trong nền KTTT.
- Đã hình thành hệ thống văn bản pháp luật tạo lập môi trường pháp lý cho các TĐKTNN và TCTNN hoạt động. Như đã đề cập, các văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của TĐKTNN đã khá đầy đủ và toàn diện, đến năm 2015 số lượng văn bản đã ban hành không dưới con số 50, và hàng năm tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng với tình hình thực tế.
- Tạo lập và mở rộng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các TĐKTNN và TCTNN hoạt động, đặc biệt là hoạt động tài chính. Với xu hướng này, các TĐKTNN và TCTNN đã có điều kiện để có thể chủ động trong việc điều hòa nguồn lực một cách hợp lý trong nội bộ; qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các thành viên qua việc nắm bắt cơ hội thị trường và mở rộng sản xuất.
- Các cơ quan QLNN đã có sự phối hợp đồng bộ hơn, trách nhiệm hơn trong việc thực hiện chức năng quản lý đối với các TĐKTNN và TCTNN, qua đó giúp cho các TĐKTNN và TCTNN hoạt động thuận lợi, có cơ sở và điều kiện để phát triển nhanh.
Mặc dù vậy, sự quản lý của nhà nước vẫn còn những tồn tại ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các TĐKTNN và TCTNN trong đó có Tập đoàn HCVN, cụ thể:
- Cơ chế hình thành và phát triển các TĐKTNN vẫn mang bóng dáng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Việc lựa chọn phương thức hành chính để thành lập các TĐKTNN về nguyên tắc không có gì sai, thậm chí được coi là tích cực với mục tiêu bắt kịp với trình độ và sự phát triển chung của các TĐKT trên thế giới (theo quan điểm của luận án này). Nhưng vấn đề là sau khi được hình thành thì Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các DN thành viên trong tập đoàn tiếp tục phát triển mối quan hệ liên kết với nhau trên cơ sở phân công và chuyên môn hóa để tạo thành một thể thống nhất hữu cơ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sau khi các TĐKTNN được thành lập, các DN thành viên trong tập đoàn không có được sự tự chủ đúng nghĩa, do đó trong hoạt động
không có nhiều biểu hiện kết nối. Khuynh hướng hoạt động của TĐKTNN ở Việt Nam là tiếp tục trông chờ vào các quyết định hành chính của cấp trên, vì vậy TĐKTNN không tạo nên sự khác biệt về chất so với DN đơn lẻ.
- Quan hệ CSH nhà nước với TĐKTNN chưa thực sự rõ ràng. Sự tách bạch giữa quyền QLNN với quyền là CSH còn lúng túng và gây không ít khó khăn cho hoạt động của các TĐKTNN khi có những vấn đề phát sinh; ví dụ như TĐKTNN hoạt động bị thua lỗ sẽ được hạch toán ra sao khi tập đoàn có tham gia và thực hiện yêu cầu của nhà nước đối với các hoạt động xã hội công ích, thậm chí TĐKTNN được sử dụng làm công cụ điều tiết kinh tế (theo quan điểm trong luận án này, khi TĐKTNN chưa đủ mạnh, chưa đủ sức “chi phối” trên thị trường thì việc sử dụng TĐKTNN làm công cụ điều tiết sẽ dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực của xã hội và gây rối loạn thị trường).
- Ngoài ra, sự tồn tại trong QLNN cũng còn ở những khía cạnh khác như việc sử dụng các công cụ kế hoạch hóa, quy hoạch, chính sách đầu tư, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tín dụng… nhìn chung, những chính sách này còn thiếu căn cứ thị trường và cơ sở dự báo tin cậy. Đặc biệt, liên quan đến cơ chế hoạt động của TĐKTNN về cơ bản vẫn còn nhiều bất cập, ví dụ như cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình đối với TĐKTNN còn yếu, quyền tự chủ về tài chính của CTM còn chưa được phát huy đầy đủ, cơ chế cử người đại diện vào các vị trí lãnh đạo cấp cao của TĐKTNN còn chưa rõ ràng và minh bạch… Những tồn tại trên đây vẫn tiếp tục có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các TĐKTNN và TCTNN. Trong chừng mực nhất định, những hạn chế này vẫn tiếp tục tồn tại, là những trở ngại của nền kinh tế, nếu Nhà nước không có quyết tâm đổi mới.