Để giải pháp phát triển Tập đoàn HCVN trong thời gian tới thực hiện được tốt, Nhà nước cần thực hiện và tạo một số điều kiện như sau:
Một là, đổi mới tư duy phát triển kinh tế từ mô hình chiều rộng sang chiều
sâu đối với nền kinh tế trong đó có các TĐKTNN và TCTNN; tiếp tục đổi mới mang tính “đột phá” mạnh mẽ hơn về nhận thức và hành động đối với việc tái cấu trúc, hoàn thiện mô hình TĐKT.
Đẩy nhanh quá trình tách chức năng QLNN và chức năng thực hiện quyền sở hữu, giải phóng các bộ ra khỏi chức năng sở hữu để khắc phục tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Chức năng thực hiện quyền sở hữu nên tập trung thống nhất vào một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm nhiệm đại diện CSH DNNN (trong đó có TĐKTNN và TCTNN); nâng cao năng lực, quyền hạn, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cho cơ quan đại diện CSH; thực hiện triệt để, đầy đủ quản lý DNNN theo các nguyên tắc KTTT để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN.
Đổi mới, tăng cường quản lý, giám sát đối với TĐKTNN và TCTNN. Điều có tính quyết định là phải có cơ chế, chính sách minh bạch; đề cao việc thực hiện trách nhiệm giải trình; đồng thời phải công khai hóa và minh bạch hóa thông tin. Chỉ có như vậy mới tiến tới xóa bỏ và giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng tham ô, tham nhũng và lũng đoạn trong nền kinh tế, cùng các tiêu cực khác do nhóm lợi ích, do sự thiếu minh bạch, thiếu công khai và bất bình đẳng tạo ra.
Thúc đẩy phát triển đồng bộ các loại thị trường làm cơ sở cho phát triển kinh tế theo chiều sâu, trong đó chú trọng về thị trường khoa học – công nghệ và thị trường lao động.
Ngoài vấn đề vốn, cần phải chú ý đặc biệt đến nhân sự của TĐKT theo hướng lựa chọn những người đứng đầu có tài năng kinh doanh và động cơ vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc; có khả năng tạo lập các mối liên kết hiệu quả trong hoạt động SXKD trên phạm vi trong nước và quốc tế.
Hai là, tiếp tục đẩy nhanh tái cấu trúc, chấn chỉnh tổ chức, hoạt động của
TĐKTNN đã được thí điểm thành lập và đang hoạt động nhằm mục đích tạo tiền đề cho hoạt động giải thể hoặc tiếp tục hoạt động đối với các TĐKTNN không có hiệu quả.
Thực hiện đa dạng hóa sở hữu các TĐKTNN, theo đó Nhà nước có thể mua cổ phần của các TĐKT cần chi phối và ngược lại. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, trong đó có cổ phần hóa CTM của các TĐKTNN, thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khuyến khích DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào TĐKTNN. Kinh tế nhà nước chỉ giữ vai trò chủ đạo ở những ngành nghề, lĩnh vực thực sự then chốt của nền kinh tế. Tiếp tục rà soát, lựa chọn để nghiên cứu ban hành danh mục ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Điều chỉnh, sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư. Để các TĐKTNN phát triển bền vững, tránh đầu tư tràn lan vào các lĩnh vực kinh doanh không thuộc thế mạnh của mình, hướng tái cấu trúc là: (i) Rà soát lại sự cần thiết và điều kiện thành lập TĐKTNN; xem xét giải thể (hoặc cổ phần hóa) một số tập đoàn không thuộc ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực then chốt và không thành lập mới TĐKTNN khi chưa đủ điều kiện chín muồi về hợp tác liên kết… kể cả những tập đoàn trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như an ninh, quốc phòng; (ii) Tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; và (iii) Phát triển tập đoàn theo chiều sâu, tránh để xảy ra cạnh tranh nội bộ.