Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong thời gian tới
Đề án sắp xếp, tái cấu trúc Tập đoàn HCVN (2012) [41] đưa ra những thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển của Tập đoàn HCVN trong thời gian tới như sau:
3.1.2.1 Thuận lợi (Điểm mạnh)
Tổ hợp Tập đoàn đang áp dụng mô hình quản lý CTM - CTC và các chủ thể liên doanh, liên kết khác theo nguyên tắc góp vốn, qua đó tạo được sự thông thoáng và có sức đột phá, tình trạng điều hành mang tính chất mệnh lệnh hành chính cơ bản từng bước được khắc phục. Tổ hợp Tập đoàn đã và đang duy trì được khả năng tăng trưởng và sức cạnh tranh tốt đối với một số sản phẩm trên thị trường ngách như: phân bón chứa lân, cao su (lốp xe máy, xe đạp và một phần lốp ô-tô), pin, ắc quy, và chất tẩy rửa.
Tổ hợp Tập đoàn cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu quan trọng là quặng apatít phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực là các loại phân bón chứa lân; kết quả điều tra khảo sát phỏng vấn sâu cũng cho thấy có 8/25 (chiếm 32%) cho rằng thuận lợi của tổ hợp Tập đoàn trong hoạt động phát triển thời gian tới là có nguồn nguyên liệu quặng apatít. Ngoài ra, trong thời gian tới, việc tiếp tục đẩy mạnh dự án khai thác muối mỏ tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ giúp tổ hợp Tập đoàn chủ động được nguồn nguyên liệu kali phục vụ nhu cầu phân bón kali của Việt Nam, nâng cao hiệu quả và đa dạng sản xuất các loại phân bón và giảm nhập khẩu.
Các nhóm sản phẩm của tổ hợp Tập đoàn đều thuộc khu vực ngành hàng thiết yếu đối với cả các ngành công nghiệp khác cũng như tiêu dùng, về cơ bản nhu cầu tương đối ổn định và không chịu ảnh hưởng nhiều bởi xu thế trào lưu tiêu dùng hay khu vực vùng miền; thậm chí cũng không quá khác biệt giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
Trong cơ cấu tổ chức, tổ hợp Tập đoàn có Trường cao đẳng Công nghiệp Hóa chất và Viện Hóa học Công nghiệp là 2 đơn vị sự nghiệp, một mặt đảm bảo cung ứng được nguồn nhân lực đặc thù, đồng thời tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học… qua đó hỗ trợ cho phát triển của tổ hợp Tập đoàn có tính bền vững.
3.1.2.2 Khó khăn (Điểm yếu)
Về mô hình tổ chức, các DN thành viên trong cùng ngành hàng của tổ hợp Tập đoàn hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau, chưa thể hiện được tính liên kết trong sản xuất và thương mại, các DN thành viên tiếp tục còn tình trạng cạnh tranh nhau… Về mô hình quản lý, hoạt động vẫn còn dấu ấn của cơ chế hành chính cấp trên – cấp dưới, động cơ điều hành của cán bộ quản lý vẫn chạy theo chỉ tiêu đáp ứng theo các quy định của Nhà nước, của Bộ chủ quản. Nhân sự chưa thực sự tâm huyết vào sự phát triển chung của tổ hợp Tập đoàn; bệnh chuộng thành tích và sợ trách nhiệm còn tồn tại phổ biến.
Mối quan hệ liên kết trong nội bộ tổ hợp Tập đoàn chưa được chú trọng, đặc biệt là thông tin thị trường và nhãn hiệu, thương hiệu. Chưa có hệ thống trợ giúp kỹ thuật, cung cấp thông tin cần thiết về khoa học công nghệ, môi trường và thị trường. Không có văn hóa DN, động cơ làm việc yếu…
Đầu tư công nghệ nhìn chung còn chưa đồng bộ, hiệu suất và năng lực sản xuất chưa tương xứng với nhu cầu và yêu cầu phát triển. Hoạt động đầu tư công nghệ còn rơi vào tình trạng dàn trải và sự vụ, chưa tạo lập chuỗi giá trị và nằm trong trật tự của sự phát triển tổng thể ngành; đầu tư khoa học nghiên cứu và công nghệ nhưng chưa thực sự giải quyết được vấn đề phát triển sản phẩm mới… Hoạt động đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn tài chính từ kết quả hoạt động SXKD của các ĐVTV, chưa khai thác được các nguồn tài chính từ các nguồn
khác, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính và tín dụng trong nước cũng như quốc tế.
Mặc dù có một số mặt hàng chủ lực như phân bón chứa lân (phốt-phát) nhưng tính cạnh tranh lại được mang lại từ lợi thế gần như độc quyền khai thác mỏ apatít như đã nêu, và về cơ bản nó không có tính bền vững. Chất lượng sản phẩm nói chung chưa ổn định, sức cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tỷ lệ khối lượng gia công còn chiếm tỷ trọng cao. Nếu so sánh với các sản phẩm nhập ngoại cùng loại thì phẩm cấp còn hạn chế.
Nhiều sản phẩm chưa thực sự có sức cạnh tranh tốt mặc dù có hàng chục năm SXKD, chẳng hạn như thuốc bảo vệ thực vật; một số nhóm sản phẩm quan trọng như: hóa chất cơ bản, hóa dược còn phát triển chậm, sản phẩm chất tẩy rửa cơ bản chỉ dừng ở gia công cho các hãng quốc tế, mất dần thế chủ động trong kế hoạch SXKD.
Ngoài nguyên liệu apatít, phân bón phức hợp DAP, lân nung chảy và đạm u-rê từ nguồn sản xuất trong nước dùng làm nguyên liệu chính sản xuất phân bón NPK, thì hầu hết nguyên phụ liệu phải nhập khẩu dẫn đến phụ thuộc khách quan nhiều yếu tố, từ giá đến tính ổn định trong sản xuất… dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao, đồng thời giảm sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các hãng quốc tế và của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
3.1.2.3 Cơ hội
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp HCVN đến năm 2020, có tính đến năm 2030 của Bộ Công Thương [2], có nêu những cơ hội và khó khăn thách thức đối với phát triển ngành công nghiệp HCVN nói chung, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp HCVN như sau:
Môi trường chính trị ổn định, chính sách vĩ mô đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang mở ra nhiệm vụ đồng thời là cơ hội mới để phát triển công nghiệp phân bón và hóa chất.
Quan hệ tổng cung - cầu về lương thực trên cả phạm vi quốc tế lẫn khu vực đang đặt ra vấn đề cấp bách về an ninh lương thực, bởi vậy yêu cầu phát triển, tự
chủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản và một số sản phẩm hóa chất khác đang là cơ hội lớn cho tổ hợp Tập đoàn.
Quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế đang mở ra cơ hội liên doanh, liên kết của tổ hợp Tập đoàn với các tập đoàn quốc tế tạo cơ hội nâng cao năng lực quản trị điều hành, tham gia vào các thị trường mới trong tổng thể chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời tổ hợp Tập đoàn đang có cơ hội lớn trong việc tiếp cận các thị trường nước ngoài khi các rào cản dần được dỡ bỏ theo lộ trình các cam kết WTO, và sắp tới là TPP. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho việc đón nhận luồng chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài vào tổ hợp Tập đoàn.
Việt Nam có nguồn tài nguyên, đáp ứng một phần nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất cho ngành công nghiệp hóa chất như dầu mỏ, khí thiên nhiên, than (dùng cho sản xuất phân đạm u-rê, hóa chất hữu cơ, cho công nghiệp hóa dầu); apatit (cho sản xuất phân lân và các hợp chất chứa phốt-pho); cao su thiên nhiên (cho sản xuất sản phẩm cao su); muối biển và các loại nguyên liệu khoáng sản, thực vật khác tương đối phong phú. Việt Nam là một nước đông dân, đây vừa là nguồn lao động dồi dào, vừa là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm hóa chất.
3.1.2.4 Thách thức
Cổ phần hóa các DNNN là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, tham gia vào hoạt động của DN sẽ xuất hiện thêm các bên liên quan như cổ đông mới từ mọi thành phần kinh tế, các cơ quan hữu quan… và sẽ tạo ra những áp lực nhất định đến quá trình quản trị, điều hành đối với toàn Tập đoàn; qua đó, buộc Tập đoàn phải thay đổi nên sẽ phải đối mặt với giai đoạn cải tổ, hoặc là phát triển nhanh sau giai đoạn này nhưng cũng có nguy cơ đi xuống nếu các hoạt động cổ phần mang tính thị trường không được giải quyết một cách tích cực và quyết liệt. Vai trò chính trị, xã hội của tổ hợp Tập đoàn sẽ có những sắc thái mới sau khi cổ phẩn hóa, theo đó sẽ hướng đến việc hiệu quả thay bằng các nhiệm vụ chính trị nửa vời như trước; tuy nhiên ở điểm này sẽ xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, do đó yêu cầu và tiêu chí giải quyết là theo nguyên tắc KTTT.
Những khó khăn của kinh tế vĩ mô những năm qua, và có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa vẫn đang là những thách thức lớn đối với tổ hợp Tập đoàn; giá thành phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, hoạt động nghiên cứu và triển khai kém
phát triển… kéo theo giá bán, sức cạnh tranh thua kém so với các sản phẩm ngoại nhập, đồng thời xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, huy động vốn thực hiện các dự án bị đình trệ...
Hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước, đặc biệt là đường sắt đang là áp lực lên nhu cầu vận tải của tổ hợp Tập đoàn trong thời gian tới. Tập đoàn đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lực lượng kỹ sư có trình độ cao trong vận hành công nghệ hiện đại ở các nhà máy đầu tư mới và đội ngũ quản lý kinh tế được đào tạo bài bản đáp ứng các yêu cầu trong điều kiện kinh doanh toàn cầu.
Tốc độ đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa chất (kể cả các sản phẩm hóa dầu, hóa dược, hóa mỹ phẩm) của thế giới đang diễn ra rất nhanh; trong khi công nghệ của các nhà máy cũ đang thực hiện sản xuất sản phẩm trọng yếu của Tập đoàn lại chậm được cải tiến.
Trung Quốc hiện đang chiếm hơn 1/4 tổng sản lượng phân chứa lân của thế giới. Họ đang tiếp tục mở rộng công suất sản xuất phân lân và nâng cao tỉ lệ vận hành nhằm hướng tới mục tiêu sẽ sớm trở thành cường quốc xuất khẩu phân lân; khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm và trình độ chế tác công nghệ của Trung Quốc đang ngày dần được hoàn thiện. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn cho ngành HCVN nói chung và tổ hợp Tập đoàn nói riêng trong những năm tới.