- Kĩ năng kiên định giúp các em có thái độ vững vàng trước những thách thức và đòi hỏi trong cuộc sống hàng ngày, giúp các em có thể từ chối điều mình không muốn làm và tự tin với những lựa chọn của bản thân, tiến hành thương thuyết có lưu ý đến nhu cầu và quyền của người khác.
- Kĩ năng kiên định rất cần thiết trong cuộc sống. Nó làm tăng thêm sự tự tin; giúp ta vững vàng trước các khó khăn, áp lực và giúp ta thực hiện được những ước mơ, hoài bão.
- Việc thực hiện kĩ năng kiên định giúp chúng ta rèn luyện khả năng nói “không”, từ chối trước những sức ép của người khác có liên quan đến những hành vi không có lợi cho sức khỏe hoặc bị xã hội lên án.
- Kĩ năng kiên định giúp cá nhân tự bảo vệ bản thân và có khả năng chống lại những áp lực tiêu cực từ bạn bè, những người xung quanh, tránh được những điều xấu cho mình và gia đình. Người không có kĩ năng kiên định sẽ bị mất tự chủ, bị xúc phạm hoặc bản thân luôn bị phụ thuộc, luôn cảm thấy tức giận và thất vọng.
- Kĩ năng kiên định giúp cá nhân có suy nghĩ và quyết tâm hành động một cách an toàn, có trách nhiệm với bản thân và người khác.Giúp cá nhân có khả
năng thách thức những suy nghĩ định kiến, rập khuôn và các hành vi có tính phân biệt đối xử.
b.Các bước phát triển kỹ năng kiên định
- Bước 1: Nhận biết đầy đủ về bản thân mình: Hiểu rõ những đặc điểm, khả năng, cảm xúc, nhu cầu và mong muốn riêng của bản thân (Rèn luyện kĩ năng tự nhận thức bản thân và xác định giá trị).
- Bước 2: Nhận ra và sử dụng những quyền con người cơ bản (Quyền con người là những quyền người nào cũng có).
- Bước 3: Luyện tập kĩ năng từ chối thông qua những tình huống cụ thể bằng phương pháp sắm vai theo cặp: gây hấn và phục tùng; gây hấn và kiên định, phục tùng và kiên định.
- Bước 4: Rút ra kết luận cần thiết
3. Tìm hiểu về kỹ năng từ chối
3.1Khái niệm
Kĩ năng từ chối là “nghệ thuật nói không” với những điều người khác đề nghị nhưng bản thân mình không thích, không muốn, không có khả năng thực hiện, nhưng lại không làm tổn thương lớn tới mối quan hệ vốn có.
Ví dụ: Từ chối cho người khác vay tiền (vì người này hay vay tiền bạn bè mà không trả); Từ chối khi được mời thử uống rượu, dùng ma tuý, quan hệ tình dục không lành mạnh; Từ chối nhận nhiệm vụ quá sức với mình; Từ chối nhận quà khi nó có giá trị “trên mức tình cảm”…
Từ chối là một kĩ năng để thể hiện thái độ kiên định của bản thân trước các tình huống cụ thể trong cuộc sống.
3.2 Các bước thể hiện kĩ năng từ chối
Để có quyết định từ chối, chúng ta cần:
1. Xác định tình huống, hoạt động chúng ta cần từ chối. Những tình huống, hoạt động này có thể dẫn đến những hậu quả không tốt.
2. Xác định một cách rõ ràng về cảm xúc của chúng ta đối với những tình huống, hoạt động này.
4. Nghĩ về những hoạt động thay thế khác. 5. Quyết định từ chối.
Trong mỗi tình huống cụ thể, có nhiều cách từ chối. Bạn có thể từ chối một cách rõ ràng, trực tiếp; trì hoãn hoặc thương lượng.
3.3 Các cách từ chối Các cách từ chối mẫu Bạn có thể nói Ghi chú Từ chối trực tiếp - Không! - Không,tôi không thể. - Không, chúng tôi sẽ không trao đổi thêm về điều này nữa.
- Từ chối trực tiếp và rõ ràng. Với cách này đối phương sẽ không có cơ hội để tiếp tục thuyết phục hay lôi kéo bạn nữa.
- Áp dụng cho những tình huống bạn đã xác định rất rõ ràng: Điều đó đi ngược lại mong muốn của bạn, vi phạm nguyên tắc sống của bạn hoặc gây hại cho bản thân, người khác.
- Sau khi từ chối một cách trực tiếp, tốt nhất bạn nên chuyển ngay sang trao đổi một chủ đề khác hoặc tránh mặt người đang thuyết phục mình, bỏ đi chỗ khác. Và nhất quyết không trao đổi, giải thích gì thêm.
Trì hoãn - Tôi không thực sự sẵn sàng về điều này.
- Chúng ta sẽ nói chuyện về điều này sau.
- Tôi phải hỏi ý kiến gia đình tôi (hoặc một ai đó
- Đây là biện pháp nhằm trì hoãn quyết định cho đến khi đã cân nhắc thật kĩ càng. - Áp dụng cho những tình huống bạn còn chưa xác định rõ ràng những điểm lợi cũng như nguy cơ có thể xảy ra. Khi bạn cần có thời gian cân nhắc thêm.
như thầy cô giáo, nhóm trưởng … ) đã. Đàm phán - Chúng ta hãy làm … thay cho … - Tôi sẽ không làm việc này, hãy làm … - Nếu làm việc này chúng ta phải …..
- Là biện pháp nhằm cố gắng đưa ra quyết định có thể chấp nhận được cho cả hai)
Từ chối không phải là tàn nhẫn hay thô lỗ. Nhưng một số người không bao giờ nói “không” trong bất kì trường hợp nào. Họ từ chối bằng cách tránh gặp măt, tránh né nói chuyện qua điện thoại hoặc lấp lửng, muốn những người khác tự hiểu rằng họ muốn từ chối. Đôi khi cũng có kết quả, nhưng từ chối bằng cách gửi những thông điệp phi ngôn từ như vậy sẽ làm căng thẳng cả hai bên một cách không cần thiết.
Vì vậy, bất cứ khi nào bạn thấy trong lòng rất muốn từ chối, bạn có thể sử dụng một trong những cách sau đây:
- Đưa ra thông điệp của bạn một cách nhã nhặn: “Tôi rất muốn, nhưng…”. “Tôi rất muốn, nhưng…”. Cách nói như vậy rất hữu dụng trong xã giao, nhất là khi từ chối một cuộc hẹn.
- Từ chối theo kiểu tích cực: “Nhưng ngay lúc này…”. “Đây là một ý hay, nhưng ngay lúc này…”. Nói câu từ chối theo cách tích cực này có thể tránh được sự tổn thương về mặt tình cảm. “Nhưng ngay lúc này” có ý nghĩa như là sự hứa hẹn cho sau này, một kiểu mở ngõ cánh cửa đôi chút. Tuy nhiên, nếu đó là sự việc bạn không muốn được đề nghị ở lần sau thì bạn không nên dùng cách từ chối này.
- Chú ý lắng nghe và dành thời gian suy nghĩ: “Để tôi suy nghĩ đã…”. “Để tôi suy nghĩ đã…” Mẹo này sẽ giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ để kiếm lời từ chối khéo léo. Sau khi cân nhắc, nếu bạn vẫn muốn nói không thì hãy đơn thuần nói "không " và đưa ra lí do chính vì sao bạn từ chối lời đề nghị. Người khác sẽ cảm kích vì bạn đã biết lắng nghe và coi trọng yêu cầu của họ (dù bạn từ chối).
- Từ chối với vẻ hài hước. “Tôi nghĩ chắc là không được đâu, vì tôi còn kém lắm” hoặc “Ồ! Nó có vẻ không tiện lắm”. Phần lớn người ta sẽ không ép bạn phải giải thích, nhưng nếu bị hỏi, bạn chỉ cần nói: “Đó không phải là điều tôi quen làm, tôi sợ lại vướng nữa thì khổ”…
- Nói “không” với sự cảm thông và quyết đoán. Thỉnh thoảng, cách từ chối đơn giản nhất và tốt nhất là nói “không” một cách thẳng thắn. Đôi khi, khó từ chối nhất là những lời bóng gió và thở dài, họ sử dụng tình cảm để bạn phải trả lời đồng ý. Trong trường hợp này, một lời nói “không” với sự cảm thông và quyết đoán sẽ ngăn được hiều lầm. Nó giúp cả hai phía không bị đi sai hướng và lãng phí thời giờ. Bạn không bắt buộc phải luôn là người cứu hộ.
Theo các nhà tâm lí, khó nhất là nói lời từ chối lần đầu tiên. Dù vậy, nếu bạn không thu được kết quả với lời từ chối lần đầu thì đó không phải là sự thất bại. Bởi vì sau đó bạn sẽ dễ dàng hơn để từ chối lần thứ hai. Hãy nhớ, bạn luôn luôn có quyền nói “không” và hiếm khi bạn bị bắt buộc phải giải thích nó. Nếu thực hiện đúng cách, bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tránh được những bực bội không đáng có bằng những lời từ chối nhã nhặn. Sự quyết đoán đó không phải là thái độ sỗ sàng, mà đó là sự thể hiện kính trọng của bạn đối với người khác và cả với chính mình.
BÀI 5: KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU Mã bài: MĐ 11 – B05
Mục tiêu: - Kiến thức:
+ Trình bày rõ khái niệm, vai trò của kỹ năng xác định mục tiêu, các bước xác định và đánh giá mục tiêu
- Kỹ năng:
+ Thực hành các kỹ năng trong tình huống cụ thể.
+ Xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ( mục tiêu cuộc đời) và lập kế hoạch thực hiện mục tiêu.
- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Rèn luyện tính kiên trì phấn đấu vì mục tiêu đã xác định
Nội dung chính:
1. Xác định mục tiêu ngắn hạn
1.1 Khái niệm mục tiêu và kĩ năng đặt mục tiêu
Mục tiêu là điều mà chúng ta muốn thực hiện, muốn đạt tới. (Ví dụ: Mục tiêu ngày mai sẽ làm quen với các bạn mới vào trường; mục tiêu trong học kì tới sẽ học tốt môn tin học; mục tiêu từ ngày mai sẽ dậy sớm, vào lúc 6h30 sáng; mục tiêu sẽ tìm được một công việc phù hợp; mục tiêu sẽ trở thành một người tốt; mục tiêu luôn giúp đỡ mọi người...)
- Kĩ năng đặt mục tiêu là khả năng xác định những mong muốn cụ thể, thực tế của mình trong từng giai đoạn cũng như trong suốt cuộc đời và biết xây dựng kế hoạch để biến những mục tiêu ấy thành hiện thực.
Mục tiêu ngắn hạn thường là những mong muốn trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 quý hay 1 năm.
Ý nghĩa của kĩ năng đặt mục tiêu
- Giúp chúng ta suy nghĩ, ước mơ về một điều cụ thể, thực tế và biết phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn.
- Giúp chúng ta cảm nhận những ý nghĩa, giá trị của cuộc sống và sống có mục đích, có kế hoạch hơn.
- Kĩ năng đặt mục tiêu liên hệ mật thiết với kĩ năng tự nhận thức bản thân, kiên định, ra quyết định và kĩ năng lập kế hoạch. Cụ thể kĩ năng đặt mục tiêu liên hệ với kĩ năng nói trên như sau: Muốn đặt mục tiêu phù hợp học sinh cần có khả năng nhận thức về nhu cầu, hứng thú, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.... Mặt khác, trên cơ sở xác định được mục tiêu, học sinh mới có thể lập kế hoạch
để thực hiện mục tiêu; ra quyết định phù hợp với mục tiêu, đặc biệt là ra quyết định trong những tình huống có xung đột về giá trị....
1.2 Các yếu tố cần cân nhắc để xác định mục tiêu, mong muốn mang tính hiện thực:
+ Xem mục tiêu có chính đáng, phù hợp lợi ích của bản thân và mục tiêu chung của xã hội không?
+ Xác định thời gian để thực hiện mục tiêu. Mục tiêu đó sẽ được thực hiện trong thời hạn nào?
+ Xác định những khả năng, ý chí quyết tâm của bản thân, điều kiện chủ quan.
+ Xác định điều kiện khách quan (thuận lợi và khó khăn) để hiện thực mục tiêu.
+ Xác định những yếu tố thuận lợi (cơ hội, nguồn lực có sẵn, sự trợ giúp) để thực hiện mục tiêu.
+ Xác định những thách thức đòi hỏi ta phải vượt qua để đạt được mục tiêu.
+ Xác định những yếu tố nào có thể khắc phục, vượt qua để đạt được mục tiêu và những yếu tố nào không thể khắc phục được nhưng lại giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của việc thực hiện mục tiêu. Nếu có các yếu tố này thì cần từ bỏ hoặc thay đổi mục tiêu đã dự định.
+ Mục tiêu của cá nhân có xuất phát từ chính nhu cầu của cá nhân hay dựa trên mong muốn của người khác? Những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và mục tiêu cuộc đời có phù hợp hay mâu thuẫn với nhau? Ở người thành công và hạnh phúc những nhóm mục tiêu này thường phù hợp, thống nhất với nhau và mục tiêu thường xuất phát từ chính nhu cầu chính đáng của người đặt mục tiêu chứ không phải do áp lực từ người khác.
1.3. Các bước xác định mục tiêu
- Bước 1: Viết ra những mong muốn bản thân hiện tại trong ngày - Bước 2: Viết ra những mong muốn bản thân trong tuần này - Bước 3: Viết ra những mong muốn bản thân trong tháng này
- Bước 4: Viết ra những mong muốn bản thân trong các quý và trong năm nay
- Bước 5:Sắp xếp các mục tiêu theo thứ tự - Bước 6: Đánh giá và tổng hợp mục tiêu
2. Xác định mục tiêu trung hạn
2.1 Khái niệm mục tiêu trung hạn
Mục tiêu thường xuất phát từ những nhu cầu, mong muốn của con người. Mong muốn của mỗi người về cuộc đời mình hay trong từng giai đoạn của cuộc đời có những điểm giống và khác nhau. Mục tiêu của mỗi người trong từng giai đoạn cũng có thể không giống nhau. Tuy nhiên, những mục tiêu không nên đối lập với nhau mà nên thống nhất, bổ sung cho nhau, điều đó giúp con người tập trung phát triển hết những tiềm năng của mình và đạt đến thành công rực rỡ hơn. Mục tiêu trung hạn là những mục tiêu trong thời gian dưới 10 năm thường là 1 năm, 5 năm, 10 năm
2.2. Các bước xác định mục tiêu trung hạn
- Bước 1: Viết ra những mục tiêu thực hiện trong 1 – đến 5 năm - Bước 2: Viết ra những mục tiêu thực hiện trong 5 – 10 năm - Bước 3: Sắp xếp các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên
- Bước 4: Đánh giá các mục tiêu đã xác định
3. Xác định mục tiêu cuộc đời
3.1. Khái niệm mục tiêu cuộc đời
- Mục tiêu của mỗi người có thể khác nhau, và mỗi người cũng có những cách thức khác nhau để đạt mục tiêu đã đề ra. Những thành công có được thường không phải là một sự may mắn, ngẫu nhiên mà dựa trên sự xác định mục tiêu rõ ràng, dựa trên năng lực, điều kiện thực tế và đặc biệt cần có sự nỗ lực cố gắng của mỗi cá nhân. Do vậy để biến những ước mơ của mình thành hiện thực, để thực hiện được tốt những mục tiêu trong cuộc sống, chúng ta cần có kĩ năng đặt mục tiêu.
Khi chúng ta có ước mơ, có mục tiêu thì sẽ mở ra những cơ hội để chúng ta đạt được những mục tiêu đó. Khi chúng ta biết đặt cho mình những mục tiêu
phù hợp với khả năng và điều kiện của mình và quyết tâm thực hiện chúng thì sẽ phát huy được những điểm mạnh của bản thân và người đó sẽ dần bước lên những nấc thang thành công trong cuộc sống.
Trong cùng một thời điểm mỗi người có thể có một hoặc nhiều mục tiêu. Số mục tiêu cho mỗi người là không giới hạn, song mục tiêu cần mang tính hiện thực và có những mục tiêu lớn lao mà cả cuộc đời con người theo đuổi.
3.2. Các bước xác định mục tiêu cuộc đời
- Bước 1: Xem lại các mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu trung hạn, viết ra mục tiêu mà mình muốn đạt đến trong cuộc sống
- Bước 2: Sắp xếp và lựa chọn mục tiêu mình muốn lựa chọn - Bước 3: Đánh giá các mục tiêu đã xác định
4. Đánh giá mục tiêu
Mục tiêu cần đảm bảo nguyên tắc SMART:
- Specific - Cụ thể, dễ hiểu.
- Measurable – Đo lường được.
- Achievable – Có thể đạt được.
- Realistics – Thực tế.
- Timebound – Có thời hạn
SPECIFIC
Mọi mục tiêu đặt ra phải cụ thể, dễ hiểu – thường thì khi bắt đầu đặt mục tiêu cá nhân khá nhiều bạn sinh viên thích đặt những mục tiêu to lớn và khó hình dung như trở nên thành đạt, trở thành giám đốc, trở nên học giỏi… nhưng các