Quản lý cảm xúc

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng sống (nghề công tác xã hội) (Trang 70 - 75)

2.1 Khái niệm cảm xúc

Cảm xúc là những rung cảm của con người thể hiện thái độ của họ liên quan đến việc thoả mãn hay không thoả mãn một nhu cầu nào đó.

Ví dụ: Ai cũng có nhu cầu được người khác quan tâm, khi được quan tâm chúng ta thường cảm thấy vui, hạnh phúc; còn nếu không được ai quan tâm chúng ta thường cảm thấy buồn, cô đơn…

Phân loại cảm xúc:

- Cảm xúc dương tính (tích cực) là những cảm xúc tạo ra các nội tiết tố có những tác động có ích cho cơ thể, giúp tăng nhanh tốc độ và chất lượng dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Cảm xúc tích cực sẽ tăng cường và hoàn thiện các quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể hồi phục, đào thải các chất độc hại, trẻ hóa các tế bào, giúp các cơ quan chức năng hoạt động hoàn hảo. Các cảm xúc tích cực giúp rút ngắn thời gian lành bệnh và giúp kéo dài tuổi thọ.

- Cảm xúc trung tính là trạng thái cảm xúc trung tính này chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của bạn. Trong trạng thái này, tất cả các cơ quan đều hoạt động bình thường, tạo cho chúng ta cảm giác “mọi việc đều ổn”, tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh được duy trì ở mức đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu của cơ thể. Cảm xúc trung tính giúp bạn nhận thức được sự hoạt động bình ổn của cơ thể và đây là trạng thái cân bằng về tinh thần và năng lượng.

Tuy nhiên, các cảm xúc trung tính nếu tồn tại trong một khoảng thời gian dài sẽ tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các hoạt động của não bộ. Chúng sẽ tạo ra các trạng thái vô cảm và trì trệ.

- Cảm xúc âm tính (tiêu cực) tạo ra những chất độc hại, có tác dụng xấu đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm tắc nghẽn các dòng dẫn truyền tín hiệu thần kinh, làm rối loạn vòng tuần hoàn máu và dưỡng khí. Cảm xúc xấu sẽ phá vỡ sự cân bằng của quá trình trao đổi chất, dẫn đến tình trạng làm suy yếu các cơ quan

chức năng của cơ thể, hủy hoại các tế bào, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tạo ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe và các loại bệnh tật.

2.2. Đặc điểm của cảm xúc

- Xúc cảm, tình cảm là một thành phần quan trọng trong thế giới tâm lí con người. Đã là con người ai cũng có cảm xúc, thái độ trước những tình huống, sự kiện khác nhau.

- Thế giới cảm xúc của con người vô cùng phong phú và phức tạp, có nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau. Đó có thể là những cảm xúc dương tính như: Vui vẻ, hạnh phúc hoặc cảm xúc âm tính như buồn rầu, đau khổ, thất vọng...

- Trong cùng một loại cảm xúc của con người cũng bao gồm rất nhiều cung bậc khác nhau, chẳng hạn như cảm xúc buồn có thể bao gồm các trạng thái khác nhau như: Buồn man mác, buồn rầu, buồn đau...

- Trước cùng một sự vật, hiện tượng mỗi người lại có thể có những cảm xúc khác nhau, tùy thuộc vào ý nghĩa của sự kiện đó đối với họ. Mỗi người đều có lí do riêng cho cảm xúc của mình và họ cần được tôn trọng, cảm thông, chấp nhận với những cảm xúc của riêng họ.

- Cảm xúc của con người chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố bên ngoài (các sự vật, hiện tượng, tình huống diễn ra liên quan đến cuộc sống của họ) và đặc biệt cảm xúc chịu sự chi phối, kiểm soát của suy nghĩ. Con người có thể quản lí được suy nghĩ của mình, do đó con người hoàn toàn có thể quản lí được cảm xúc.

- Cảm xúc có thể thay đổi theo thời gian, thụ động theo sự thay đổi của điều kiện khách quan bên ngoài hoặc thay đổi một cách chủ động theo sự quản lí của con người.

2.3. Ý nghĩa của cảm xúc và quản lý cảm xúc

2.3.1. Ý nghĩa của cảm xúc đối với cuộc sống của con người

- Cảm xúc gắn bó chặt chẽ với suy nghĩ và hành vi của con người. Cảm xúc chính là nguồn gốc dẫn tới hành động. Khi con người vui vẻ, hạnh phúc, họ thường

hoạt động năng nổ, nhiệt tình hơn và cũng thường thực hiện những hành vi tích cực hơn. Khi con người buồn chán, thất vọng họ có xu hướng tỏ ra uể oải, không muốn hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc thu mình lại. Khi con người căm ghét, hận thù, họ có thể có xu hướng thực hiện những hoạt động gây hại cho bản thân và người khác...

- Các cảm xúc tích cực tạo ra các nội tiết tố có những tác động có ích cho cơ thể, tăng cường sự dẻo dai, sức đề kháng của con người. Cảm xúc tiêu cực có thể gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan và các tổ chức mô trong cơ thể, hậu quả là làm giảm sức làm việc, làm giảm sức đề kháng của con người, làm rối loạn các quá trình sinh lí, tâm lí của con người. (Xem thêm phần Phân loại cảm xúc)

2.3.2. Ý nghĩa của việc quản lí cảm xúc

Việc quản lí cảm xúc giúp hạn chế cảm xúc tiêu cực, thúc đẩy những cảm xúc tích cực để tạo năng lượng cho quá trình làm việc và sinh sống; giúp cá nhân có cái nhìn lạc quan và khách quan hơn về các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; tăng cường tốt các mối quan hệ do biết cách phản ứng hợp lí trong các tình huống khác nhau.

2.4 Các bước quản lí cảm xúc

Bước 1: Nhận biết cảm xúc của bản thân và các dấu hiệu về mặt ngôn ngữ, cơ thể.

- Nhận biết cảm xúc của bản thân là một bước quan trọng đầu tiên để có thể thay đổi được những điều mình muốn. Để nhận biết được cảm xúc của bản thân hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: Tôi đang cảm thấy như thế nào? Cảm xúc nào đang diễn ra trong tôi? Cơ thể tôi có biểu hiện gì khi trải qua cảm xúc đó? Mỗi cảm xúc khác nhau sẽ có những dấu hiệu cơ thể khác nhau.

- Quan sát những biểu hiện cơ thể của mình trước mỗi cảm xúc khác nhau sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng nhận biết cảm xúc của mình. Việc rèn luyện này cần diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.

Dưới đây là một số dấu hiệu về mặt cơ thể giúp bạn nhận diện tốt hơn cảm xúc của mình hoặc của người khác.

Tức giận: Nóng mặt, nóng người, đỏ mặt, căng cứng cơ nhất là cơ tay, nghiến răng, trợn mắt, đỏ mắt, tóc dựng, thở hổn hển, giọng đanh và cao…

Buồn bã: mắt rủ xuống, khóe môi cũng rủ xuống, vận động chậm chạp, nói năng chậm chạp, sắc thái mặt không tươi...

Vui, hạnh phúc: mắt long lanh, cơ mặt giãn ra, nét mặt rạng rỡ, má có thể ửng hồng, cảm giác lâng lâng, nói cười nhiều. Tuy nhiên, có những người có thể rơi vào trạng thái vui quá độ có những biểu hiện như: tay chân khua khoắng loạn lên, đôi khi muốn lột bỏ hết quần áo, mồm hò hét, có xu hướng lôi kéo người khác vào cuộc vui...

Sợ hãi: Mắt mở to hoặc nhắm tịt lại, tim đập mạnh, thở gấp, người run lên hoặc cứng lại, nói ấp úng, toát mồ hôi, có người có thể “tè” ra quần,…

Lo lắng: Khó thở (có người cảm thấy nghẹn thở), tim đập nhanh, mắt nhìn hướng xa xăm, ít để ý đến xuang quanh, bồn chồn, không yên, tay có thể mân mê một vật gì đó một cách vô thức,…

Bước 2: Hạ nhiệt những cảm xúc tiêu cực

Người ta thường nói: “Cả giận mất khôn” ý muốn nói rằng hành động, lời nói khi tức giận cao độ dễ sai lầm và gây hậu quả xấu. Những cảm xúc tiêu cực khác cũng vậy, nếu chúng ta hành động, ra quyết định khi đang có cảm xúc tiêu cực ở mức độ nghiêm trọng thường là những quyết định không sáng suốt. Tại thời điểm đang quá buồn, quá giận, quá đau khổ chúng ta cũng khó có thể bình tĩnh, sáng suốt để quản lí cảm xúc một cách hiệu quả ngay được.

Do vậy điều quan trọng cần làm để kiểm soát cảm xúc hiệu quả là “hạ nhiệt” cảm xúc, tức làm giảm mức độ, cường độ cảm xúc đó. Bạn có thể hạ nhiệt cảm xúc bằng cách:

- Đi ra khỏi môi trường đang tạo cho mình cảm xúc tiêu cực (ví dụ: đi ra khỏi cuộc cãi vã, vào trong phòng, đi ra ngoài,…). Với cảm xúc tức giận thì có thể đi ra khỏi môi trường đó, nhắm mắt lại đếm đến 30 hay 50 hoặc vỗ nước lên mặt.

- Luyện tập thư giãn tưởng tượng, tập thở sâu để lấy lại trạng thái thăng bằng.

- Tâm sự với người mà bạn tin tưởng. Nói ra được những điều đang bức xúc trong lòng sẽ giúp bản thân giảm các cảm xúc tiêu cực, dần hiểu ra vấn đề và điều chỉnh cảm xúc của mình. Chia sẻ với một người khác là một cách tốt để cảm xúc được hạ nhiệt, nhưng cần nhớ là người đó phải “an toàn” với bạn để cho dù bạn nói những cảm xúc rất riêng tư cũng không lo lắng.

- Với mỗi người khác nhau lại có thể có những cách hạ nhiệt cảm xúc của riêng mình và chúng ta có thể chia sẻ, học hỏi các cách hạ nhiệt cảm xúc của nhau.

Bước 3: Tìm hiểu nguồn gốc của cảm xúc, thay thế bằng suy nghĩ tích cực

- Thông thường mọi người hay kết luận nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực là do các yếu tố bên ngoài (người khác, sự kiện bên ngoài...) nhưng thực tế có những người cùng tiếp xúc với một môi trường như nhau hoặc cùng trải qua những khó khăn giống nhau nhưng có người thì thấy rất bình thường có người lại trở nên suy sụp. Chính suy nghĩ, cách nghĩ của mỗi người là yếu tố quyết định cho mỗi cảm xúc và hành vi của họ.

- Những suy nghĩ tiêu cực hoặc thiếu khách quan về một vấn đề là nguồn gốc dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, luyện tập để có suy nghĩ tích cực là một trong những kĩ năng cần thiết để quản lí cảm xúc.

Bước 4: Luyện tập thường xuyên suy nghĩ, cảm xúc, hành vi mới

Khi tìm ra được suy nghĩ không phù hợp, hãy thay thế bằng một suy nghĩ mới và luôn tự nhắc nhở mình bằng những câu nói tích cực hơn, phù hợp hơn.

- Với cảm xúc Tức giận : Tôi không nên cáu giận, cáu giận sẽ khiến tôi có ứng xử không tốt, hãy bình tĩnh, hãy bình tĩnh nào!

- Với cảm xúc Hồi hộp, lo lắng : Hãy thư giãn, thả lỏng cơ thể, thả lỏng toàn cơ thể, đầu, vai, tay, bụng, chân, bàn chân... tôi đang tự tin dần lên, tôi đang thoải mái dần lên, tôi đang vui dần lên.

Để một cách nghĩ mới, một hành vi mới tốt đẹp trở thành một thói quen, một con đường đi quen thuộc của mình thì cần có sự luyện tập thường xuyên, nếu không bạn sẽ chỉ là nô lệ của các cảm xúc tiêu cực, bạn chỉ bị các cảm xúc tiêu cực điều khiển mà không thể làm chủ được bản thân mình cũng như cuộc sống, tương lai của mình.

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng sống (nghề công tác xã hội) (Trang 70 - 75)