Cách xác định giá trị đối với bản thân

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng sống (nghề công tác xã hội) (Trang 29)

3. Sự cần thiết phải giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên

1.2. Cách xác định giá trị đối với bản thân

Việc xác định giá trị giúp cho mỗi người hiểu rõ hơn mình là ai (mình có những phẩm chất gì, điều mình theo đuổi là gì,…) và quan trọng là họ thấy được

là “mình cần phải làm gì” để là chính mình, để không cảm thấy hối tiếc và không cảm thấy mình sống vô ích. Để xác định giá trị của bản thân, trước một tình huống hay một vấn đề hoặc bạn tự suy ngẫm về một điều gì đó, bạn hãy trả lời 4 câu hỏi sau:

+ Điều đó có ý nghĩa đối với bản thân và xã hội không?

Có những điều có ý nghĩa với cá nhân nhưng lại không mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ví dụ: Khi bạn đang đi xe máy trên đường và bạn nhổ nước bọt (Việc này có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và giúp bạn thoải mái nhưng lại làm ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng tới người khác). Giá trị của mỗi người mỗi khác và đáng được tôn trọng nhưng với điều kiện nó không làm phương hại đến người khác, đến cộng đồng. Nếu người nào “tôn thờ” những giá trị đi ngược lại với lợi ích của người khác hay cộng đồng thì sẽ chịu hệ quả như bị tảy chay, bị pháp luật trừng trị,…

+ Điều đó có quan trọng đối với cuộc sống của mình không?

Đôi khi chúng ta dành rất nhiều thời gian hay công sức vào những điều mà không thực sự quan trọng với mình hoặc bạn tưởng đó là điều quan trọng nhưng kì thực không phải thế. Ví dụ: Có bạn cho rằng tiền là thứ quan trọng nhất với mình (và vì vậy làm mọi cách để có tiền kể cả là phạm tội). Nhưng có rất nhiều thứ tiền không mua được như: sức khỏe, thời gian, danh dự, tình yêu thương, sự bình yên,…

+ Điều đó có phải là điều quý giá mà mình phải giữ gìn, bảo vệ không?

Nếu là “giá trị” của bạn thì dù bạn có gặp khó khăn hay gian khổ thế nào bạn cũng quyết tâm bảo vệ nó. Ví dụ: Lương thiện là giá trị của bạn thì lương thiện chính là thứ quý giá mà bạn giữ gìn, bảo vệ, dù khó khăn thế nào bạn cũng giữ sự lương thiện đến cùng.

+ Điều đó có luôn định hướng/chi phối hành động, hành vi của mình không?

Có những người “nói một đằng làm một nẻo” hoặc “mong muốn thế này nhưng lại làm thế khác” thì những điều đó chưa hẳn là giá trị với họ. Ví dụ: Khi bạn cho là sức khỏe là thứ quan trọng cần phải giữ gìn và bảo vệ. Vậy thì bạn sẽ

từ chối những cuộc nhậu nhẹt hay bạn sẽ không tham gia những trò quá mạo hiểm (đua xe, dùng vũ khí,…).

2.Xác định giá trị sống của em

2.1 Mười hai giá trị sống được đề cao trên thế giới

Hòa bình

Hoà bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh. Nếu mỗi người đều cảm thấy bình yên ở trong lòng thì hòa bình sẽ ngự trị khắp nơi trên thế giới. Thanh bình không có nghĩa là vắng bóng sóng gió mà chính là ta vẫn giữ được lòng bình an giữa những biến động, hỗn loạn.

Bình an có được khi mọi tư tưởng, tình cảm và ước muốn của con người đều trong sáng.

Tôn trọng

Bẩm sinh con người là vốn quý giá. Một phần của lòng tự trọng là biết về các phẩm chất của mình.

Tôn trọng bản thân là hạt giống để sự tự tin lớn lên. Khi biết tôn trọng bản thân, ta dễ dàng tôn trọng người khác.

Nhận biết giá trị của bản thân và trân trọng giá trị của người khác chính là cách thức để ta nhận được sự tôn trọng.

Yêu thương

Tình yêu là nền tảng tạo dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ một cách chân thành và bền vững nhất.

Yêu thương có nghĩa là tôi có thể trở thành người tử tế, biết quan tâm và thông hiểu người khác.

Yêu thương là nhìn nhận mỗi người theo cách tích cực hơn.

Một khi bạn mở lòng trao đi những tình cảm thật chân thành thì bạn cũng sẽ nhận lại được chính tình yêu thương đó.

Khoan dung

Khoan dung là sự cởi mở và nhận ra vẻ đẹp của những điều khác biệt Khoan dung đối với những điều không thuận lợi trong cuộc sống là biết cho qua đi, trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và tiếp tục tiến lên.

Người biết trân trọng những giá trị tốt đẹp ở người khác và nhìn thấy những điều tích cực trong mọi tình huống là người có lòng khoan dung.

Trung thực

Trung thực làm cho cuộc sống trở nên toàn vẹn hơn vì bên trong và bên ngoài chúng ta là một hình ảnh phản chiếu.

Đôi khi lòng tham là gốc rễ của sự thiếu trung thực.

Trung thực với bản thân và với mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có nghĩa là ta đang gieo niềm tin trong lòng người khác và xứng đáng nhận được sự tin yêu.

Khiêm tốn

Khiêm tốn cho phép bản thân ta trưởng thành với phẩm giá và lòng chính trực mà không cần đến những bằng chứng thể hiện bên ngoài.

Khiêm tốn giúp người ta trở nên tuyệt vời hơn trong trái tim người khác. Việc gây ấn tượng, lấn át hoặc hạn chế tự do của người khác nhằm mục đích chứng tỏ bản thân mình sẽ chỉ làm giảm bớt trải nghiệm nội tâm về giá trị, phẩm cách và bình an trong tâm hồn.

Hợp tác

Tinh thần hợp tác tồn tại khi mọi người làm việc cùng nhau vì mục đích chung.

Người có tinh thần hợp tác là người có tâm hồn trong sáng, luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với mọi người cũng như công việc.

Khi hợp tác, ta cần phải biêt điều gì là cần thiết. Đôi khi ta cần đưa ra ý tưởng nhưng có lúc ta cần phải gác qua một bên ý tưởng của mình. Lúc này, ta giữ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, nhưng vào lúc khác, ta cần phải đi theo ý tưởng của người khác.

Hạnh phúc

Hạnh phúc sẽ mỉm cười khi lòng ta tràn ngập hy vọng và sống có mục đích.

Khi mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc tràn ngập con tim.

Trách nhiệm

Nếu chúng ta muốn được hòa bình, chúng ta phải có trách nhiệm sống bình yên.

Người có trách nhiệm luôn sẵn lòng đóng góp công sức của mình. Trách nhiệm không phải là điều ràng buộc chúng ta mà nó tạo điều kiện để ta có được những gì ta mong muốn.

Người có trách nhiệm là người biết thế nào là công bằng và thấy rằng mỗi người đều nhận được phần của mình.

Giản dị

Giản dị là biết trân trọng những điều nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống.

Giản dị là sự trân trọng vẻ đẹp bên trong và nhận ra giá trị của tất cả mọi người, ngay cả những người được xem là xấu xa, tồi tệ.

Giản dị giúp chúng ta biết giảm thiểu những chi tiêu không cần thiết. Nó giúp ta nhận ra rằng một khi các nhu cầu cơ bản của chúng ta được đáp ứng, đủ để ta có một cuộc sống thoải mái thì bất kì sự thái quá và thừa thãi nào cũng có thể dẫn tới tình trạng hư hỏng và lãng phí.

Tự do

Tự do có thể bị hiểu lầm là một điều gì đó không có giới hạn, tức là cho phép mình “làm những gì tôi muốn, bất cứ khi nào tôi cần và bất cứ người nào tôi thích”. Cách hiểu này mang tính chất đánh lừa và dễ dẫn người ta đến việc lạm dụng sự lựa chọn.

Chúng ta chỉ thật sự cảm thấy tự do khi các quyền được cân bằng với trách nhiệm, sự lựa chọn được cân bằng với lương tâm.

Đoàn kết

Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.

Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình và làm cho bầu không khí trở nên ấm áp.

Chỉ cần một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng cũng có thể khiến cho mối đoàn kết bị đổ vỡ. Việc ngắt lời, gây cản trở người khác, đưa ra những lời phê bình, chỉ trích liên tục và thiếu tính xây dựng… sẽ ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ.

2.2 Cách xác định giá trị sống

Để có thể xác định giá trị sống của em, em có thế làm theo các bước sau: - Bước 1: Đọc và ghi lần lượt câu trả lời trên giấy. Các câu hỏi như sau:

+ Điều đầu tiên, tôi muốn làm khi ra trường là:… + Nếu trúng xổ sổ tôi sẽ dùng số tiền đó để…

+ Nếu trong túi của tôi còn 10 nghìn đồng và bạn hỏi vay, tôi sẽ……. + Một công việc lương cao nhưng thời gian gò bó và một công việc lương bình thường nhưng thời gian thoải mái hơn tôi sẽ chọn…

+ Tôi ghét nhất những người....

+ Nếu tôi tương lai của tôi thất bại thì là vì… - Bước 2: Chia sẻ trước nhóm hoặc lớp

- Bước 3: Đưa ra cảm nhận và kết luận

Kết luận:

Mỗi người có một “giá trị” riêng, quan điểm riêng của bản thân mình và điều này sẽ định hướng hành động của chúng ta. Trong những hoàn cảnh khó khăn buộc chúng ta phải lựa chọn, giá trị sẽ là kim chỉ nam cho chúng ta hành động theo cách mà chúng ta thấy là hợp lí và sẵn sàng vượt qua những khó khăn. Mọi người cần tôn trọng những giá trị riêng của mỗi người, miễn là những giá trị đó không làm phương hại đến người khác và xã hội.

3. Xác định: Chân dung của tôi

Bài tập này giúp học sinh xác định những điều quan trọng nhất với mình trong cuộc sống. Mỗi học sinh lấy một tờ giấy trắng và trung thực trả lời các câu hỏi, sau đó có thể chia sẻ trước lớp để tìm sự đồng cảm.

1)Tên:……… 2) Điều mà tôi muốn đạt được trong cuộc sống của mình là:……… 3) Người quan trọng nhất với tôi là:……… 4) Điều mà tôi luôn muốn, cần người khác thực hiện khi đối xử với mình là: 5) Điều mà tôi yêu cầu mình không bao giờ phá bỏ là:……… 6) 4 từ mà tôi muốn mọi người nói về tôi là:………... 4. Xác định giá trị sống cốt lõi

4.1. Đặc điểm của giá trị

Giá trị của mỗi cá nhân có thể khác nhau. Có người cho rằng "tiền bạc là trên hết". Có người cho rằng tình yêu thương mới là điều quí giá nhất trong cuộc sống của họ. Có người coi trọng lòng trung thực, sự bình yên… Điều đó phụ thuộc vào các yếu tố về văn hoá, xã hội, đạo đức, trình độ nhận thức hoặc trải nghiệm riêng của bản thân mỗi người.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta chịu ảnh hưởng từ gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, phương tiện truyền thông và các trào lưu sống của thời đại. Khi chúng ta xem xét những kinh nghiệm của người khác, chúng ta sẽ xuất hiện những quan điểm thái độ của mình. Chúng ta sẽ đưa ra những phán xét về việc mọi người nên sống và cư xử ra sao. Chính qua những phán xét như vậy, chúng ta hình thành nên những giá trị của riêng mình và phát triển chúng thành những hành vi xã hội. Những trải nghiệm cá nhân của mỗi người cũng giúp hình thành nên những giá trị riêng của họ.

Giá trị của cá nhân có thể trở thành giá trị của nhóm hay cộng đồng.

Có những giá trị chung mang tính phổ biến trên phạm vi toàn cầu và được đa số coi trọng. Đó là: Mối quan hệ tốt với gia đình, người thân; thành công trong công việc và học vấn; tình bạn; tình yêu; tự do; hoà bình; công lí; sự giàu có; danh vọng, địa vị; sức khoẻ và hạnh phúc;...

Giá trị đích thực? Có những giá trị sống đích thực, trở thành những giá trị chung cho nhiều người và toàn xã hội như lòng trung thực, hoà bình, tôn trọng, yêu thương, công bằng, tình bằng hữu, lòng vị tha… Nhưng không phải ai cũng nhìn nhận đúng giá trị của cuộc sống. Có người cho rằng trở thành người

giàu có mới là "giá trị đích thực". Khi ấy, họ sẽ phấn đấu để có tiền bằng mọi giá, kể cả giết người, buôn lậu, trộm cắp. Nhưng rồi cách kiếm tiền ấy đưa người ta đến chỗ phạm tội, làm hại người khác, làm hại cộng đồng.

Có người lấy danh vọng làm thước đo giá trị. Vậy là họ cố gắng bằng mọi cách để có được những chức vị nào đó. Nhưng khi những chức vị ấy mất đi, bị tước bỏ, con người trở nên "trắng tay", vô giá trị.

Có người coi sự nhàn hạ là giá trị cuộc sống. Họ trốn tránh trách nhiệm, lười lao động, chọn những công việc, nghề nghiệp không vất vả. Cuối cùng, họ chẳng làm được gì cho bản thân và xã hội.

Có bạn trẻ cho rằng phải hút thuốc lá, phải biết dùng heroin, biết yêu sớm, có quan hệ tình dục với nhiều người, phải cầm đầu băng nhóm nào đó… mới là "người hùng", mới có giá trị. Trong thời đại công nghệ hiện nay có nhiều bạn cảm thấy có giá trị khi được thừa nhận qua mạng xã hội. Nhiều bạn đã bị những giá trị ảo mà công nghệ mang lại coi đó là giá trị đích thực.

Vì vậy, học tập để nhận diện đúng đâu là giá trị đích thực của cuộc sống là điều cần thiết với tất cả mọi người.

4.2. Bốn giá trị sống cốt lõi

* Tôn trọng

- Tôn trọng trước hết là tự trọng – là biết rằng tự bản chất tôi có giá trị. Một phần của tự trọng là nhận biết những phẩm chất của chính mình.

- Tôn trọng là lắng nghe người khác.

- Tôn trọng là biết người khác cũng có giá trị như tôi.

- Tôn trọng chính bản thân là nguyên nhân làm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Khi chúng ta tôn trọng chính mình, thì dễ dàng để tôn trọng người khác. Những ai biết tôn trọng sẽ nhận đuợc sự tôn trọng. Hãy biết rằng mỗi người đều có giá trị và khi thừa nhận giá trị của người khác thì thế nào cũng chiếm được sự tôn trọng nơi người khác.

- Một phần của sự tôn trọng là ý thức rằng tôi có sự khác biệt với người khác trong cách đánh giá.

- Hiểu biết về giá trị tự nhiên của mình và tôn trọng giá trị của người khác là cách thức đích thực để có được sự tôn trọng.

- Những ai biết tôn trọng sẽ nhận được sự tôn trọng.

- Khi sự tôn trọng được đo lường dựa vào những yếu tố bên ngoài thì con người có xu hướng mong muốn được người khác thừa nhận càng lớn. Mong muốn được thừa nhận càng lớn thì người ta càng dễ là nạn nhân và mất sự tôn trọng bản thân.

- Khi có sức mạnh của sự khiêm tốn trong việc tôn trọng bản thân, sự thông thái sẽ phát triển, chúng ta sẽ công bằng hơn với người khác.

- Mọi người trên thế giới và cả bản thân tôi, đều có quyền được tôn trọng và có nhân phẩm.

*Hợp tác

- Sự hợp tác tồn tại khi mọi người làm việc cùng nhau cho một mục đích chung.

- Việc hợp tác đòi hỏi thừa nhận giá trị về sự đóng góp của mỗi người và có một thái độ tích cực.

- Ai hợp tác người đó sẽ tạo nên những mong muốn tốt đẹp vì tình cảm trong sáng cho người khác và cho công việc.

- Khi hợp tác, chúng ta cần biết điều gì là cần thiết. Đôi khi chúng ta cần một ý tưởng, đôi khi cần để ý tưởng của chúng ta trôi đi. Đôi khi chúng ta cần phải dẫn dắt, và đôi khi chúng ta cần phải đi theo.

- Sự hợp tác được quản lí bởi nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. - Người nào hợp tác sẽ nhận được sự hợp tác.

- Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự hợp tác.

- Lòng can đảm, sự quan tâm, chăm sóc và chia sẻ tạo nên một nền tảng cho sự hợp tác.

- Ý thức về giá trị của mình, “Tôi có thể hợp tác!”.

* Trách nhiệm

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng sống (nghề công tác xã hội) (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)