Ảnh hưởng của thời gian chiết đến lượng tinh dầu thu được
Đối với yếu tố khảo sát ảnh hưởng của thời gian chiết đến lượng tinh dầu thu được, tác giả Nguyễn Thị Hồng thực hiện chưng cất lôi cuốn hơi nước với 100 g lá Ngải cứu già trong vòng 7 giờ, sau khoảng thời gian 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ, 5 giờ, 6 giờ, 7 giờ đọc thể tích tinh dầu thu được bên nhánh hứng.
Kết quả khảo sát cho thấy thời gian chưng cất tối ưu là 5 giờ, sau khoảng thời gian đó lượng tinh dầu tăng không đáng kể. Thể tích tinh dầu thu được ở 5 giờ là 1,4 mL. Từ đó, tác giả đã nhận xét để lượng tinh dầu thu được là tối ưu thì ta tiến hành chưng cất trong khoảng thời gian là 5 giờ với nguyên liệu lá Ngải cứu già (Nguyễn Thị Hồng, 2011).
Ảnh hưởng của lượng dung môi trích ly
Ở thực nghiệm khảo sát yếu tố lượng dung môi trích ly, tác giả Nguyễn Thị Hồng đã tiến hành khảo sát trên 100 g mẫu lá Ngải cứu già với thể tích nước lần lượt là 200 mL, 250 mL, 300 mL, 350 mL, 400 mL đun trong 5 giờ bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước.
Kết quả khảo sát cho thấy khi tăng thể tích dung môi dùng để ly trích thì lượng tinh dầu càng tăng. Do đó, thể tích dung môi dùng để ly trích tỷ lệ thuận với hàm lượng tinh dầu ly trích được. Hàm lượng tinh dầu thu được cao nhất là 1,2% ở thể tích nước cất là 300 mL. Khi tăng lượng dung môi, lượng tinh dầu có xu hướng không tăng thêm. Vì vậy tác giả đã nhận xét bổ sung 300 mL nước tương đương tỷ lệ nguyên liệu / thể
tích nước là 1:3 là tỷ lệ dung môi tối ưu khi ly trích tinh dầu với lượng mẫu như trên (Nguyễn Thị Hồng, 2011).
Ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu làm mẫu
Tác giả Nguyễn Thị Hồng đã khảo sát yếu tố mẫu nguyên liệu ảnh hưởng đến hàm lượng tinh dầu Ngải cứu thu được.
Kết quả cho thấy tại các điều kiện ly trích tối ưu, khối lượng tinh dầu lá Ngải cứu già thu được nhiều hơn so với lá Ngải cứu non là 1,23 lần. Điều này chứng tỏ hàm lượng tinh dầu trên lá Ngải cứu già nhiều hơn so với lá Ngải cứu non (Nguyễn Thị Hồng, 2011)